20/11/2024

Bao giờ mở cửa bầu trời ?

Bao giờ mở cửa bầu trời ?

Mở cửa bầu trời hay không vẫn đang gây nhiều ý kiến trái chiều. Bởi phục hồi trở lại các đường bay quốc tế đồng nghĩa với việc đối diện nguy cơ “nhập dịch”.
Máy bay chở hàng đi Đài Loan rời Tân Sơn Nhất chiều 16.6 /// Ảnh: Đậu Tiến Đạt
Máy bay chở hàng đi Đài Loan rời Tân Sơn Nhất chiều 16.6 ẢNH: ĐẬU TIẾN ĐẠT

Nghiên cứu mở đường bay song phương

Kết luận tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19 sáng 9.6, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch công bố các vùng, địa bàn an toàn với các tiêu chí cụ thể như trong vòng 30 ngày qua không có ca nhiễm mới trong cộng đồng… Từ đó, từng bước mở lại các chuyến bay thương mại quốc tế một cách chắc chắn và có hướng dẫn cụ thể việc cách ly các đối tượng nhập cảnh qua các chuyến bay này.

Chỉ cho nhập cảnh chuyên gia, lao động kỹ thuật cao Trung Quốc qua đường bộ

Trao đổi với Thanh Niên chiều 13.6, trung tá Hoàng Duy Duyệt, Trưởng ban Cửa khẩu, Bộ đội biên phòng tỉnh Lạng Sơn, cho biết hiện tại trên tuyến biên giới VN – Trung Quốc chỉ mở các cửa khẩu: Tân Thanh, Cốc Nam, Hữu Nghị, ga Đồng Đăng, Chi Ma để duy trì xuất nhập khẩu hàng hóa giữa hai nước, chưa có hoạt động xuất nhập cảnh đối với người dân và khách du lịch ngoại trừ các trường hợp lao động kỹ thuật cao, chuyên gia Trung Quốc sang làm việc qua Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị và người VN về nước. Cụ thể, thống kê từ cuối tháng 5 đến ngày 16.6, Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị làm thủ tục nhập cảnh cho 4.645 lao động kỹ thuật cao, chuyên gia người Trung Quốc của 302 công ty, doanh nghiệp có đăng ký. Những trường hợp này sau khi nhập cảnh qua cửa khẩu vào VN đều thực hiện quy trình lấy mẫu xét nghiệm tại cửa khẩu, có xe đưa đón và cách ly tại nơi làm việc trong sự giám sát của cán bộ y tế địa phương. Còn tại Lào Cai, đại úy Đinh Quang Chính, Trạm trưởng Cửa khẩu đường bộ quốc tế Lào Cai, cho biết cửa khẩu này vẫn tạm ngừng hoạt động xuất nhập cảnh, chỉ làm thủ tục nhập cảnh cho chuyên gia, lao động kỹ thuật cao Trung Quốc sang làm việc hoặc tiếp nhận công dân VN do Trung Quốc trao trả về nước.
Theo thông tin từ Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng, đến ngày 16.6 trên toàn tuyến biên giới, đến thời điểm hiện tại, Việt Nam chưa có kế hoạch mở trở lại các cửa khẩu ở tuyến biên giới đường bộ và phải chờ quyết định của Chính phủ.
P.Hậu

Về các địa điểm mở lại chuyến bay, Thủ tướng giao các bộ: Ngoại giao, Y tế, GTVT cân nhắc cụ thể, trước mắt lựa chọn một số địa điểm để mở sớm trên cơ sở tình hình chung, có phương thức quản lý cụ thể, song không nên mở ồ ạt.

Trao đổi với Thanh Niên, đại diện Cục Hàng không cho biết sau khi nhận được chỉ đạo của Thủ tướng và Bộ GTVT, đơn vị này đang nghiên cứu trên cơ sở theo sát tình hình khu vực và thế giới để có những đề xuất phù hợp. Cục Hàng không cũng nhận được nhiều đề nghị từ các hãng hàng không của Hàn Quốc và Đài Loan muốn được nối lại đường bay, chở khách tới Việt Nam.
“Kế hoạch nối lại các đường bay đã được xây dựng. Chúng tôi đang nghiên cứu, chuẩn bị mọi quy trình từ sân bay, quản lý bay đến các đơn vị dịch vụ như phục vụ mặt đất… sẵn sàng đáp ứng yêu cầu khách tăng trở lại. Tuy nhiên, việc cụ thể mở lại đường bay với quốc gia nào, phụ thuộc vào đánh giá tình hình dịch bệnh tại các quốc gia. Phương án hiện nay vẫn là kết nối đường bay song phương tới một số nước đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh. Sau khi đánh giá, Cục sẽ báo cáo lên Bộ GTVT và cùng các ban, ngành quyết định thời điểm cho mở đường bay nào”, vị này thông tin.
Thực tế, một số quốc gia như Hàn Quốc, Lào, Campuchia hiện nay vẫn cho phép công dân các nước trong đó có Việt Nam nhập cảnh. Tuy nhiên, do vẫn giữ quy định khách nhập cảnh phải thực hiện cách ly 14 ngày nên chủ yếu các chuyến bay quốc tế ra/vào quốc gia này đều chuyên chở hàng hóa, kết hợp đưa công dân hồi hương.
Tại Việt Nam, do dịch bệnh bùng phát, các hãng hàng không đã chính thức đóng cửa các đường bay quốc tế từ ngày 25.3. Sau khi dịch bệnh được kiểm soát tốt, Hãng hàng không Vietnam Airlines đã nối lại đường bay với Hàn Quốc, Nhật Bản và Úc với tần suất khai thác khoảng 3 – 4 chuyến 1 tuần, chủ yếu chở hàng hóa, kết hợp bán vé cho số ít khách có nhu cầu rời khỏi Việt Nam. Một số hãng hàng không nước ngoài như Korean Air và AirAsia vẫn được vào Việt Nam nhưng không được chở theo khách vào, chỉ đưa khách hoặc hàng hóa ra.
Bao giờ mở cửa bầu trời ? - ảnh 1

