COVID-19 ở Mỹ, Âu đang xấu đi
COVID-19 ở Mỹ, Âu đang xấu đi
Sự chú ý đối với đại dịch ở Mỹ đang đổ dồn về các bang miền nam và tây. Tại châu Âu, 30 nước chứng kiến số ca nhiễm gia tăng khi sắp mở lại biên giới.
Chỉ 55 ngày sau khi mở lại các nhà hàng cùng nhiều loại hình kinh doanh khác ở Texas, thống đốc Greg Abbott của bang này ngày 25-6 đã phải ấn nút “tạm ngừng” các giai đoạn tiếp theo trong kế hoạch mở cửa trở lại, khi số ca nhiễm mới và số ca nhập viện tăng vọt.
Điều chúng tôi không muốn ngay bây giờ là đi giật lùi và đóng các loại hình kinh doanh. Sự tạm ngừng sẽ giúp bang chúng tôi kiềm chế sự lây lan của dịch cho đến khi chúng tôi có thể bước vào giai đoạn mở cửa tiếp theo một cách an toàn.
Thống đốc bang Texas Greg Abbott nói.
Cách ly trong lòng nước Mỹ
Tại New York, thống đốc Andrew Cuomo ngày 25-6 cho biết bang này sẽ giám sát danh sách các chuyến bay đến New York để đảm bảo hành khách được cách ly. Ông cảnh báo những người bị phát hiện không cách ly sẽ đối diện với lệnh cách ly bắt buộc của tòa án hoặc bị phạt nặng.
Tuyên bố được đưa ra một ngày sau khi ba bang đông bắc là New York, New Jersey và Connecticut đã nhất trí yêu cầu cách ly 14 ngày với người dân đến từ nhiều bang miền nam của Mỹ (như Texas, Florida, Arizona…). Việc 3 bang này đưa ra các biện pháp như vậy đã cho thấy tình hình dịch ở Mỹ vẫn còn nghiêm trọng, khi nhiều điểm nóng mới xuất hiện.
Báo Washington Post ngày 26-6 đưa tin giám đốc Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) Robert Redfield nói rằng các xét nghiệm kháng thể cho thấy số người mắc COVID-19 thật sự ở Mỹ có thể nhiều gấp 10 lần con số hiện tại, lên tới ít nhất 24 triệu.
Người đứng đầu CDC cho biết ông tin đến nay có 5-8% dân số Mỹ đã nhiễm bệnh, có nghĩa tới 92-95% dân số đang có nguy cơ bị mắc COVID-19. Giới chuyên gia đánh giá đây là một dữ liệu quan trọng cho thấy đại dịch COVID-19 vẫn đang trong các giai đoạn đầu và người dân Mỹ cần tiếp tục nỗ lực kìm chân dịch.
Thông tin của CDC được đưa ra giữa bối cảnh số ca nhiễm tiếp tục tăng kỷ lục tại nhiều bang của Mỹ, cụ thể là ở các bang miền nam và tây. Trên khắp nước Mỹ, có tới 39.327 ca nhiễm mới được ghi nhận trong ngày 25-6, vượt qua kỷ lục 38.115 ca của ngày trước đó. Texas, Alabama, Missouri và Nevada… đều ghi nhận số ca nhiễm trong ngày khá cao.
Giữa các dấu hiệu cho thấy Texas có thể đã mất khả năng kiểm soát dịch, thống đốc Texas Greg Abbott đã thông báo tạm ngừng kế hoạch mở cửa trở lại. Texas ghi nhận gần 6.000 ca nhiễm ngày 25-6, lập kỷ lục mới lần thứ ba về số ca nhiễm hằng ngày trong tuần này.
Số ca nhập viện tại bang này cũng liên tục đạt kỷ lục trong 13 ngày qua. Trong khi đó, thống đốc Ron DeSantis của bang Florida hôm 25-6 nói rằng ông không có ý định chuyển sang giai đoạn mở cửa kế tiếp.
