19/11/2024

Tiền điện lại tăng vọt

Tiền điện lại tăng vọt

Tiền điện tháng 6 lại tiếp tục tăng vọt. Đặc biệt nhiều phản ánh cho rằng chỉ số điện tăng theo kiểu “luỹ tiến”, tháng sau luôn cao hơn tháng trước là lý do khiến tiền điện tăng chóng mặt.
Kiểm tra hệ thống điện, đồng hồ của người dân ở Q.Hoàn Kiếm (Hà Nội) /// ẢNH: NGỌC THẮNG
Kiểm tra hệ thống điện, đồng hồ của người dân ở Q.Hoàn Kiếm (Hà Nội) ẢNH: NGỌC THẮNG

Đến lượt phía Bắc tăng đúng chu kỳ

Anh Nguyễn Công (H.Gia Lâm, Hà Nội) cho biết ngày 16.6, anh giật mình khi nhận tin nhắn báo tiền điện vào máy điện thoại từ Điện lực Gia Lâm. “Từ 15.5 – 14.6, số kWh nhà tôi dùng lên tới 490, trong khi tháng trước chỉ hơn 230 kWh và tháng này năm ngoái cũng chỉ trên 250 kWh”, anh Công so sánh và nói thêm: “Nếu tính ra tiền thì tháng này tôi phải trả 1,22 triệu đồng (đã được giảm hơn 68.000 đồng tiền hỗ trợ Covid-19), gấp ba lần hóa đơn tháng trước cũng như các tháng mùa nóng năm 2019”.
Tương tự, anh Lê Đình Tới (Q.Thanh Xuân, Hà Nội) cũng cho hay trong kỳ ghi hóa đơn từ 14.5 – 13.6, hộ gia đình 4 người nhà anh cũng dùng tăng tới hơn 280 số điện so với tháng trước, với mức tiêu thụ gần 770 kWh. “Dù chỉ tăng 280 kWh nhưng số tiền điện phải trả của nhà tôi tăng tới hơn 900.000 đồng so với tháng trước, đây là số tiền cao nhất từ trước đến nay mà gia đình phải trả từ khi chuyển về Q.Thanh Xuân trong vòng 5 năm nay”, anh Tới cho hay.
Anh cũng cho biết thêm trong khu chung cư này, nhiều hộ gia đình còn có mức tăng cao hơn cả nhà anh, nên người dân rất thắc mắc và hoài nghi. Anh Đ.T.D (Hải Dương) thông tin điện tháng 5 của gia đình sử dụng 236 kWh, tiền đóng 458.702 đồng, tháng 6 vọt lên 369 kWh, số tiền 834.456 đồng (đã được hỗ trợ giảm 68.805 đồng do Covid-19). Đáng lưu ý, anh Đ.T.D cũng phản ánh số tiền điện đóng dưới 1 triệu đồng mỗi tháng hay 3 triệu đồng/tháng đều có mức giảm như nhau là 68.805 đồng.
Theo phản ánh của người dân, các cơ quan điện lực phía bắc cho rằng chỉ số điện tăng mấy tháng trước ở miền Nam do miền Nam vào mùa nắng nóng. Tháng 6 rơi vào mùa nóng của miền Bắc, nên tiền điện ở miền Bắc tăng cao là “đúng chu kỳ”.
Trong thông cáo báo chí phát đi, đại diện Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) cũng thông tin, do tình hình thời tiết nắng nóng kéo dài, đặc biệt đợt nóng ở Bắc bộ và Trung bộ vừa qua là đợt nóng kép dài kỷ lục trong 27 năm qua đã dẫn đến tình hình tiêu thụ điện tăng rất cao, chủ yếu do nhu cầu sử dụng thiết bị làm mát như điều hòa không khí tăng mạnh.
Vào mùa nắng nóng ở miền Bắc và miền Trung, nhu cầu sử dụng điện cho việc làm mát (đặc biệt là điều hòa) là nguyên nhân chính làm cho điện tiêu thụ của các hộ gia đình tăng cao dẫn đến tiền điện tăng. EVN cũng dẫn số liệu thống kê cho thấy, đã có tới hơn 3,1 triệu khách hàng trên tổng số 26 triệu khách hàng sử dụng điện sinh hoạt trên cả nước (khoảng 11,92%) có mức tiêu thụ điện của tháng 5 cao hơn 30% so với tháng 4. Đặc biệt, trong số này có tới gần 1 triệu khách hàng có mức tiêu thụ điện tăng 50%, thậm chí có tới hơn 215.000 khách hàng có mức tiêu thụ điện tăng trên 300% so với tháng 4.

