Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp 2020 vừa thông qua: Giải quyết nhiều vấn đề nóng
Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp 2020 vừa thông qua: Giải quyết nhiều vấn đề nóng
Luật đầu tư và Luật doanh nghiệp 2020 vừa được Quốc hội thông qua kỳ vọng sẽ nâng cao hơn nữa chất lượng đầu tư và hoạt động của doanh nghiệp sẽ hiệu quả, bền vững hơn.
Dù quan trọng nhưng hộ kinh doanh cơ bản không được hưởng chương trình hỗ trợ nào, cũng chưa có cơ quan đại diện nói lên tiếng nói.
Ông ĐẬU ANH TUẤN
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông ĐẬU ANH TUẤN – trưởng ban pháp chế Phòng Thương mại và công nghiệp VN (VCCI) – cho rằng vẫn còn nhiều dư địa để cải cách hơn nữa các thủ tục đầu tư kinh doanh cho doanh nghiệp (DN), nhà đầu tư.
Thẩm định dự án liên quan an ninh quốc phòng
* Luật đầu tư được thông qua trong bối cảnh làn sóng chuyển dịch đầu tư đang diễn ra, theo ông, có ý nghĩa thế nào?
– Một trong những nội dung được các DN quan tâm là luật đã tháo gỡ được vướng mắc, chồng chéo quy trình đầu tư, xây dựng, đất đai, đấu thầu…
Nếu triển khai theo tinh thần này sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế ở nhiều địa phương, như gỡ hàng loạt ách tắc dự án nhà ở tại TP.HCM. Thiết kế luật làm rõ hơn nguyên tắc và điều kiện áp dụng từng hình thức đối với đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư…
Luật đầu tư cũng cắt giảm tới 22 ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Các thủ tục hành chính về chấp thuận chủ trương đầu tư với cá nhân hộ gia đình không cần thiết đã được bỏ. Hay bãi bỏ quy định ở luật cũ như dự án có quy mô vốn trên 5.000 tỉ đồng phải do Thủ tướng chấp thuận chủ trương của DN tư nhân. Đầu tư sân golf cũng được phân cấp cho chính quyền tỉnh.
Đặc biệt, Luật đầu tư 2020 giải quyết một số điểm nóng. Chẳng hạn luật yêu cầu thẩm định dự án liên quan an ninh quốc phòng trong trường hợp nhà đầu tư nước ngoài lập DN, góp vốn mua cổ phần ở địa bàn biên giới, ven biển. Căn cứ pháp lý cũng được bổ sung để chấm dứt hoạt động dự án núp bóng, giao dịch góp vốn mang tính giả tạo, đầu tư hộ.
Luật đầu tư cũng giải quyết vấn đề chuyển giá trốn thuế khi bổ sung quy định giám định vốn đầu tư trong trường hợp cần thiết. Luật bổ sung quy định không gia hạn đầu tư với công nghệ lạc hậu, thâm dụng tài nguyên…
* Có rất nhiều điểm tích cực nhưng cũng còn tiếc nuối. Luật đầu tư có thực sự giúp cải thiện môi trường đầu tư mạnh mẽ?
– Giá như cải cách điều kiện kinh doanh trong Luật đầu tư mạnh mẽ hơn nữa. Theo bản rà soát VCCI có thể bỏ và đơn giản hóa nhiều hơn các ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Ban soạn thảo cân nhắc nhiều chiều, đặc biệt một số bộ ngành chưa đồng ý.
Điều này có thể là cách tiếp cận phù hợp, nhưng từ quan điểm VCCI có thể bỏ ra ngoài danh sách ngành kinh doanh có điều kiện một số ngành nghề như: xuất khẩu gạo, kinh doanh vàng trang sức mỹ nghệ, biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang…
Đăng ký kinh doanh qua hồ sơ điện tử
* Với Luật doanh nghiệp 2020, theo ông, đâu là những điểm mới tích cực nhất?
– Tác động quan trọng và được kỳ vọng nhất của Luật DN 2020 là thúc đẩy tăng cường quản trị DN, bảo vệ cổ đông thiểu số. Trước đây quy định nhóm cổ đông sở hữu ít là 10% và liên tục trong 6 tháng nhưng luật mới đây hạ xuống 5%, dù tôi cho rằng cần phải hạ nữa ở mức dưới 3%.
