25/12/2024

Nga, Mỹ bất ngờ nhảy vào bàn cờ Trung – Ấn ra sao?

Nga, Mỹ bất ngờ nhảy vào bàn cờ Trung – Ấn ra sao?

Từng khẳng định “không can thiệp” vào quan hệ giữa Ấn Độ và Trung Quốc, phía Nga gần đây bất ngờ thay đổi cách tiếp cận. Tuần sau sẽ có cuộc họp Nga – Trung – Ấn.

 

Nga, Mỹ bất ngờ nhảy vào bàn cờ Trung - Ấn ra sao? - Ảnh 1.

Quân đội Ấn Độ di chuyển trên đường cao tốc về khu vực Ladakh, gần Kashmir, ngày 18-6, 3 ngày sau cuộc xung đột đẫm máu ở biên giới – Ảnh: REUTERS

Quan hệ tốt giữa Ấn Độ và Trung Quốc là trung tâm trong sự trỗi dậy của khu vực Á – Âu, và sự nổi lên của trật tự thế giới đa cực, vốn không bị chi phối bởi một cực duy nhất.

Một nguồn ngoại giao Nga nói với The Hindu

Căng thẳng biên giới Trung – Ấn lên cực điểm sau các vụ ẩu đả giữa binh sĩ hai bên, dẫn tới cái chết của 20 quân nhân Ấn Độ tuần này. Xung đột bạo lực giữa hai quốc gia đông dân, hai nền kinh tế lớn và có ảnh hưởng địa chính trị lớn trên thế giới đã vượt ngoài khuôn khổ song phương.

Pompeo “tấn công”

Va chạm biên giới với Ấn Độ diễn ra trong thời gian Trung Quốc đối mặt với nhiều thách thức trên toàn cầu. Một trong những vấn đề lớn nhất là xử lý mối quan hệ căng thẳng với Mỹ. Chính vì vậy, thái độ của Mỹ đối với sự kiện xung đột biên giới Trung – Ấn đã thu hút sự chú ý lớn.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo mới đây “tấn công” Trung Quốc thẳng thừng và không chỉ đề cập tới Ấn Độ. “Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) đã leo thang căng thẳng với Ấn Độ, nền dân chủ đông dân nhất thế giới. Trung Quốc cũng quân sự hóa Biển Đông và đưa thêm các tuyên bố chủ quyền phi pháp ở đó, đe dọa các tuyến đường biển quan trọng” – ông Pompeo phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh dân chủ Copenhagen 2020 qua video hôm 19-6.

Báo chí Mỹ cũng nhanh chóng hình dung kịch bản về việc xung đột sẽ khiến các đối thủ của Trung Quốc “ngã về hướng khác”. Đài CNN ngày 18-6 cho rằng tranh chấp biên giới Trung – Ấn sẽ thúc đẩy Ấn Độ “đến gần hơn với những đối thủ hàng đầu của Bắc Kinh”.

Trên thực tế, giai đoạn COVID-19 vừa qua chứng kiến Mỹ bắn tín hiệu mời gọi Ấn Độ tham gia các sáng kiến mới do Washington dẫn đầu. Một bản tin điển hình cho điều này là kế hoạch không chính thức có tên “Mạng lưới thịnh vượng kinh tế” mà Reuters đề cập, trích lời nguồn thạo tin Mỹ. Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng từng nói hoãn họp hội nghị G7 ở Mỹ vì cho rằng nhóm này đã lỗi thời, cần mời thêm các nước khác tham gia, trong đó có Ấn Độ.

Nga không ngồi yên

Không giống như tình hình Hong Kong, Đài Loan hay COVID-19, cuộc xung đột Ấn – Trung có vẻ khiến người Nga quan tâm hơn. Trong ngày 20-6, Nga cũng đưa ra một động thái rất cụ thể: tham gia một cuộc họp cùng Ấn và Trung để giải quyết tình hình.

Truyền thông Ấn Độ cho biết nước này xác nhận việc Ngoại trưởng S.Jaishankar sẽ tham dự cuộc họp ba bên cùng quan chức Nga và Trung Quốc ngày 23-6 tới. Trước đó, thông tin về cuộc gặp các ngoại trưởng nêu trên đã được người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết tại một cuộc họp báo.

Tính thời điểm của việc công bố cuộc họp này được lựa chọn cẩn thận, trong lúc nhiều nguồn tin tiết lộ Nga đã âm thầm tham gia xử lý xung đột Ấn – Trung. Báo The Hindu (Ấn Độ) dẫn các nguồn tin ngoại giao Nga cho biết Matxcơva có “lợi ích lớn” trong câu chuyện Trung – Ấn ở cấp độ toàn cầu. Đây là chi tiết mới so với các phát biểu ngay trước đó vào ngày 18-6 của Nga, khi Matxcơva khẳng định không can thiệp chuyện nội bộ hai nước này và ủng hộ các nỗ lực đối thoại để họ “tự giải quyết”.

Cuộc họp trực tuyến ngày 23-6 tới vì vậy sẽ thu hút nhiều sự chú ý, bất kể Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov từng khẳng định nội dung họp “không bao gồm thảo luận các vấn đề liên quan tới quan hệ song phương của một quốc gia với một quốc gia khác trong nhóm (3 nước) này”.

Truyền thông Ấn “soi” các đồng minh

Báo giới Ấn Độ hiện cũng quan sát kỹ lưỡng các động thái của đồng minh và đối tác, phân tích cách Mỹ, Nga, Liên minh châu Âu (EU), Anh, và các nước láng giềng. Một bài trên Indian Express ngày 18-6 cho rằng mặc dù các tuyên bố liên quan của nhóm đối tác trên được xem là “trung lập” (trước khi ông Pompeo chỉ trích Trung Quốc), các đối tác của Ấn Độ cũng “có quan hệ song phương với Trung Quốc và những cân nhắc địa chính trị trước lúc bình luận về vụ xung đột giữa binh sĩ Ấn Độ và Trung Quốc”.

NHẬT ĐĂNG
TTO