Úc vạch trần vòi bạch tuộc của Trung Quốc
Úc vạch trần vòi bạch tuộc của Trung Quốc
Báo cáo gây choáng của Viện Chính sách chiến lược Úc (ASPI) nhận định các tập đoàn, tổ chức Nhà nước Trung Quốc đang âm thầm chuyển sang hoạt động ngầm, tăng cường xâm nhập các cộng đồng ở hải ngoại dưới nhiều lớp vỏ bọc khác nhau.
Cuộc khủng hoảng do dịch COVID-19 dường như đã tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức bí mật của Trung Quốc tăng cường hoạt động, ví dụ như Mặt trận thống nhất (United Front) – một cơ quan bí hiểm mà Chủ tịch Tập Cận Bình từng ví như “món vũ khí ma thuật”, báo Asia Times dẫn lại báo cáo của ASPI.
“Ban lãnh đạo Trung Quốc đang tăng cường sức ảnh hưởng của họ bằng cách tập hợp đại diện các nhóm dân tộc thiểu số, phong trào tôn giáo, doanh nghiệp, khoa học và chính trị trên toàn Trung Quốc và hải ngoại.
Nỗ lực của Bắc Kinh can thiệp vào các cộng đồng Hoa kiều, tác động lên hệ thống chính trị và bí mật ăn cắp công nghệ nhạy cảm và có giá trị ở nước ngoài chỉ có tăng lên khi căng thẳng giữa Trung Quốc và nhiều nước trên thế giới tiếp tục leo thang” – ông Alex Joske, nhà nghiên cứu của ASPI ở Canberra, nhận định trong bản báo cáo.
Mua gom khẩu trang gây thiếu hụt
Theo điều tra của Úc, Mặt trận thống nhất (viết tắt: Mặt trận) là một tổ chức tuyên truyền mờ ám do Đảng Cộng sản Trung Quốc kiểm soát.
Người ta tin rằng chính nó tổ chức những chuyến không vận quy mô chở hàng tấn trang bị y tế, bao gồm khẩu trang, về Trung Quốc hồi đầu dịch COVID-19, gây ra tình trạng thiếu hụt lớn ở Úc.
Chuyên gia Joske nói cũng chính Mặt trận đã tổ chức các chiến dịch “gom hàng” tương tự ở Canada, Anh, Mỹ, Argentina, Nhật Bản và Cộng hòa Czech.
“Sau khi con virus lan ra toàn cầu, các nhóm Mặt trận bắt đầu đem phân phát trang bị y tế cho phần còn lại của thế giới, mục đích để đẩy mạnh quan điểm của Trung Quốc về đại dịch”, ông Joske giải thích.
Cũng theo báo cáo, để đạt mục đích, tổ chức này không từ các thủ đoạn “phá hoại đoàn kết xã hội, châm lửa căng thẳng chủng tộc, tác động chính trị, can thiệp truyền thông, tổ chức hoạt động gián điệp và tăng cường chuyển giao công nghệ không được giám sát” ở nước ngoài.
Mặt trận còn nắm trong tay China News Service – hãng thông tấn nhà nước lớn chỉ sau Tân Hoa xã. Cơ quan này lại vận hành một mạng lưới truyền thông tiếng Hoa như Pacific Media ở Úc, Qiaobao ở Mỹ và ít nhất 26 tài khoản WeChat do 9 nhóm người Hoa đứng đằng sau.
Điều thú vị là các tài khoản WeChat này hoạt động chính ở Úc, Mỹ, Anh, Canada và New Zealand – 5 quốc gia cùng chia sẻ mạng lưới tình báo Five Eyes; ngoài ra còn ở Liên minh châu Âu, Nga, Nhật Bản và Brazil.
“Ngày càng có nhiều chi bộ đảng thuộc doanh nghiệp nhà nước và tư nhân, trường đại học, viện nghiên cứu… của Trung Quốc tham gia Mặt trận. Các đại diện của Quân giải phóng nhân dân (PLA) cũng từng tham gia một hội nghị của Mặt trận hồi năm 2015, cho thấy rằng PLA cũng có liên quan”, chuyên gia Joske nhận định.