Miền Nam tăng vì… dùng nhiều?

Tuy nhiên, thực tế trong tháng 5 và tháng 6, thời điểm theo EVN là mùa nắng nóng tại miền Bắc và Trung, miền Nam đã vào mùa mưa, thời tiết dễ chịu hơn nhiều, tiền điện các hộ gia đình ở miền Nam vẫn tăng mạnh.
Anh Lê Minh Nghĩa (TP.Sóc Trăng) phản ánh, chỉ số tiêu thụ điện của gia đình anh tăng theo kiểu “lũy tiến” và “không biết đường nào mà lần”. Cụ thể, trong tháng 4, gia đình theo lệnh cách ly của Chính phủ ở nhà nguyên tháng, đèn, quạt sử dụng liên tục, chỉ số điện kỳ 1 tháng 4.2020 là 914 kWh, đóng 2.654.826 đồng (tháng 3 là 712 kWh). Sang tháng 5, cả nhà toàn người lớn, đi làm trở lại, nhưng điện vọt lên 1.042 kWh, số tiền phải đóng là 2.998.142 đồng (đã giảm 68.805 đồng theo chính sách hỗ trợ ảnh hưởng Covid-19 của ngành điện).
Tháng 6, gia đình anh Nghĩa quay lại sinh hoạt bình thường, đi làm và đi học nguyên tuần, nhưng tiền điện của gia đình vọt lên đến 2.972.385 đồng (đã giảm 68.805 đồng hỗ trợ Covid-19) cho 1.034 kWh.
Anh Nghĩa nói: “Trong năm 2019, tháng đóng tiền điện cao nhất của gia đình chỉ 1,8 triệu đồng, là tháng 11, còn lại trong năm đóng 1,3 – 1,6 triệu đồng/tháng. Đáng lưu ý là trong tháng 3 và 4 năm ngoái, tôi có khiếu kiện vụ gia đình đóng cửa đi vắng cả tháng, điện vẫn nhảy 300 – hơn 400 kWh. Sau khi làm đơn khiếu nại gửi báo chí, Điện lực Sóc Trăng có mời làm việc, hứa giảm, thay đồng hồ… Tôi không hiểu sao nhưng năm ngoái dùng mỗi tháng trung bình 400 – 500 kWh, nay không có chuyện gì lại tăng gấp đôi, hơn 1.000 kWh/tháng. Tôi hơi nghi ngại việc tăng đột biến này”.
Tương tự, anh Phạm Việt (Cần Thơ) cho biết theo hóa đơn tiền điện của Điện lực Ninh Kiều gửi, trong tháng 3 gia đình tiêu thụ 369 kWh với số tiền 903.261 đồng; tháng 4 lên 531 kWh với 1.421.681 đồng do cách ly toàn xã hội ở nhà hết 3 tuần. Tuy nhiên, sang tháng 5, gia đình quay trở lại nếp sinh hoạt bình thường, nhưng đồng hồ điện lại… như có đà, vọt lên 582 kWh với số tiền phải
đóng 1.517.080 đồng; tháng 6 lên 657 kWh với số tiền 1.758.558 đồng. Anh Việt ngao ngán: “Với đà tăng chỉ số điện và tiền điện thế này thì từ nay đến cuối năm tiền điện nhà tôi chắc lên 3 triệu đồng mỗi tháng mới đúng “quỹ đạo” tăng của ngành điện. Khó chịu nhất là mức sử dụng của gia đình không thay đổi nhưng chỉ số điện cứ thẳng tiến”.
Tại TP.HCM, chị Đỗ Ngọc Oanh cũng cho biết tháng 5, con cái chưa đi học hoàn toàn, gia đình dùng 222 kWh, trả 423.559 đồng tiền điện. Sang tháng 6, cả nhà đi cả ngày từ sáng đến tối, chỉ về nhà vào buổi tối và ở nhà 2 ngày cuối tuần, chỉ số điện vọt lên 428 kWh với số tiền 1.021.247 đồng.
Số liệu của Tổng công ty điện lực miền Nam cho biết số khách hàng sử dụng điện tháng 5 tăng cao hơn 30% so với tháng trước, tương đương 753.000 hộ.
Trong đó, tăng từ 300% trở lên cũng có gần 52.000 hộ, tăng từ 100 – 200% gần 99.000 hộ và tăng từ 200 – 300% là hơn 28.600 hộ. Tương tự, tại Tổng công ty điện lực TP.HCM, số khách hàng sử dụng điện tháng 5 cũng tăng cao, từ 300% trở lên cũng có trên 25.000 hộ, tăng từ 100 – 200% là hơn 36.000 hộ và tăng từ 200 – 300% là hơn xấp xỉ 12.000 hộ.

