23/12/2024

Điều bình thường mới của ASEAN

Điều bình thường mới của ASEAN

Hội nghị cấp cao ASEAN 36 ngày mai (26-6) sẽ tập trung trao đổi trực tuyến về việc tiếp tục hợp tác ứng phó dịch bệnh COVID-19 và tăng cường khả năng phục hồi của ASEAN, cùng nhiều vấn đề khác, trong đó có vấn đề Biển Đông.

 

Điều bình thường mới của ASEAN - Ảnh 1.

Tàu USS Gabrielle Giffords của Mỹ di chuyển gần tàu khoan thăm dò West Capella của Malaysia tháng 5-2020 – Ảnh: Hải quân Mỹ

Thực tế Biển Đông từ nửa năm qua đã có những biến chuyển nhanh, tiêu cực có, tích cực có, bình thường có, bất thường có. Điều mà, từ tháng 12 năm ngoái cho tới gần đây, được gọi là “cuộc chiến công hàm”, chính là một điều bình thường mới.

Các nước ven Biển Đông cũng như các nước khác có liên quan ít bày tỏ thái độ, quan điểm về một điều bất thường đã và đang diễn tiến trên Biển Đông trong thập niên trước.

Song, từ tháng 12 năm ngoái, các nước đã lần lượt tỏ thái độ, công khai quan điểm của mình trước việc Trung Quốc tự tiện vạch ra một “đường chín đoạn” (còn gọi là đường lưỡi bò), không dựa trên những luật lệ chung nào của thế giới, cụ thể là Công ước của Liên Hiệp Quốc (LHQ) về Luật biển (UNCLOS) 1982. Cũng không dựa trên những chứng liệu lịch sử nào đã được quốc tế nhìn nhận, song tự ý bảo “đây là của ta”.

Song, năm 2016, Tòa trọng tài đã phán quyết bác bỏ “đường chín đoạn” này. Thấy không thể cứ mãi giở chiêu “đường chín đoạn” được, bèn đổi chiêu gộp từng bãi đá mới bồi đắp, từng hòn đảo lấn chiếm, đặt tên là “Nam Hải Chư Đảo” (các đảo ở Nam Hải), “Tứ Sa”, rồi lại giở yêu sách chủ quyền ra. Bình mới rượu cũ.

Những tưởng sẽ “cả vú lấp miệng em” như từ chục năm qua, nào ngờ mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên.

Cứ tạm xem như “ông Thiên” đã dẫn tới việc Malaysia hôm 12-12-2019 bất ngờ gửi lên Ủy ban Ranh giới thềm lục địa “Báo cáo ranh giới thềm lục địa mở rộng tại khu vực phía bắc Biển Đông”. Và rằng “ông Thiên” cũng đã dẫn đến việc Philippines hôm 6-3-2020 gửi tới tổng thư ký LHQ công hàm số 000191-2020 phản đối công hàm CML/14/2019 của Trung Quốc.

Theo đó, Philippines tuyên bố các yêu sách của Trung Quốc không phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982.

Rồi đến 30-3-2020, Việt Nam gửi công hàm số 22/HC-2020 lên tổng thư ký LHQ trình bày một cách hệ thống và đầy đủ các quan điểm của Việt Nam về các vấn đề pháp lý chính ở Biển Đông, phản bác hai công hàm CML/14/2019 và CM/11/2020 của Trung Quốc.

Đến 12-6-2020, Indonesia gửi công hàm lên LHQ tái khẳng định không có thực thể nào ở quần đảo Trường Sa được hưởng vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) hoặc thềm lục địa, rằng không có quyền lịch sử nào tồn tại trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Indonesia đối với Trung Quốc, nên chẳng có việc gì để đàm phán với Trung Quốc.

Điều gọi là “ông Thiên” ở trên thật ra chính là thiên thời, địa lợi, nhân hòa hiện nay. Sau chục năm cân nhắc từng chút, nay chừng đó nước ven Biển Đông nhận thấy không thể nhẫn nhịn mãi được nữa mà không có tiếng nói hay thái độ bảo vệ chủ quyền của mình.

Các nước đã nhận ra nước mình không đơn lẻ bị lấn át, biển của mình đang bị đơn lẻ lấn chiếm, ngư dân của mình đang đơn lẻ thọ nạn. Thế là, từng nước trỗi dậy, tung công hàm phản bác luận điệu thôn tính. Đó chính là điều bình thường mới thấy của ASEAN trước cái bất thường dài hạn kia.

Thiên thời, nhân hòa là thế đó. Còn địa lợi? Biển Đông trong những ngày này đang “dập dìu tài tử…” với các tàu huấn luyện JS Kashima và JS Shimayuki của Nhật Bản, các nhóm tác chiến tàu sân bay USS Theodore Roosevelt, USS Nimitz, tàu sân bay USS Ronald Reagan của Mỹ…

Thật ra cũng chỉ là để sẵn sàng không để cho tuyến hàng hải quốc tế này, mà nền kinh tế họ dựa vào, bị “làm luật”!

DANH ĐỨC
TTO