23/12/2024

Ngày hội tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp năm 2020: Đúng lúc, ý nghĩa, thiết thực

Ngày hội tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp năm 2020: Đúng lúc, ý nghĩa, thiết thực

Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc ở lễ khai mạc Ngày hội tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp năm 2020 tại TP.HCM sáng 21-6. Cùng thời điểm này, sự kiện tương tự cũng đồng loạt diễn ra tại Hà Nội và Đà Nẵng.

Ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp năm 2020: Đúng lúc, ý nghĩa, thiết thực - Ảnh 1.

Học sinh tham dự ngày hội tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp 2020 do báo Tuổi Trẻ tổ chức ngày 21-6 – Ảnh: TỰ TRUNG

“Ngày hội tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp năm 2020 đồng thời diễn ra tại Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng đúng lúc học sinh đang làm hồ sơ đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH – CĐ.

Đây là hoạt động ý nghĩa với thí sinh, giúp các em nắm vững cách thức làm hồ sơ dự thi, tìm hiểu về trường, về ngành nghề đào tạo và về những lựa chọn quan trọng nhất của cuộc đời mình” – Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc nói.

Đồng hành với học sinh

Ông Phúc nhấn mạnh suốt 18 năm qua, báo Tuổi Trẻ luôn đồng hành với học sinh, phụ huynh trên khắp cả nước vào những thời điểm cần thiết nhất, thông qua các chương trình, ngày hội tư vấn tuyển sinh ở nhiều địa phương, các chương trình tư vấn trực tuyến…

Những hoạt động này không chỉ cung cấp thông tin kịp thời, chuẩn xác tới các thí sinh, toàn xã hội mà còn giúp các đơn vị chức năng thuộc Bộ GD-ĐT trực tiếp trao đổi với thí sinh, trực tiếp ghi nhận các ý kiến phản hồi từ thực tiễn để điều chỉnh chính sách cho phù hợp.

Đồng hành cùng học sinh, phụ huynh cũng là khẳng định của nhà báo Lê Xuân Trung – phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ – về sứ mệnh của tờ báo. Ông Lê Xuân Trung cho biết bên cạnh chương trình tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp, sắp tới báo Tuổi Trẻ sẽ tổ chức thêm những ngày hội tư vấn việc làm để hỗ trợ học sinh sau khi tốt nghiệp, đồng thời phối hợp triển khai các ứng dụng (app) tư vấn nghề nghiệp cho học sinh, người lao động.

Phát biểu tại lễ khai mạc, TS Trương Anh Dũng – tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) – chia sẻ học ĐH là một lựa chọn tốt nếu học sinh có nền tảng kiến thức phổ thông chắc chắn, sau này trở thành những người có kiến thức chuyên môn toàn diện, có năng lực nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ. Tuy nhiên, nếu muốn tham gia thị trường tốt hơn, sớm hơn mà tốn ít thời gian, tiền bạc hơn thì có thể chọn học CĐ, trung cấp, các chương trình giáo dục nghề nghiệp.

Theo ông Dũng, trong năm 2019, 85% sinh viên tốt nghiệp giáo dục nghề nghiệp có việc làm với thu nhập ổn định. Thậm chí những sinh viên giỏi thì ngay năm nhất, năm hai đã có việc. Nhiều chuyên gia, tổ chức quốc tế cũng khuyến khích nâng cao trình độ kỹ năng tay nghề, thích ứng với yêu cầu cách mạng công nghiệp 4.0.

Ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp năm 2020: Đúng lúc, ý nghĩa, thiết thực - Ảnh 2.

Báo Tuổi Trẻ tổ chức 2 ngày hội và 1 chương trình tư vấn tuyển sinh đúng vào Ngày báo chí cách mạng Việt Nam 21-6. Trong ảnh: ông Dương Anh Đức, phó chủ tich UBND TP.HCM (trái), tặng hoa chúc mừng ông Lê Xuân Trung, phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ – Ảnh: TỰ TRUNG

Những ngành nào lên ngôi?

