Thay đổi thói quen tiền mặt với dịch vụ công
Thay đổi thói quen tiền mặt với dịch vụ công
Gặp khó khăn với bài toán chi phí và hiệu quả, tuy nhiên các ngân hàng ngày càng tham gia sâu vào phát triển thanh toán các dịch vụ công cũng như điện tử hoá các giao dịch thanh toán và thu ngân sách nhà nước.
Điều này góp phần giúp thay đổi thói quen tiền mặt của người dân.
Điện tử hóa giao dịch thu ngân sách nhà nước
Ngày 26-6, Kho bạc Nhà nước và Ngân hàng Sài Gòn – Hà Nội (SHB) đã ký kết thỏa thuận hợp tác phối hợp thu ngân sách nhà nước và thanh toán song phương điện tử giữa hệ thống Kho bạc Nhà nước và ngân hàng.
Thông qua thỏa thuận hợp tác, hai bên sẽ thực hiện điện tử hóa các giao dịch thu ngân sách nhà nước nhằm đảm bảo việc thanh toán, chi trả kịp thời, chính xác vào bảo mật. Người dân cũng sẽ thuận tiện hơn khi giao dịch với cơ quan nhà nước.
Trước đây họ phải nộp trực tiếp tại kho bạc, mất khá nhiều thời gian thì nay với sự hợp tác giữa Kho bạc Nhà nước và SHB qua hệ thống thanh toán điện tử, khách hàng có nhiều lựa chọn và thuận lợi hơn về kênh thanh toán; điện tử hóa các giao dịch.
Ông Nguyễn Văn Lê, tổng giám đốc SHB, cho biết SHB là một trong số ít ngân hàng cổ phần tư nhân được triển khai điện tử hóa các giao dịch thanh toán và thu ngân sách nhà nước. “Hợp tác song phương giữa Kho bạc Nhà nước với SHB nói riêng và các ngân hàng thương mại nói chung là xu hướng kết nối tất yếu, là tiền đề cho các hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước trong thời gian tới” – ông Lê nói.
Quẹt thẻ thanh toán viện phí
Mới đây SHB cũng phối hợp với Bệnh viện Nhi trung ương ra mắt sản phẩm thẻ khám bệnh SHB – Bệnh viện Nhi trung ương nhằm tạo thói quen “không tiền mặt” khi thanh toán viện phí. Theo đó, người bệnh đến khu vực tư vấn của SHB tại Bệnh viện Nhi trung ương và lựa chọn các mệnh giá thẻ ban đầu từ 500.000 đồng đến 5 triệu đồng. Sau đó tùy theo nhu cầu, khách hàng có thể nạp thêm tiền cho các lần sử dụng tiếp theo.
Người bệnh cũng không lo sẽ phát sinh chi phí khi thanh toán bằng thẻ vì ngân hàng miễn phí mở thẻ, miễn phí thường niên cũng như không yêu cầu phải duy trì số dư tối thiểu trong thẻ.
Không tiền mặt lĩnh vực công là xu hướng
Thòi gian qua, các lĩnh vực công như y tế, giáo dục, thu ngân sách… được thúc giục phải sớm đẩy nhanh thanh toán không tiền mặt. Nghị quyết 02 của Chính phủ ban hành đặt ra yêu cầu đẩy mạnh thanh toán điện tử và cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4.
Theo đó, trước quý 3-2019, Ngân hàng Nhà nước báo cáo Chính phủ phương án cho phép nạp tiền mặt vào ví điện tử không qua tài khoản thanh toán ngân hàng.
Ngân hàng Nhà nước cũng phải phối hợp với Bộ Tài chính liệt kê và công khai chi tiết danh mục các giao dịch bắt buộc phải thanh toán qua ngân hàng, nghiên cứu đề xuất Chính phủ sửa đổi quy định nhằm khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt với các giao dịch về bất động sản.
Chủ tịch UBND cấp tỉnh, TP chỉ đạo yêu cầu 100% trường học, bệnh viện, công ty điện, công ty cấp – thoát nước, vệ sinh môi trường, viễn thông, bưu chính trên địa bàn đô thị phối hợp với ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán để thu học phí, viện phí, tiền điện… bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt…
Còn 4 ngày để ủng hộ nông sản Việt
Ảnh hưởng của dịch bệnh toàn cầu lên các hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ nông sản của người nông dân và khiến những khó khăn họ đang mang ngày càng nặng hơn. Phía sau mỗi người nông dân Việt là một gia đình, với những đứa trẻ cần được chăm lo.
Để trẻ vui bước đến trường, yên tâm học hành, báo Tuổi Trẻ, Ví Momo và Saigon Co.op phối hợp tổ chức chương trình “Ủng hộ nông sản Việt” hưởng ứng Ngày không tiền mặt. Toàn bộ số tiền ủng hộ từ các nhà hảo tâm sẽ được chuyển đến các hoàn cảnh nông dân khó khăn do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19.
Bạn đọc có thể “Ủng hộ nông sản Việt” trên nền tảng Ví Momo bằng cách chọn “Ủng hộ nông sản Việt” và (1) Mua ủng hộ hoặc (2) Quyên góp tiền. Chương trình sẽ khép lại sau 4 ngày nữa.
Thiên Tường