Ngoại trưởng Locsin đưa ra khẳng định trên trong cuộc trả lời phỏng vấn với Đài ABS-CBN News. “Một điều chắc chắn là họ đã có một đường băng cho các chiến đấu cơ hạ cánh. Đó gần như là một tàu sân bay không thể đánh chìm, nhưng phía Mỹ cho rằng họ có thể xóa sổ nó trong vòng 30 phút đầu tiên của cuộc xung đột”, ông Locsin cho hay, nhắc lại cuộc họp tại Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ, nơi ông đã hỏi lại về khả năng mở rộng sức mạnh của Trung Quốc khi sử dụng Scarborough, theo tờ South China Morning Post.
Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jnr REUTERS
|
Hôm 9.6, thẩm phán về hưu Antonio Carpio, từng làm việc ở Tòa án tối cao Philippines, cảnh báo rằng Trung Quốc có thể sớm thiết lập căn cứ không và hải quân trên
bãi cạn Scarborough. Ông Carpio cho rằng đây là bước kế tiếp trong kế hoạch lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của Trung Quốc ở Biển Đông , theo CNN. Ông Carpio lập luận không có một căn cứ không và hải quân, ADIZ không thể được áp dụng cho Biển Đông vì có một “lỗ hổng trong tầm bao phủ của chiến đấu cơ, tên lửa và radar Trung Quốc” trong khu vực lân cận Scarborough.
Binh sĩ Philippines trong một cuộc tập trận chung với Mỹ trên Biển Đông REUTERS
|
Tổng thống Duterte ra lệnh hủy VFA hồi tháng 2, sau nhiều tuần ông dọa hủy thỏa thuận này nếu chính phủ Mỹ không cấp lại thị thực cho cựu chỉ huy cảnh sát trở thành thượng nghị sĩ Ronald dela Rosa. Thượng nghị sĩ này bị Mỹ liệt vào danh sách đen cho vai trò của ông trong cuộc chiến chống ma túy của ông Duterte. Việc hủy VFA sẽ có hiệu lực vào tháng 8, nhưng ông Duterte đã thay đổi quyết định và hôm 2.6 ra lệnh Ngoại trưởng Locsin thông báo cho phía Mỹ tạm không hủy VFA. Quyết định tạm không hủy VFA sẽ được xem xét trong mỗi 6 tháng.
Ngoại trưởng Locsin còn khẳng định việc 3 nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ đang hoạt động cùng lúc ở biển Philippines, gần Biển Đông không có liên quan đến quyết định tạm không hủy VFA. Ông nói rằng Mỹ đang thực hiện quyền tự do lưu thông ở Biển Đông và đó là quyền quốc tế”.
Philippines, Trung Quốc dừng đàm phán khai thác dầu khí chung ở Biển Đông
Trong cuộc trả lời phỏng vấn với ABS-CBN News hôm 22.6, Ngoại trưởng Locsin xác nhận các cuộc đàm phán giữa Philippines và Trung Quốc về các dự án thăm dò dầu khí chung ở Biển Đông đã bị tạm dừng, nhưng không nói rõ lý do. Bắc Kinh và Manila ký biên bản ghi nhớ về khả năng khai thác dầu khí chung ở Biển Đông hồi tháng 11.2018 trong chuyến thăm Philippines của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Bất chấp những cảnh báo trong lẫn ngoài nước, đến tháng 8.2019, Philippines nhất trí cùng Trung Quốc thành lập ủy ban chỉ đạo liên chính phủ và ủy ban hợp tác giữa các doanh nghiệp hai nước để xúc tiến việc thăm dò dầu khí chung ở Biển Đông với tỷ lệ ăn chia 60 – 40 nghiêng về Manila.
VĂN KHOA
TNO