Ngay sau lễ khai mạc là phần tư vấn của các chuyên gia, thầy cô đến từ Bộ GD-ĐT, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp và các trường ĐH, CĐ. Một trong những mối quan tâm của học sinh ba miền là lựa chọn ngành nghề nào để phù hợp với bản thân và bắt đúng xu hướng của xã hội.

Các thầy, cô đại diện khối ngành kinh tế tại ngày hội ở Hà Nội cho biết mùa tuyển sinh năm nay, những ngành đào tạo bằng tiếng Anh được chú trọng hơn. “Trường Kinh tế quốc dân có 16 ngành đào tạo bằng tiếng Anh. Những bạn trẻ có vốn tiếng Anh tốt thì lợi thế trong chọn ngành nghề và cũng có nhiều cơ hội thành công hơn. Đây cũng là các ngành dự đoán thu hút nhiều thí sinh đăng ký dự tuyển” – ThS Mạc Văn Tạo, phó trưởng phòng quản lý đào tạo Trường ĐH Kinh tế quốc dân, khẳng định.

PGS.TS Vũ Thị Hiền, trưởng phòng quản lý đào tạo Trường ĐH Ngoại thương, cũng chia sẻ trường có 15/30 chương trình đào tạo bằng tiếng Anh. Đây cũng là những ngành làm nên “thương hiệu Ngoại thương” khi tiệm cận với các chuẩn đào tạo quốc tế, sinh viên không chỉ có kiến thức chuyên ngành mà được chú trọng đào tạo nhiều kỹ năng mềm, trong đó có ngoại ngữ để có thể làm việc ở nhiều cơ sở trong, ngoài nước.

Ở khối ngành kỹ thuật công nghệ, những ngành công nghệ ôtô, kỹ thuật ôtô được rất nhiều học sinh và phụ huynh quan tâm. Một trong những lý do “giấc mơ ôtô” của nhiều bạn trẻ lên ngôi là vì đã có ôtô của Việt Nam, điều đó khiến một số học sinh cho rằng các ngành liên quan tới sản xuất ôtô có nhiều cơ hội thành công.

PGS.TS Nguyễn Thanh Chương, phó hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông vận tải, khẳng định có những sinh viên của trường ông tốt nghiệp trở thành kỹ sư ngành kỹ thuật ôtô, không chỉ có cơ hội việc làm rất rộng mà còn có thể khởi nghiệp trở thành các ông chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ.

PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng, phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, cũng cho biết nhóm ngành kỹ thuật ôtô, kỹ thuật cơ điện tử đang là ngành mũi nhọn của trường, thu hút nhiều người giỏi. TS Đồng Văn Ngọc, hiệu trưởng Trường CĐ Cơ điện Hà Nội, tiết lộ việc hợp tác của trường và VinFast đào tạo ngành công nghệ ôtô. Những học sinh tốt nghiệp ra trường sẽ có việc làm ngay với mức lương khởi điểm cao.

PGS.TS Bùi Hoài Thắng – trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) – cho rằng 40% thiết bị trong ôtô thuộc lĩnh vực điện – điện tử. Có cả một hệ sinh thái xoay quanh ngành này như xây dựng cầu đường, điện – điện tử, cơ khí, công nghệ vật liệu… nên học ngành này, chẳng may không vào được ngành ôtô thì có thể học các lĩnh vực khác liên quan.

PGS.TS Đỗ Văn Dũng – hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM – cũng đồng tình thu nhập người dân tăng lên, nhu cầu về ôtô cũng tăng. Đó là lý do ngành ôtô phát triển, đòi hỏi nhiều nhân lực làm việc. Tuy nhiên, ông Dũng dự báo 4 năm nữa sẽ có tình trạng dư thừa nhân lực ngành này. Theo ông Dũng, hiện nay hầu như trường kỹ thuật nào cũng mở ngành này. Có trường tuyển vài trăm, nhưng có trường tuyển đến cả ngàn chỉ tiêu, chất lượng khó đảm bảo.