Cơ chế này khuyến khích nhiều cổ đông nhỏ yên tâm, có động lực bỏ vốn vào kinh doanh. Họ được tiếp cận thông tin, tiến hành triệu tập đại hội đồng cổ đông khi cần thiết. Điều này giúp hạn chế tình trạng lạm quyền, khống chế của những cổ đông lớn.
Luật DN 2020 cũng tạo ra khuôn khổ tích hợp thủ tục và thúc đẩy đăng ký kinh doanh qua hồ sơ điện tử. Với DN nhà nước, luật bổ sung quy định công khai hóa thông tin DN và trách nhiệm giải trình.
Chẳng hạn quy định mở rộng phạm vi của những người có liên quan, gồm cả con rể, con dâu, anh em bên chồng… để kiểm soát giao dịch có nguy cơ phát sinh tư lợi…
* Một trong những điểm đáng chú ý là hộ kinh doanh sẽ được xây dựng luật riêng và không đưa vào Luật DN lần này, ông nghĩ sao?
– Thực sự đây là điều tiếc nuối. Nhu cầu luật hóa khu vực quan trọng này là tất yếu. Theo Hiến pháp, quyền và nghĩa vụ người dân phải được quy định bởi luật chứ không phải cấp nghị định của Chính phủ. Vì vậy, VCCI đã kiến nghị trong luật lần này nên đưa chương riêng về hộ kinh doanh làm căn cứ triển khai nghị định.
Các đại biểu chọn đưa vào luật riêng có số phiếu cao hơn chút ít. Nhưng để ban hành luật riêng cần thời gian dài. Nhiều năm tới có thể chưa có luật, nên có khoảng trống pháp lý, có rủi ro.
Hộ kinh doanh đang phát triển tốt vì tận dụng khoảng xám, tránh được tầng tầng lớp lớp gánh nặng quản lý mà DN đang gánh chịu. Nhưng đồ ăn, thức uống hằng ngày của chúng ta dù cung cấp bởi hộ kinh doanh hay DN cũng phải đáp ứng các yêu cầu về an toàn thực phẩm.
Tránh thỏa thuận thuế, đảm bảo cạnh tranh bình đẳng giữa khu vực trong vùng xám này và DN chính thức là yêu cầu quan trọng.
* Chúng ta đang hướng tới 1 triệu DN nhưng vẫn còn nhiều băn khoăn về quyền tự do kinh doanh của DN?
– Thực tế hiện nhiều công ty cổ phần hay trách nhiệm hữu hạn chỉ ở cái biển tên thôi, còn họ hoạt động vẫn mang tính gia đình, không minh bạch, thậm chí tùy tiện nên khó lớn.
Đã từng có tổ công tác thi hành Luật DN đi gỡ các vấn đề giấy phép con, đảm bảo quyền tự do kinh doanh nhưng giờ cần phải có chế định khác tương tự như tổ công tác này để thúc đẩy nâng cao quản trị DN.
Đặc biệt, với tinh thần tôn trọng quyền tự do kinh doanh, tinh thần hậu kiểm chứ không phải tiền kiểm… của Luật DN, Luật đầu tư, tôi mong sẽ tiếp tục được phát huy tại luật chuyên ngành. Tinh thần gốc của Luật DN cần được giữ vững, tránh bị “gặm nhấm”, gia giảm bởi những luật chuyên ngành.
Giá như…
Quy định về hộ kinh doanh giá như được đưa vào Luật DN, Chính phủ hướng dẫn thực hiện một thời gian, đánh giá kỹ sau này ban hành luật riêng về hộ kinh doanh sẽ rất thuận lợi. Tôi rất tiếc khi thảo luận Luật DN, nhiều người vẫn hiểu rằng việc đưa hộ kinh doanh vào luật là ép họ thành DN.
Không phải vậy. Có khoảng 1,8 triệu hộ kinh doanh có đăng ký, nhưng VN chưa có hệ thống đăng ký kinh doanh thống nhất về đối tượng này. Con số chính xác có bao nhiêu hộ kinh doanh cũng không ai biết. Thống kê của các cơ quan, sai số là hàng trăm ngàn đến hàng triệu hộ.
Dù quan trọng nhưng hộ kinh doanh cơ bản không được hưởng chương trình hỗ trợ nào, cũng chưa có cơ quan đại diện nói lên tiếng nói.