Đầu tư năng lượng sạch: Giá điện làm khó nhà đầu tư
Đầu tư năng lượng sạch: Giá điện làm khó nhà đầu tư
Các chính sách phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch cần có tính dài hạn, đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư, nhằm thu hút nguồn vốn tư nhân tham gia ngành điện theo nghị quyết 55.
Đây là ý kiến của nhiều chuyên gia tại diễn đàn Năng lượng Việt Nam 2020: Phát triển năng lượng sạch – xu thế và thách thức, do Bộ Công thương tổ chức ngày 18-6. Nhiều chuyên gia cho rằng chính sự “phập phù” của các chính sách, đặc biệt là giá mua bán điện, khiến các nhà đầu tư không an tâm.
Cần chính sách giá minh bạch
Ông Nguyễn Tâm Tiến – tổng giám đốc Tập đoàn Trung Nam, đơn vị đã đầu tư gần 700 MW năng lượng sạch (thủy điện, điện gió, điện mặt trời…) – khẳng định tiềm năng đầu tư cho năng lượng sạch rất lớn nhưng cũng có nhiều thách thức.
Dẫn chứng lĩnh vực điện gió, ông Tiến cho biết, sau khi thay đổi công nghệ và nâng công suất sản xuất điện, giá mua điện lại giảm mạnh, trong khi toàn bộ thiết bị phải nhập khẩu.
“Nếu giá điện gió xuống nữa, chắc chắn sẽ không thu hút được nhà đầu tư, bởi đầu tư thiết bị rất tốn kém, thị trường các thiết bị lắp đặt hạn hẹp” – ông Tiến nói.
Ngoài sự ổn định của chính sách, theo ông Nguyễn Hải Vinh – phó tổng giám đốc Công ty năng lượng tái tạo BIM, cần có chính sách đột phá mới thu hút được vốn đầu tư.
“Không phải mức giá đột phá là bao nhiêu mà có chính sách mới như mua điện trực tiếp, chính sách đấu giá cụ thể rõ ràng. Ví dụ như trên cùng một khu đất vừa sản xuất vừa phát triển điện gió, điện mặt trời thì thế nào. Chính sách cũng không nên để nhà cung cấp nước ngoài lợi dụng để làm khó nhà đầu tư trong nước” – ông Vinh nói.
Ông Hoàng Tiến Dũng – cục trưởng Cục Điện lực và năng lượng tái tạo (Bộ Công thương) – cho biết trong những tháng đầu năm nay đã có 92 dự án điện mặt trời với hơn 4.600 MW đi vào vận hành và hiện có thêm 135 dự án được bổ sung vào quy hoạch, tương đương 10.000 MW. Với điện gió, có 370 MW đã được đưa vào vận hành và tiếp tục có chủ trương bổ sung thêm 7.000 MW, với mục tiêu đến năm 2025 đạt 11.600 MW.
“Sự phát triển nhanh và nhiều của năng lượng tái tạo đặt ra thách thức, đó là lưới truyền tải phát triển chưa đồng bộ với tốc độ phát triển nguồn năng lượng tái tạo. Cũng bởi lưới truyền tải được đầu tư chủ yếu bằng vốn nhà nước nên thủ tục phức tạp, giải phóng mặt bằng hạn chế… Do đó, tốc độ xây dựng nguồn điện thường đi trước tốc độ xây dựng lưới điện truyền tải” – ông Dũng nói. Đồng thời, ông cho biết nguồn điện hiện mới chỉ đủ cung cấp, đáp ứng nhu cầu phụ tải, chưa có dự phòng để đảm bảo thay đổi.
Cảnh báo dự án mua đi bán lại
Phát biểu tại diễn đàn, PGS.TS Trần Đình Thiên – thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng – bày tỏ lo ngại rằng có nhiều dự án điện gió, điện mặt trời bán lại cho các nhà đầu tư nước ngoài, trong khi những dự án này đều nằm tập trung ở vùng biên hoặc vùng biển – tức là những vùng nhạy cảm an ninh quốc gia.
“Những dự án này nếu người Việt Nam đầu tư có lẽ không có chuyện gì, đối tác tin cậy cũng không có chuyện gì. >hưng có phải đối tác nước ngoài nào cũng tin cậy không? Nếu họ có ý đồ thì sao, ai đảm bảo rằng họ không có ý đồ? Những dự án này đúng quy trình đầu tư nhưng nếu không tính đến an ninh năng lượng quốc gia, an ninh quốc gia để xây dựng những điều kiện đảm bảo ràng buộc, hậu quả sẽ rất khó lường” – ông Thiên cảnh báo.
Nhắc tới bài học ở Philippines vừa qua, khi ngành điện quá phụ thuộc vào Trung Quốc, ông Thiên cho rằng cần rà soát các điều kiện đầu tư những dự án này. “Phải ngăn chặn ngay việc nhà đầu tư không đủ năng lực, chưa làm, làm thủ tục xong bán cho nước ngoài. Thực chất, đầu tư với mục đích chuyển giao dự án cho nước ngoài sẽ gây ra rủi ro rất lớn” – ông Thiên đề nghị.
Ông Hoàng Quốc Vượng – thứ trưởng Bộ Công thương – cho rằng trong 3 năm qua, đây là giai đoạn khởi động, đồng thời bày tỏ hi vọng năng lượng tái tạo có sự cất cánh sau giai đoạn này, phát triển nhanh bền vững hơn. Ông Vượng cũng thừa nhận thời gian qua có tồn tại, cơ chế chính sách phát triển năng lượng chưa mang tính dài hạn, ổn định làm khó nhà đầu tư, nhiều doanh nghiệp bị ép giá, dẫn đến chi phí cao hơn.
Tuy nhiên, theo ông Vượng, Bộ Công thương đang tích cực chỉ đạo EVN giải quyết vấn đề quá tải và có tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật để phát triển bài bản, tin cậy. Bộ Công thương cũng sẽ tập trung thực hiện đầy đủ và triệt để nghị quyết 55 của Bộ Chính trị về phát triển năng lượng, xây dựng quy hoạch điện lực, chuyển dịch năng lượng cho phù hợp, thúc đẩy năng lượng sạch, điện khí và cẩn trọng phát triển điện than.
Sớm có quy chuẩn cho xây dựng điện áp mái
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản gửi Bộ Công thương và Bộ Xây dựng, truyền đạt chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc liên quan đến tình trạng thủ tục phiền hà, như bài viết Lắp điện mặt trời có cần giấy phép con?.
Theo đó, Bộ Xây dựng, Bộ Công thương xem xét thông tin phản ánh của báo Tuổi Trẻ, khẩn trương có các hướng dẫn cụ thể theo thẩm quyền để việc thực hiện hệ thống điện mặt trời mái nhà đảm bảo thống nhất, thuận lợi, đáp ứng yêu cầu về an toàn công trình, bảo vệ môi trường.
Bộ Xây dựng phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương nghiên cứu, ban hành đồng bộ các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật có liên quan đến an toàn công trình, xây dựng khi lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà theo thẩm quyền, hoàn thành trước ngày 31-7-2020.