23/12/2024

Indonesia kêu gọi đàm phán COC giữa lúc cứng rắn với Trung Quốc về Biển Đông

Indonesia kêu gọi đàm phán COC giữa lúc cứng rắn với Trung Quốc về Biển Đông

Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi ngày 24.6 cho hay các cuộc đàm phán với Trung Quốc về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông nên được nối lại sớm sau khi bị trì hoãn do đại dịch Covid-19.

 

 

Tổng thống Indonesia Joko Widodo thăm quần đảo Natuna ở phía nam Biển Đông hồi tháng 1.2020 /// CNA
Tổng thống Indonesia Joko Widodo thăm quần đảo Natuna ở phía nam Biển Đông hồi tháng 1.2020 CNA
‘Chúng tôi tin rằng bộ quy tắc ứng xử sẽ góp phần tạo ra một môi trường có lợi ở Biển Đông”, bà Retno cho hay tại cuộc họp báo sau khi dự cuộc họp trực tuyến với các ngoại trưởng ASEAN, theo Kyodo News.
Bà Retno đưa ra lời kêu gọi trên vài ngày sau khi từ chối đề nghị đàm phán từ Trung Quốc về Biển Đông. Trong cuộc họp báo hôm 18.6, bà Retno tuyên bố lập trường của nước này là dựa theo Công ước Liên Hiệp Quốc về luật Biển (UNCLOS) năm 1982, không có tuyên bố chủ quyền chồng lấn với Trung Quốc ở Biển Đông nên “không có lý do để đàm phán”, theo kênh CNA.
Ngoại trưởng Retno đưa ra tuyên bố này sau khi Trung Quốc ngày 2.6 gửi công hàm lên Liên Hiệp Quốc, mời Indonesia đàm phán về cái gọi là “những tuyên bố chồng lấn về các quyền và lợi ích” ở Biển Đông.
Indonesia kêu gọi đàm phán COC giữa lúc cứng rắn với Trung Quốc về Biển Đông - ảnh 1

Indonesia tăng cường tuần tra xung quanh quần đảo Natuna ở phía nam Biển Đông  AFP

Đáp lại, trong công hàm gửi Tổng thư ký Liên Hiêp Quốc António Guterres ngày 12.6, Indonesia lập luận các thực thể trong quần đảo Trường Sa không được hưởng quy chế Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) hay thềm lục địa nên không thể có sự chồng lấn với EEZ hay thềm lục địa của Indonesia.
Trung Quốc gửi công hàm 2.6 để đáp lại công hàm Indonesia gửi cho ông Guterres vào ngày 28.5. Trong công hàm ngày 28.5, Indonesia bác bỏ yêu sách “đường lưỡi bò” phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông, dù Indonesia khẳng định nước này không phải là một bên tranh chấp.
Chuyên gia I Made Andi Arsana thuôc Đại học Gadjah Mada (Indonesia) nhận định việc Indonesia kiên trì phản đối những yêu sách phi pháp của Trung Quốc là rất quan trọng. “Những điều sai lầm lặp lại nhiều lần mà không bị phản đối có thể giống điều đúng”, ông I Made Andi Arsana nhấn mạnh với trang tin BenarNews.
Chuyên gia quan hệ quốc tế Teuku Rezasyah thuộc Đại học Padjajaran nhận định với CNA rằng việc Indonesia gửi công hàm phán như trên nhằm cho Trung Quốc thấy sự nhất quán của nước này trong việc giải quyết vấn đề Biển Đông theo nhiều cấp độ khác nhau, từ đơn phương, song phương, khu vực đến tòan cầu.
VĂN KHOA
TNO