Một số quan chức trong chính quyền, gồm cả Tổng thống Mỹ Donald Trump, hiện tranh luận rằng số ca nhiễm tăng cao đơn giản chỉ phản ánh công tác xét nghiệm đang được mở rộng. Tuy nhiên, các chuyên gia bệnh truyền nhiễm, gồm giám đốc Viện Dị ứng và các bệnh truyền nhiễm quốc gia Mỹ Anthony Fauci, cho rằng điều đó cũng phản ánh sự lây nhiễm tăng cao trong cộng đồng.
Hơn 40.000 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, cao nhất từ trước tới nay
Theo thống kê mới nhất của Đại học Johns Hopkins công bố sáng 27-6 (giờ Việt Nam), trong 24 giờ qua, Mỹ đã ghi nhận thêm hơn 40.700 ca nhiễm mới – con số cao nhất từ trước tới nay. Tổng số bệnh nhân tại Mỹ hiện là hơn 2.462.000 người, trong đó hơn 124.000 bệnh nhân đã tử vong.
Trung tâm Kiểm soát và và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ đã công bố báo cáo cho thấy khoảng 5-8% dân số nước này đã nhiễm virus SARS-COV-2. Ước tính này dựa trên các khảo sát đại diện các kết quả xét nghiệm kháng thể trên toàn quốc.
Các khảo sát cũng chỉ ra số ca mắc bệnh COVID-19 tại Mỹ trên thực tế có thể còn gấp 10 lần số ca đã được xác nhận chính thức. Dân số Mỹ hiện là 329,8 triệu người và CDC ước tính con số thực tế những người đang nhiễm hoặc từng nhiễm virus SARS-CoV-2 có thể nằm trong khoảng từ 16,5-26,4 triệu người.
Lời cảnh báo cho châu Âu
Trong khi đó, giám đốc phụ trách khu vực châu Âu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Hans Kluge ngày 25-6 cảnh báo về sự tái bùng phát số ca nhiễm COVID-19 ở nhiều nước châu Âu.
“Nhiều tuần qua tôi đã nói về nguy cơ sống lại của dịch khi các nước điều chỉnh các biện pháp. Ở một vài quốc gia châu Âu, nguy cơ này giờ đây đã trở thành hiện thực. Có 30 quốc gia đã chứng kiến sự gia tăng số ca nhiễm mới trong hai tuần qua” – ông Kluge nói.
Trong đó, ông cho biết có 11 quốc gia, gồm Thụy Điển, có tốc độ lây nhiễm gia tăng mạnh đến mức nếu không có biện pháp khống chế có thể “đẩy các hệ thống y tế tới bờ vực nguy hiểm một lần nữa”.
Tuy nhiên, nhà dịch tễ học Thụy Điển Anders Tegnell đã phản đối việc WHO đưa Thụy Điển vào danh sách này và nói rằng WHO “hoàn toàn sai lầm” vì việc gia tăng số ca nhiễm là do Thụy Điển xét nghiệm nhiều hơn trước đây.
Châu Âu đã ghi nhận hơn 20.000 ca nhiễm mới và 700 ca tử vong mới do COVID-19 mỗi ngày. Cảnh báo của WHO được đưa ra trong bối cảnh Liên minh châu Âu (EU) tổ chức các cuộc thảo luận về việc người dân nước nào sẽ được phép đi tới khu vực này khi các biên giới quốc tế của khối dự kiến mở lại từ ngày 1-7. EU được cho là đang xem xét cấm người Mỹ tới khu vực khi số ca nhiễm ở Mỹ tiếp tục tăng vọt.
10 triệu
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus tuần này cho biết số ca bệnh COVID-19 trên toàn cầu được dự đoán sẽ tăng lên 10 triệu vào tuần tới. Hiện Mỹ đứng đầu thế giới với 2,5 triệu ca nhiễm. Kế đến là Brazil với 1,2 triệu ca nhiễm và Nga với hơn 620.700 ca nhiễm.
Theo ông Tedros, số ca nhiễm gia tăng nhắc nhở rằng trong lúc tiếp tục nghiên cứu phát triển vắcxin, chúng ta cần làm mọi thứ với các công cụ hiện có để chống dịch và cứu mạng người.