Máy bay của hãng Eva Air (Đài Loan) cất cánh về Đài Bắc ngày 16.6 ẢNH: ĐẬU TIẾN ĐẠT

Thận trọng nhưng đừng để mất thời cơ

VN đã trải qua 2 tháng không có ca nhiễm mới trong cộng đồng, các bệnh nhân nhiễm bệnh đang được điều trị đều có tiến triển tốt, công tác kiểm soát bệnh dịch ngay từ cửa khẩu đối với các công dân hồi hương cũng được thực hiện hết sức nghiêm túc… Những thành tựu trong công tác kiểm soát dịch bệnh kéo theo mong mỏi phá băng nền kinh tế sau kỳ ngủ đông.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng giám đốc Công ty Vietravel, nhận định việc mở cửa và đẩy mạnh thị trường nội địa sau dịch là hướng đi đúng đắn và tất yếu. Song, ngay cả khi du lịch nội địa có quay trở lại thì cũng chỉ chiếm 30 – 40% thị trường. Để kích cầu, tất cả các doanh nghiệp du lịch hiện nay đều đang bán dưới giá thành. Điều này không thể kéo dài lâu, nhưng tăng giá trở lại thì thị trường nội địa sẽ chững ngay. Cho tới bây giờ, một số lượng lớn khách sạn, nhà hàng, khu mua sắm phục vụ chủ yếu cho khách nước ngoài vẫn chưa thể mở cửa trở lại, kéo theo cả hệ thống cung ứng dịch vụ cho du lịch, hàng triệu lao động, hàng trăm doanh nghiệp “chết” theo. “Kinh tế không thể đóng băng mãi. Nếu cứ sợ hãi, e dè, chúng ta sẽ bỏ lỡ cơ hội chớp thời cơ kéo khách, lấy được khoảng trống thị trường và tận dụng những thành công từ việc kiểm soát dịch nhanh chóng”, ông Kỳ nêu quan điểm.
Đồng tình, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng cần lập tức mở dần các đường bay quốc tế trong thời gian này vì nếu tiếp tục đóng cửa thì thiệt hại kinh tế sẽ ngày càng trầm trọng. Theo bà, Việt Nam đang được coi là nước an toàn, được kỳ vọng trở thành điểm đến mới đón những dòng đầu tư từ nước ngoài. Thế nhưng, nếu các nhà đầu tư, chuyên gia công nghệ không thể trực tiếp vào VN khảo sát, đàm phán thì rất dễ bỏ lỡ cơ hội đi đến những quyết định lớn.

Xây dựng “mức” để xác định “mốc”

Sự cần thiết về mặt phục hồi kinh tế ai cũng thấy rõ. Song, mở cửa trở lại đồng nghĩa Việt Nam phải đối mặt nguy cơ làn sóng Covid-19 thứ hai như Trung Quốc, Nhật Bản hay một số quốc gia châu Âu đang trải qua.
Thừa nhận nguy cơ “nhập dịch” nếu mở cửa lại các đường bay quốc tế là có, tuy nhiên ông Nguyễn Quốc Kỳ đề xuất: Bộ Y tế cần lập tức xây dựng mức độ an toàn để từ đó xác định mốc thời gian có thể kết nối lại với từng thị trường cụ thể. Đơn cử, mức độ an toàn chia theo 5 bậc, quốc gia hoặc khu vực nào đáp ứng được điều kiện an toàn tuyệt đối ở bậc 1 thì phân mốc thời gian sau 15 – 30 ngày nữa có thể mở lại các đường bay quốc tế. Nguyên tắc đặt ra là chỉ mở song phương, không chấp nhận người dân từ nước thứ 3 quá cảnh và với những khu vực đáp ứng yêu cầu bậc 1 thì sẽ không phải thực hiện cách ly khi vào Việt Nam du lịch. Tương tự với các mức độ an toàn tiếp theo.
Trong văn bản mới gửi Thủ tướng đề xuất các giải pháp phục hồi du lịch quốc tế hậu Covid-19, Hội đồng tư vấn du lịch Việt Nam (TAB) kiến nghị cần có một quy trình được đồng thuận và một bộ thủ tục mở cửa thị trường. Theo đó, có thể thương thảo các thỏa thuận song phương với từng nước và các công việc triển khai thực hiện, bao gồm: mở lại các đường bay và đảm bảo chỉ được phép khai thác các chuyến bay thẳng; miễn visa du lịch; thỏa thuận về việc xét nghiệm xác suất Covid-19 đối với khách đến và thủ tục xét nghiệm; thỏa thuận về việc cài đặt ứng dụng theo dõi được phê duyệt trong thời gian ở Việt Nam…
HÀ MAI
TNO