23/12/2024

Thu phí không dừng khó “cán đích” kịp cuối 2020

Thu phí không dừng khó “cán đích” kịp cuối 2020

Dù Thủ tướng yêu cầu các trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ chậm nhất đến ngày 31.12 năm nay phải chuyển sang thu phí điện tử không dừng, song với tiến độ hiện tại, nguy cơ trễ hẹn một lần nữa rất có thể sẽ lặp lại.
Số lượng phương tiện dán thẻ và sử dụng thẻ qua các trạm thu phí hiện rất thấp /// Ảnh: Ngọc Thắng
Số lượng phương tiện dán thẻ và sử dụng thẻ qua các trạm thu phí hiện rất thấp ẢNH: NGỌC THẮNG

Khó khả thi

Riêng với các trạm thu phí do Tổng công ty đầu tư phát triển đường cao tốc VN (VEC) quản lý, tiến độ hoàn thành của Bộ GTVT và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (DN) xem xét, quyết định phù hợp với điều kiện nguồn vốn của dự án. Trên thực tế, do 4 dự án cao tốc của VEC đều sử dụng vốn vay ODA trong khi hiệp định vay vốn đã hết hạn, việc xử lý vướng mắc nguồn vốn tại DN này sẽ mất rất nhiều thời gian, không kịp mốc cuối 2020. Đáng nói, ngay cả trong trường hợp Chính phủ cho “treo nợ” với các dự án cao tốc của VEC, tiến độ tổng thể vẫn rất khó đảm bảo trong năm nay.
Dự án thu phí không dừng giai đoạn 1 (BOO1) do Công ty VETC đầu tư với 44 trạm, bao gồm 26 trạm trên QL1 và đường Hồ Chí Minh (đoạn qua Tây nguyên), 18 trạm trên các cao tốc và các quốc lộ khác. Dự án giai đoạn 2 (BOO2) do liên danh Viettel đứng đầu gồm 33 trạm còn lại trên toàn quốc. Dự án thu phí không dừng triển khai từ năm 2015, Chính phủ yêu cầu hoàn thành, triển khai trên cả nước vào cuối năm 2019. Tuy nhiên sau đó dự án đã không thể hoàn thành đúng hạn và được gia hạn đến hết 2020. Bộ trưởng GTVT, Thứ trưởng và các ban ngành thuộc Bộ GTVT đã nhận trách nhiệm, “nghiêm khắc phê bình” do dự án thu phí không dừng chậm tiến độ.

Theo Bộ GTVT, với dự án thu phí không dừng giai đoạn 2 (BOO2 gồm 33 trạm), dù Tổng cục Đường bộ VN đã lựa chọn Tập đoàn công nghệ Viettel và một số DN làm nhà đầu tư dự án, nhưng do vướng mắc về chủ trương tái cơ cấu Viettel khiến tiến độ thành lập DN dự án bị chậm từ tháng 7.2019 tới nay. Hiện Thủ tướng đã có quyết định chấp thuận cho phép Viettel thành lập DN dự án để triển khai hệ thống thu phí tự động không dừng giai đoạn 2 từ tháng 4.2020, nhưng đến thời điểm này DN dự án vẫn chưa được thành lập. Tức chỉ còn 6 tháng nữa cho việc thành lập DN dự án lẫn lắp đặt triển khai hệ thống ETC tại 33 trạm thu phí còn lại – mốc tiến độ gần như bất khả thi.

Với dự án BOO1 (gồm 44 trạm), tính đến giữa tháng 6 cơ bản đã lắp đặt, vận hành hệ thống thu phí tự động không dừng, trừ 4 tuyến cao tốc do VEC quản lý vì vướng mắc về nguồn vốn đầu tư. Tuy nhiên, việc đàm phán, ký kết hợp đồng dịch vụ giữa nhà đầu tư là Công ty TNHH thu phí tự động VETC và các nhà đầu tư BOT lại đang khá chậm chạp. Theo ông Hồ Trọng Vinh, Phó tổng giám đốc VETC, mới chỉ 17/44 trạm thuộc dự án VETC và nhà đầu tư BOT ký kết hợp đồng dịch vụ.
Thông tin từ VETC cho biết các trạm còn lại chưa ký kết một phần nguyên nhân là do nhà đầu tư BOT đã đồng ý về mức trích lập doanh thu, nhưng lại phải chờ ý kiến của ngân hàng tài trợ vốn, hoặc nhà đầu tư BOT chưa đồng ý mức trích doanh thu, một số trạm thu phí thì đang tạm dừng thu phí như trạm Tào Xuyên, Cai Lậy (Tiền Giang), Tân Đệ (Thái Bình). Theo đại diện VETC, doanh thu các dự án BOT bị giảm so với phương án tài chính cũng khiến việc ký kết hợp đồng dịch vụ với VETC chưa đi đến hồi kết.