Nên tính bậc thang theo năm, thay vì theo tháng

Theo thông tin từ những hộ gia đình từng có phản ánh tiền điện tăng, họ thường được nhân viên điện lực xuống kiểm tra đồng hồ, kiểm định hoặc thay đồng hồ mới là xong, không giải quyết được vấn đề gì thấu đáo.
Chuyên gia Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Vật giá (Bộ Tài chính), cho rằng đó không phải là cách giải quyết vấn đề bởi tiền điện tăng đều, nhà nào cũng tăng, chứ không phải nhà không phản ánh là không tăng. Ông nói, câu chuyện tiền điện tăng có thể đến từ nguyên nhân là sử dụng điện nhiều hoặc từ độ chính xác của công tơ điện. Điện là mặt hàng đặc biệt, càng dùng nhiều sẽ phải trả tiền cao hơn. Thế nên, khi tăng vài chỉ số điện, nếu vượt qua bậc mới, giá sẽ đội lên rất nhiều. Cách tính giá điện lũy tiến 6 bậc là một trong những nguyên nhân khiến tiền điện của nhiều hộ gia đình tăng vọt.
Chuyên gia Nguyễn Minh Đức (Ban Pháp chế, Phòng Thương mại – Công nghiệp VN) nhận định cái dở là hiện nay ngành điện vẫn chuẩn bị tất cả từ công tơ đến kéo dây… trong khi quy định cho phép người dân tự đi mua công tơ để lắp miễn sao công tơ đó được kiểm định đạt chất lượng. Thứ hai, phương án tối ưu hơn là sử dụng công tơ điện tử theo thời gian thực, nghĩa là công tơ có thể thông báo chỉ số sử dụng điện theo phút, theo giờ để người dân biết thực tế thời điểm nào dùng nhiều điện. “Hiện nay thị trường đã có công tơ này, nên về mặt kỹ thuật là không khó, song vấn đề nằm ở câu chuyện giá cả, chi phí tốn kém mà thôi”.
Tiền điện lại tăng vọt - ảnh 3
Ngoài ra, một phương án khác được vị này gợi ý là biểu giá bậc thang nên tính theo năm thay vì theo tháng, như một số nước áp dụng, khi đó sẽ tránh được câu chuyện tháng nóng tăng cao. Chuyên gia Nguyễn Minh Đức phân tích: “Các nước vẫn chia 6 bậc nhưng họ tính theo năm, tiền điện thì thu hằng tháng trên cơ sở tạm ứng so với mức dùng điện của năm trước đó. Hơn nữa nếu tính theo tháng thì có tình trạng tháng 31 ngày, trong khi tháng chỉ 28 ngày, tức là chênh nhau 10% về thời gian thì cũng có thể làm số điện tăng cao, phải chịu giá bậc thang cao”.
NGUYÊN NGA – CHÍ HIẾU
TNO