Mục tiêu ưa thích của Mặt trận là các hệ thống chính trị. Hiệp hội Liên lạc hữu nghị quốc tế Trung Quốc, một nhóm do PLA điều khiển, thường tiếp cận các nhân vật công chúng nổi bật ở nước ngoài.
“Những người họ đã tiếp cận bao gồm một đại gia khai mỏ Úc, một cựu đại sứ Úc ở Trung Quốc, một phong trào tôn giáo tân thời ở Nhật, các tướng và quan chức Mỹ đã về hưu”, báo cáo của Úc liệt kê.
Thao túng để kiểm soát chính trị, hạ tầng quan trọng
Hồi tháng 11-2019, ông Lewis Duncan, cựu lãnh đạo Tổ chức Tình báo an ninh Úc, từng tố Trung Quốc đang tìm cách “kiểm soát” hệ thống chính trị Úc. Cáo buộc đã dẫn đến một chiến dịch rà soát tiền tài trợ chính trị có nguồn gốc nước ngoài ở nước này.
“Họ cố bám được một vị trí thuận lợi, không chỉ trong chính trị mà còn trong cộng đồng hoặc doanh nghiệp. Về cơ bản là họ nắm quyền kiểm soát, giật dây từ xa”, ông Lewis cho biết.
Theo điều tra của ASPI, các tổ chức Trung Quốc có vẻ đã “thụt vòi” sau khi xuất hiện nhiều báo cáo tố Bắc Kinh nhắm đến các tài sản chiến lược ở Úc vì lý do an ninh.
Trong năm 2019 họ chỉ đầu tư 382 triệu USD vào tài sản ở Úc, mặc dù một số công ty mang danh nghĩa “tư nhân” có sự sở hữu chồng chéo trong đó, theo dữ liệu của Hãng kiểm toán KPMG và Đại học Sydney.
Về tổng thể, đầu tư trực tiếp ra nước ngoài (ODI) của Trung Quốc vào Úc giảm 58%, xuống còn 2,4 tỉ USD, một phần do Bắc Kinh siết chi tiêu, phần khác do phản ứng dè chừng trước động thái rà soát nghiêm ngặt từ phía Canberra.
Sau nhiều năm lỏng lẻo, trong tháng 6 này Úc đã áp dụng kiểm tra an ninh đối với hồ sơ đầu tư nước ngoài từ tất cả các nguồn.
Tuy Canberra phủ nhận mục tiêu là Trung Quốc, đã có nhiều quan ngại về việc Bắc Kinh muốn nắm kiểm soát nhiều hạ tầng chiến lược ở Úc như nhà máy điện, mạng viễn thông…
Hồi năm 2015, Công ty Trung Quốc Landbridge được thuê cảng Darwin của Úc trong 99 năm, bất chấp thực tế đây là vị trí quốc phòng quan trọng, bao gồm một căn cứ quân sự của thủy quân lục chiến Mỹ. Dàn lãnh đạo Landbridge lại có quan hệ gần với nhà cầm quyền Trung Quốc.
Goldwind, một công ty khác có liên hệ với Bắc Kinh, lọt vào danh sách chốt thầu xây 2 nhà máy thủy điện ở bang New South Wales. Thương vụ này hiện đã đình lại và đang bị mổ xẻ dữ dội trong nghị trường Úc.
“Nếu không thể tin tưởng găng tay và khẩu trang y tế do họ sản xuất, làm sao chúng ta trông đợi họ hành động vì lợi ích của Úc trong chuyện xây đập và mạng lưới điện? Điều làm tôi băn khoăn hơn là Goldwind cố tình che giấu quan hệ với đảng cầm quyền Trung Quốc”, thượng nghị sĩ Deb O’Neill nêu vấn đề trong phiên họp nghị viện New South Wales hôm đầu tuần này.
PHÚC LONG