Sẽ xử phạt mạnh tay ?

Mới nhất, ngày 10.6, toàn tuyến cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ – Ninh Bình (tuyến Pháp Vân – Cầu Giẽ của Tập đoàn Phương Thành và Cầu Giẽ – Ninh Bình của VEC) đã triển khai thu phí tự động không dừng. Theo Tổng cục Đường bộ VN, sau 12 ngày triển khai, số lượng vé lượt giao dịch qua tất cả các trạm trên tuyến là 28.615 lượt phương tiện sử dụng thẻ E-tag đi qua. Dù đây là con số khá lớn so với các trạm khác, song nếu so với lưu lượng bình quân 60.000 lượt xe/ngày đêm của tuyến này thì số lượng phương tiện sử dụng thẻ E-tag còn khá ít ỏi, chưa đầy 4%.
Đây cũng là thực trạng chung, khi số lượng xe dán thẻ E-tag tăng rất chậm và số phương tiện nạp tiền vào thẻ để sử dụng lại càng ít. Đại diện Công ty VETC cho biết, tổng số phương tiện đã dán thẻ E-tag từ khi bắt đầu triển khai dự án đến nay là 865.000 phương tiện (chiếm 30% lượng phương tiện cả nước).
Tuy nhiên số lượng phương tiện sử dụng E-tag qua trạm thu phí chỉ đạt trên 35% tổng số lượng phương tiện đã dán thẻ. Ngoài thói quen sử dụng tiền mặt còn phổ biến, tính đến thời điểm hiện tại chỉ có duy nhất Ngân hàng BIDV chấp nhận miễn phí chuyển tiền liên ngân hàng để khuyến khích khách hàng nạp/chuyển tiền sử dụng dịch vụ, các ngân hàng khác vẫn đang trong quá trình xem xét.
Việc dán thẻ E-tag đang được thực hiện miễn phí, song theo Quyết định 19, từ 31.12.2021 trở đi, chủ phương tiện sẽ phải trả phí gắn thẻ cho nhà cung cấp dịch vụ. Không chỉ đưa ra mốc cho phương tiện dán thẻ, các chủ đầu tư BOT đứng trước nguy cơ dừng thu phí nếu không đảm bảo tiến độ. Cụ thể, Quyết định 19 yêu cầu tạm dừng thu phí với các trạm thu phí không lắp đặt ETC trước thời hạn quy định vào cuối năm nay. Một điểm quan trọng khác của Quyết định 19 là chỉ duy trì 1 làn thu phí hỗn hợp (cho cả xe không dán thẻ và dán thẻ), khi đủ điều kiện sẽ chuyển toàn bộ sang làn không dừng. Điều này sẽ giải quyết được tình trạng xe không dán thẻ đi vào làn thu phí không dừng, xe nào vi phạm sẽ bị phạt theo Nghị định 100/2019.
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ khẳng định Bộ GTVT sẽ thúc đẩy sớm việc lắp đặt, triển khai thu phí không dừng tại các trạm cửa ngõ Hà Nội trong 1, 2 tháng tới như trạm Hà Nội – Hải Phòng, trạm Hà Nội – Bắc Ninh. “Mục tiêu Bộ GTVT đặt ra vẫn là phấn đấu sẽ hoàn thành đúng theo chỉ đạo của Thủ tướng là cuối năm 2020 lắp đặt làn ETC trên các trạm thu phí cả nước. Trường hợp một số trạm đã lắp đặt nhưng đang vận hành thử hoặc chưa kịp vận hành có thể kéo dài thêm sang đầu 2021”, ông Thọ cho biết.
MAI HÀ
TNO