Ông Pompeo nói Trung Quốc gây hấn với Ấn Độ, quân sự hoá Biển Đông
Ông Pompeo nói Trung Quốc gây hấn với Ấn Độ, quân sự hoá Biển Đông
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo chỉ trích Trung Quốc làm leo thang căng thẳng biên giới với Ấn Độ, cũng như quân sự hoá và tuyên bố chủ quyền phi pháp ở Biển Đông. Ông nói rằng nhiều khu vực đang đối diện với thách thức từ Bắc Kinh.
Một ngày sau khi gửi lời chia buồn tới New Delhi vì vụ 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng trong cuộc đụng độ với binh sĩ Trung Quốc ở thung lũng Galwan đầu tuần này, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã tung ra một loạt chỉ trích nhắm vào Trung Quốc.
Trung Quốc “lưu manh” với láng giềng
“Quân đội Trung Quốc đã làm gia tăng căng thẳng biên giới với Ấn Độ, nền dân chủ đông dân nhất thế giới. Họ đang quân sự hóa Biển Đông và tuyên bố chủ quyền phi pháp tại đó, đe dọa các tuyến đường biển sống còn”, Hãng tin ANI của Ấn Độ dẫn lại lời của ông Pompeo.
Bình luận này được Ngoại trưởng Pompeo đưa ra khi ông dự Hội nghị thượng đỉnh dân chủ Copenhagen 2020 được tổ chức trực tuyến ngày 19-6.
Theo trang Press Trust of India, vụ đụng độ giữa binh sĩ Ấn Độ và Trung Quốc hôm 15-6 là cuộc đối đầu lớn nhất giữa quân đội hai nước sau các cuộc đụng độ ở đèo Nathu La vào năm 1967. Đây cũng là vụ đụng độ dẫn tới chết chóc đầu tiên giữa hai nước kể từ năm 1975.
Binh sĩ Trung Quốc được cho là đã sử dụng đá, gậy sắt có hàn đinh khi đối đầu với binh sĩ Ấn Độ.
Tại Hội nghị thượng đỉnh dân chủ Copenhagen 2020, ông Pompeo cũng cáo buộc Trung Quốc có hành vi “lưu manh” với các nước láng giềng.
“Trung Quốc cũng đã nói dối về đại dịch COVID-19 và để cho lây lan ra toàn thế giới. Trong lúc đó, Trung Quốc gây sức ép lên Tổ chức Y tế thế giới (WHO) để hỗ trợ chiến dịch che đậy của họ. Hàng trăm ngàn người đã chết và nền kinh tế toàn cầu đã bị phá hủy một phần lớn”, Ngoại trưởng Pompeo nói.
Tại sự kiện trên, ông Pompeo nhận định: “Châu Âu đang đối mặt với ‘thách thức Trung Quốc’, giống như nước Mỹ và những người bạn ở Nam Mỹ, châu Phi, Trung Đông, châu Á đang đối mặt”.
Nhà lãnh đạo ngoại giao Mỹ cũng cáo buộc Trung Quốc đang “thúc đẩy các thông tin sai lệch và các chiến dịch mạng hiểm độc” nhắm vào chính phủ các nước và để chia rẽ quan hệ giữa Mỹ với châu Âu.
Trung Quốc đối xử với Hong Kong thế nào, Mỹ đối xử thế nấy
Cũng phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh dân chủ Copenhagen 2020 ngày 19-6, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói rằng nước Mỹ đối xử với Hong Kong ra sao trong tương lai sẽ tùy thuộc phần lớn vào cách Trung Quốc đối xử với đặc khu hành chính này, theo báo South China Morning Post.
Ông Pompeo nói rằng nếu Trung Quốc xem Hong Kong giống như các phần lãnh thổ khác của Trung Quốc đại lục thì “không có lý do gì để Mỹ đối xử khác với Hong Kong”.
Tháng trước, sau khi Bắc Kinh công bố kế hoạch áp dụng luật an ninh quốc gia mà theo giới chỉ trích có thể làm xói mòn vị thế của Hong Kong, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chỉ đạo cấp dưới bắt đầu xóa bỏ quy chế đặc biệt dành cho đặc khu này.
Ngoại trưởng Pompeo đã từ chối cung cấp thông tin về các bước đi kế tiếp của Nhà Trắng. Tuy nhiên, ông Pompeo cho biết thêm Mỹ sẽ giám sát cuộc bầu cử Hội đồng Lập pháp Hong Kong dự kiến diễn ra vào tháng 9 năm nay.
“Chúng tôi sẽ theo dõi rất chặt chẽ liệu cuộc bầu cử này có được phép diễn ra một cách tự do và công bằng hay không”, Ngoại trưởng Pompeo nói.
Tại diễn đàn trên, nhà lãnh đạo ngoại giao Mỹ cũng đề cập tới cuộc gặp giữa ông với nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc Dương Khiết Trì ở Hawaii hôm 17-6.
Ông Pompeo nói rằng trong khoảng thời gian đó, các ngoại trưởng nhóm G7 đã ra tuyên bố chung về Hong Kong. Điều đó cho thấy các quốc gia lớn đoàn kết ra sao và cho thấy Trung Quốc bị “cô lập” như thế nào nếu Bắc Kinh không thực hiện các nghĩa vụ quốc tế như đã nói.
“Trong lúc tôi gặp ông Dương, tất cả thành viên G7 đã cùng ra tuyên bố về vấn đề Hong Kong. Tôi muốn tuyên bố rằng sự tính toán thời gian như vậy là có chủ ý”, ông Pompeo cho biết.
Căng thẳng Mỹ – Trung có thể tồi tệ hơn thời kỳ Chiến tranh lạnh
Phát biểu tại Diễn đàn Hòa bình thế giới do Đại học Thanh Hoa tổ chức ở Bắc Kinh giữa tuần này, ông Wang Si Ji – người đứng đầu trường nghiên cứu quốc tế thuộc Đại học Bắc Kinh – nhận định quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc có thể sẽ rơi xuống mức tồi tệ hơn quan hệ giữa Mỹ và Liên Xô thời kỳ Chiến tranh lạnh.
“Một câu hỏi hiện nay là liệu sự đối đầu Mỹ – Trung sẽ kéo dài lâu hơn và gây mất mát cho cả hai bên nhiều hơn cuộc cạnh tranh Mỹ – Xô hay không. Một câu hỏi khác là liệu một sự kiện bất ngờ nào đó liên quan căng thẳng hai nước sẽ leo thang thành một cuộc đụng độ chết chóc hay không” – ông Wang nói.