Một ngành “hot” nữa là công nghệ thông tin, theo ThS Phùng Quán – trưởng phòng thông tin truyền thông Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM). Ngành này hiện có nhu cầu nhân lực khoảng 400.000 người mỗi năm, trong khi các trường chỉ có thể cung cấp được khoảng 320.000 người. Đó là chưa kể nhiều bạn tốt nghiệp ra nước ngoài làm việc. Nguồn cung nhân lực thiếu nhưng không phải ai tốt nghiệp ngành này cũng có việc làm.

Liệu có “mưa” điểm 10 không?

* “Em nghe nói đề thi năm nay sẽ dễ hơn nhiều so với các năm trước, vậy có xảy ra tình trạng “mưa điểm 10″ không? Nếu như vậy thì các trường tốp đầu có sự cạnh tranh cao có khó khăn tuyển sinh không?” (một thí sinh)

– PGS.TS MAI VĂN TRINH: Trong bất kỳ kỳ thi nào, để đáp ứng mục tiêu kỳ thi phải có tính phân hóa. Đề thi tham khảo của Bộ GD-ĐT ban hành là tài liệu để học sinh tham khảo khi ôn tập. Theo đó, đề thi có nhiều mức độ, bám sát chương trình cơ bản nhưng vẫn có những câu phân hóa. Để đạt được điểm 9 – 10 phải là những học sinh học tốt. Vì thế các trường có khả năng cạnh tranh cao vẫn có thể đảm bảo yêu cầu sàng lọc để tuyển sinh.

Những sai lầm khi chọn nghề

Tại khu vực tư vấn, giải đáp thắc mắc về việc chọn ngành nghề và sức khỏe mùa thi, GS.TS Huỳnh Văn Sơn, phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, đã đặt câu hỏi: “Khi chọn nghề, chúng ta ưu tiên chọn theo sở thích hơn là sở trường, đúng hay sai?”. Một nam sinh đã trả lời đúng vì: “Có sở thích thì mình mới thực hiện được mục tiêu mình chọn”. GS Sơn hỏi lại: “Nếu em thích làm ca sĩ nhưng em hát không hay thì sao?”.

Theo GS Sơn: “Việc chọn nghề theo sở thích mà không xét đến sở trường của bản thân là một trong những sai lầm của các em học sinh. Nhiều em chỉ chọn nghề mình thích dù không có khả năng làm tốt. Vì vậy, khi chọn nghề các em cần ưu tiên sở trường trước đã”.

GS.TS Huỳnh Văn Sơn đã kể ra hàng loạt trường hợp sinh viên của nhiều trường ĐH nổi tiếng: có người sắp tốt nghiệp hoặc đã tốt nghiệp ĐH mới phát hiện mình không phù hợp với ngành nghề mà mình đã chọn. Và họ đã phải chuyển sang học một ngành, nghề khác. GS Sơn kết luận: “Các em hãy chọn một ngành học phù hợp với bản thân mình.

Sau đó mới tính đến việc chọn một trường có đào tạo ngành học ấy, có thể đó là trường ĐH, CĐ hay trung cấp – tùy thuộc vào năng lực của bản thân và điều kiện kinh tế của gia đình. Các em đang đứng trước một bước ngoặt rất quan trọng của cuộc đời, của lứa tuổi 18: đó là quyết định chọn ngành nghề sao cho đúng.

Hãy nhớ là: không ai sống và làm việc thay cho mình. Thế nên chính các em phải chọn lựa và chịu trách nhiệm về việc chọn ngành nghề, chứ không phải ba mẹ mình. Khi các em chọn ngành học hãy nghĩ đến việc sau khi tốt nghiệp thì mình sẽ làm công việc gì, mình có khả năng đáp ứng những yêu cầu của công việc đó không. Các em đừng chọn ngành A vì ngành đó đang hot, hoặc chọn vì bạn bè mình cũng chọn nên mình chọn theo”.

H.HG.

NHÓM PV
TTO