23/01/2025

EU cảnh báo với lãnh đạo Trung Quốc sẽ ‘gặp các hậu quả tiêu cực’ nếu thúc đẩy dự luật an ninh

EU cảnh báo với lãnh đạo Trung Quốc sẽ ‘gặp các hậu quả tiêu cực’ nếu thúc đẩy dự luật an ninh

Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên giữa Trung Quốc và dàn lãnh đạo mới của Liên minh châu Âu (EU) đã cho thấy khoảng cách giữa hai bên đang ngày một tăng trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

 

EU cảnh báo với lãnh đạo Trung Quốc sẽ gặp các hậu quả tiêu cực nếu thúc đẩy dự luật an ninh - Ảnh 1.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) trên màn hình hội nghị thượng đỉnh trực tuyến ngày 22-6 với hai lãnh đạo EU – Ảnh: Xinhua

Trong khi các lãnh đạo EU tập trung vào những vấn đề gây tranh cãi, về sự thất hứa của Trung Quốc đối với tự do đầu tư và vấn đề Hong Kong, Bắc Kinh lại thể hiện thái độ “dĩ hòa vi quý”, nhấn mạnh đoàn kết mới là điều quan trọng vào lúc này.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc cũng được huy động vào cuộc để vẽ ra một bức tranh khác về hội nghị trực tuyến ngày 22-6, rằng tuy có sự khác biệt nhưng hai bên vẫn có nhiều điểm tương đồng và sẽ không bị chia rẽ vì lời xúi giục từ bên ngoài.

Mối quan hệ với Trung Quốc là một trong những mối quan hệ chiến lược quan trọng nhất nhưng cũng đồng thời là mối quan hệ thách thức nhất của EU.

Chủ tịch EC Ursula von der Leyen

EU chọn đối đầu

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel – những người mới nhậm chức tháng 12-2019 – đã không né tránh các vấn đề gai góc trong hội nghị cấp cao đầu tiên với Thủ tướng Lý Khắc Cường và Chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc.

Trên thực tế, chủ trương cứng rắn với Bắc Kinh đã mạnh lên nhanh chóng và chiếm ưu thế tại Brussels (nơi đặt trụ sở EU) kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát dẫn tới hàng loạt khó khăn về kinh tế và y tế tại lục địa già.

Không có kết quả cụ thể nào đạt được sau hội nghị, kể cả thông cáo và họp báo chung. Những gì được thể hiện trong cuộc họp báo tại Brussels cho thấy các lãnh đạo mới của EU dường như đã hết kiên nhẫn với Trung Quốc và xem việc thúc đẩy Bắc Kinh mở cửa với doanh nghiệp châu Âu là chìa khóa quyết định sự thành bại của nhiệm kỳ.

Phát biểu trong họp báo, cả ông Michel và bà Ursula von der Leyen đều khẳng định đã nhiều lần nhắc chuyện Trung Quốc phát tán các thông tin sai lệch về COVID-19 khi nói chuyện với ông Lý và ông Tập.

Gọi Trung Quốc “vừa là đối tác vừa là đối thủ”, bà Ursula von der Leyen cáo buộc Trung Quốc đã không tuân thủ thỏa thuận năm 2019 với EU và chậm chạp trong việc thúc đẩy đàm phán thỏa thuận đầu tư vốn đã bắt đầu cách đây 6 năm. “Giờ là lúc phải đẩy mạnh đàm phán và nâng từ cấp rất thấp lên cấp chính trị cao hơn”, chủ tịch EC cho biết đã hối thúc ông Tập.

Bà Ursula von der Leyen cũng nhắc đến dự luật an ninh quốc gia Hong Kong, một vấn đề nhạy cảm đối với Trung Quốc. “Dự luật đó có nguy cơ làm xói mòn nguyên tắc “Một quốc gia, hai chế độ”.

Chúng tôi đã cảnh báo với lãnh đạo Trung Quốc rằng họ sẽ gặp các hậu quả tiêu cực nếu tiếp tục thúc đẩy dự luật này”. Bắc Kinh nhiều lần phản đối các nước lên tiếng về tình hình Hong Kong và nhấn mạnh đây là chuyện nội bộ của nước này.

Trung Quốc nhún nhường

Dựa trên tường thuật của một số tờ báo phương Tây và thông tin được phát đi bởi truyền thông nhà nước Trung Quốc, lãnh đạo Bắc Kinh đã cố tỏ ra hòa nhã trước thái độ cứng rắn của phía EU. Cả ông Lý lẫn ông Tập đều không phản bác mạnh mẽ các chỉ trích mà tập trung tìm kiếm sự đồng thuận và xoa dịu lãnh đạo EU.

“Chúng tôi muốn hòa bình chứ không phải bá quyền. Trung Quốc là đối tác chứ không phải đối thủ của EU”, ông Tập phân trần trong hội nghị. Thủ tướng Lý trước đó cũng cam kết Bắc Kinh ủng hộ EU trong nỗ lực cải tổ Tổ chức Thương mại thế giới.

Truyền thông và Chính phủ Trung Quốc không đả động đến việc EU đã bày tỏ quan ngại về vấn đề Hong Kong trong hội nghị. Thời báo Hoàn Cầu của Đảng Cộng sản Trung Quốc thậm chí còn cho rằng EU và Bắc Kinh có thể trở thành lực lượng bảo vệ hòa bình, ổn định toàn cầu trong bối cảnh “Mỹ vừa mở một cuộc Chiến tranh lạnh mới”.

Như giới quan sát đã nhận định từ trước, hội nghị thượng đỉnh lần này chỉ mang động thái thăm dò. Nói như một nhà ngoại giao EU, Bắc Kinh cần tìm hiểu lại những gương mặt mới ở Brussels vì những khuôn mặt cũ đã ra đi.

DUY LINH
TTO