19/11/2024

Cách Huawei ‘lách’ lệnh cấm của Mỹ

Cách Huawei ‘lách’ lệnh cấm của Mỹ

Trước lệnh cấm của Mỹ, Huawei đang tìm mọi cách thoát khỏi thế bí, từ ký kết thỏa thuận nhượng bộ thị phần đến gầy dựng năng lực sản xuất vi mạch và thiết bị bán dẫn cho 5G.
Huawei đang chạy đua xây dựng năng lực sản xuất thiết bị bán dẫn và vi mạch /// AFP
Huawei đang chạy đua xây dựng năng lực sản xuất thiết bị bán dẫn và vi mạch  AFP
Từ năm ngoái, Bộ Thương mại Mỹ ban hành lệnh cấm các công ty nước ngoài bán vi mạch điện tử cho Tập đoàn Huawei trong trường hợp có sử dụng thiết bị hoặc phần mềm của Mỹ trong khâu sản xuất. Vào tháng 5 vừa qua, Mỹ tiếp tục gia hạn lệnh cấm thêm một năm nữa, theo Reuters.
Trước tình thế trên, trang tin Asia Times dẫn lời giới quan sát cho rằng quyết định rắn của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ buộc các nhà sản xuất phải loại bỏ thiết bị nước này khỏi dây chuyền sản xuất để cung cấp cho Huawei, vốn là một ông lớn ở thị trường Trung Quốc – nơi đang tiêu thụ số lượng lớn thiết bị bán dẫn lớn nhất thế giới.

Thành lập đồng minh mới

Samsung, nhà sản xuất thẻ nhớ lớn nhất thế giới và nhà cung cấp bộ vi xử lý chỉ đứng sau TSMC của Đài Loan, đã thiết lập một dây chuyền quy mô nhỏ, sản xuất chip tiến trình 7 nm và chỉ sử dụng các thiết bị Nhật Bản cũng như châu Âu, theo báo Electrical Engineering Times.
Trang Asia Times dẫn nguồn thạo tin cho hay Samsung và Huawei đang cân nhắc thỏa thuận đôi bên cùng có lợi. Theo đó, tập đoàn Hàn Quốc sẽ sản xuất chip cho thiết bị 5G của Huawei, và đổi lại Huawei nhượng thị phần đáng kể trong mảng điện thoại thông minh cho Samsung. Điều này do điện thoại thông minh là mảng kinh doanh then chốt của Samsung, nhưng nó lại đóng vai trò nhỏ bé về mặt lợi nhuận đối với Huawei, vì mảng kinh doanh cốt lõi của tập đoàn này vẫn là thiết bị viễn thông.
Thỏa thuận với Samsung vừa mở ra một hướng đi mới, cho phép Huawei “lách” được lệnh cấm của Bộ Thương mại Mỹ, với dự kiến thông tin chi tiết sẽ được công bố vào giữa tháng 7.
Một hướng đi mới, cũng đang được triển khai là một phiên bản của cái gọi là “Dự án Manhattan”, giống như Mỹ từng khởi động trong thế chiến thứ hai. Mục đích của dự án là nhằm cải thiện năng lực của ngành thiết bị bán dẫn Trung Quốc, hiện đứng thứ 4 trên thế giới, sau Mỹ, châu Âu và Nhật Bản. Huawei đang xúc tiến hợp đồng lắp đặt 600.000 trạm phát sóng di động 5G, dựa trên chip do công ty con HiSilicon thiết kế và xuất xưởng TSMC của Đài Loan. Trung Quốc hy vọng có thể đẩy nhanh tốc độ sản xuất chip nội địa để phục vụ cho việc xây dựng đủ trạm phát sóng cho mạng 5G.

Chiêu mộ nhân tài và AI

Hiện Trung Quốc đang thiếu năng lực sản xuất vi mạch hiện đại nhất là loại có tiến trình 7 nm và những con chip nhỏ hơn. Để lấp đầy khoảng trống này, Bắc Kinh ào ạt tuyển dụng nhân tài và thành công “chiêu mộ” được gần 1/10 số kỹ sư vi mạch của Đài Loan.
Báo Nikkei Asian Review ngày 3.12.2019 đưa tin hơn 3.000 kỹ sư bán dẫn đã rời Đài Loan đến các công ty của Trung Quốc đại lục. Thông tin trên đã được kiểm chứng bởi các nhà phân tích của tờ Business Weekly.
Thế mạnh của Trung Quốc trong lĩnh vực trí thông minh nhân tạo (AI) cũng được đánh giá sẽ đẩy mạnh quy trình sản xuất thiết bị bán dẫn của nước này. Theo nhận định của giới chuyên gia, vấn đề then chốt ở đây là Trung Quốc bằng mọi giá phải gia tăng tốc độ sản xuất nội địa, nếu không muốn lâm vào tình thế bất lợi. Khi chính quyền Tổng thống Trump vào tháng 4.2018 cấm bán chip Qualcomm cho nhà sản xuất điện thoại di động ZTE của Trung Quốc, hãng này lập tức ngưng hoạt động.
HẠO NHIÊN
TNO