Đề thi tốt nghiệp THPT năm nay dễ hay khó?
Đề thi tốt nghiệp THPT năm nay dễ hay khó?
Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, chương trình học của học sinh lớp 12 năm nay bị cắt giảm nhiều nội dung. Vậy đề thi tốt nghiệp THPT có dễ hơn năm ngoái?
Đó là băn khoăn của nhiều trong số gần 2.000 học sinh có mặt trong chương trình tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp 2020 do báo Tuổi Trẻ và các đơn vị phối hợp tổ chức tại Trường ĐH Tiền Giang sáng nay 27-6.
Đề thi chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12
Chia sẻ với học sinh Tiền Giang, ThS Hoàng Thúy Nga – chuyên viên chính Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT), cho biết nội dung đề thi nằm trong chương trình THPT. Ngày 7-5, Bộ GD-ĐT công bố đề thi tham khảo kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 để các thí sinh tham khảo ôn tập.
“Đề thi này dựa trên chương trình tinh giản mà bộ đã công bố trước đó và chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12, được đánh giá dễ hơn đề minh họa do Bộ GD-ĐT công bố vào tháng 4-2020 và đề thi chính thức năm ngoái”, bà Nga cho hay.
Một nữ sinh cho biết với đề thi minh họa, bản thân em có thể làm được 8-9 điểm nên tiếp tục thắc mắc: “Đề thi năm nay dựa trên chương trình tinh giản, vậy đề thi có phân hóa được học sinh?”.
Trả lời câu hỏi này, ThS Hoàng Thúy Nga cho hay đội ngũ ra đề thi của Bộ GD-ĐT là những thầy cô đến từ rất nhiều trường trên cả nước. Đề thi đảm bảo bám sát chuẩn kiến thức chương trình THPT, trong đó đảm bảo để xét tốt nghiệp, đồng thời có sự phân hóa để các trường xét tuyển ĐH. Mức độ khó cũng nằm trong khối kiến thức các em đã học nhưng khó hơn một chút.
Tất cả các trường đều xét kết quả thi tốt nghiệp
Nhiều học sinh thắc mắc về việc năm nay các trường ĐH sử dụng rất nhiều phương thức tuyển sinh khác nhau, lại liên tục điều chỉnh thông tin tuyển sinh do dịch COVID-19.
Các chuyên gia tư vấn cho biết so với thông tin công bố trước đây, đề án tuyển sinh mới của các trường có nhiều thay đổi, đặc biệt về các phương thức và việc phân bổ lại chỉ tiêu cho từng phương thức xét tuyển.
Tất cả các trường đều tiếp tục sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2020 để xét tuyển, trong đó không ít trường vẫn dành phần lớn chỉ tiêu cho phương thức này.
Đáng chú ý, phần lớn các trường đã quyết định dừng tổ chức kỳ thi tuyển sinh riêng (như một phương thức xét tuyển trước đó). ĐH Quốc gia TP.HCM quyết định chỉ tổ chức một đợt thi duy nhất trong năm nay. Tuy nhiên, số trường sử dụng kết quả kỳ thi này để xét tuyển đã tăng lên nhiều so với năm trước.
PGS.TS Võ Ngọc Hà – hiệu trưởng Trường ĐH Tiền Giang, cho biết năm nay nhà trường có 4 phương thức xét tuyển, trong đó có phương thức xét tuyển bằng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức.
Trong khi, PGS.TS Nguyễn Ngọc Khôi – trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Y dược TP.HCM, cũng cho hay nhà trường sẽ xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi THPT năm 2020. Riêng ngành y khoa, răng – hàm – mặt, dược học và điều dưỡng có thêm phương thức xét tuyển theo hình thức kết hợp với chứng chỉ tiếng Anh quốc tế.
Phân hiệu Trường đại học Kinh tế TP.HCM ở miền Tây: Học phí thấp hơn cơ sở chính
ThS Nguyễn Văn Đương – phó trưởng phòng phụ trách phòng kế hoạch đào tạo – khảo thí Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cho biết năm 2020 Trường đại học Kinh tế TP.HCM ra mắt và tuyển sinh một phân hiệu mới tại Vĩnh Long nhằm giúp các thí sinh có hộ khẩu tại 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long có cơ hội học tập thuận lợi hơn.
Ông Đương cho biết thêm năm nay trường có 5 phương thức tuyển sinh, gồm: xét tuyển thẳng đối tượng theo quy định của Bộ GD-ĐT; xét tuyển học sinh giỏi; xét tuyển quá trình học tập theo tổ hợp môn; xét tuyển kết quả thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM; xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2020.
Riêng đối với phân hiệu Vĩnh Long, trường chỉ tuyển những ngành cơ bản như quản trị kinh doanh, tài chính – ngân hàng, thương mại điện tử, kế toán, kinh tế nông nhiệp và phát triển nông thôn, phù hợp với nhu cầu tại địa phương.
Đối với phân hiệu này, chỉ tiêu năm nay là 300 sinh viên với 42 học bổng. “Cách thức xét tuyển giống tại TP.HCM nhưng học phí chỉ 80% như TP.HCM, nên các em có hộ khẩu tại đồng bằng sông Cửu Long có thể kham khảo”, ông Đương nói.
Nhiều sinh viên học năm 2, 3 thất vọng vì chọn sai ngành
Theo ông Nguyễn Phương Toàn – phó giám đốc Sở GD-ĐT Tiền Giang, hiện nay nhiều học sinh lúng túng trong việc chọn trường, chọn ngành học để đăng ký dự thi. Rất nhiều sinh viên học đến năm thứ hai, thứ ba thì cảm thấy thất vọng trước quyết định ban đầu của mình.
“Việc xác định năng lực, sở trường để chọn một nghề phù hợp với khả năng của bản thân, phù hợp với kinh tế gia đình sẽ giúp ích cho bản thân, gia đình và xã hội sau này. Chính vì thế, chương trình tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp năm nay càng có ý nghĩa đối với các em học sinh trong việc chọn trường, chọn nghề cho bản thân mình trong tương lai”, ông Toàn nhấn mạnh.