20/11/2024

Tư vấn mùa thi: Có được chọn chuyên ngành khi đăng ký xét tuyển ĐH ?

Tư vấn mùa thi: Có được chọn chuyên ngành khi đăng ký xét tuyển ĐH ?

Đang trong thời điểm nộp hồ sơ dự thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH nên nhiều thí sinh thắc mắc có được chọn chuyên ngành ngay khi đăng ký xét tuyển hay không, cách ghi chuyên ngành trong hồ sơ như thế nào…
TS xét tuyển bằng kết quả học bạ sẽ ghi chuyên ngành trong hồ sơ đăng ký /// ĐÀO NGỌC THẠCH
TS xét tuyển bằng kết quả học bạ sẽ ghi chuyên ngành trong hồ sơ đăng ký ĐÀO NGỌC THẠCH
Bên cạnh đó, có rất nhiều câu hỏi về những lưu ý khi chọn tổ hợp môn, ngành học… được đặt ra tại chương trình Tư vấn mùa thi do Báo Thanh Niên tổ chức, được phát trên Đài phát thanh – truyền hình Gia Lai, đồng thời trực tuyến tại thanhnien.vn, facebook.com/thanhnien và kênh YouTube của Báo Thanh Niên chiều 13.6.

Trên phiếu xét tuyển có ghi chuyên ngành ?

Một thí sinh (TS) ở TP.Pleiku, tỉnh Gia Lai theo dõi chương trình đã đặt câu hỏi tới ban tư vấn: “Em muốn học chuyên ngành thương mại quốc tế của ngành quản trị kinh doanh thì đăng ký như thế nào, và khi trúng tuyển thì có được học chuyên ngành ngay từ đầu hay không?”.
Giải đáp cho thắc mắc này, tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân, lưu ý: “Mẫu phiếu của Bộ GD-ĐT không có phần đăng ký chuyên ngành mà chỉ có ngành học. Nếu TS muốn học chuyên ngành, trước tiên phải vào website của các trường xem chuyên ngành đó nằm ở mã ngành nào. Sau đó, đăng ký mã ngành đó vào phiếu để khi trúng tuyển vào trường, các em sẽ được đăng ký vào chuyên ngành. Đối với phương thức xét bằng điểm học bạ thì các em đăng ký chuyên ngành ngay tại phiếu xét tuyển”.
Tuy nhiên, theo tiến sĩ Hải, mỗi trường có cách làm khác nhau, có trường cho sinh viên học chuyên ngành ngay từ năm nhất, có trường phải sau 2 năm mới phân chuyên ngành. Tại Trường ĐH Duy Tân, TS trúng tuyển vào trường sẽ được chọn chuyên ngành ngay từ đầu.
Trong khi đó, thạc sĩ Phan Thị Thu Phương, Phó phòng phụ trách Đào tạo – Trường ĐH Mở TP.HCM, cho biết tại trường, sinh viên phải học 2 năm kiến thức đại cương và cơ sở ngành, đến năm 3 mới học chuyên ngành. “Khi vào năm nhất, trường sẽ thông báo rõ ngành học của các em có những chuyên ngành nào để định hướng. Sau khi kết thúc 2 năm đầu, các em sẽ đăng ký”.
Chia sẻ thêm về việc này, thầy Trần Văn Trắng, cán bộ tuyển sinh Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn, cho hay khi xét tuyển bằng phương thức học bạ, TS đăng ký chuyên ngành ngay trên phiếu xét tuyển. “Ngành quản trị kinh doanh của trường có 10 chuyên ngành hẹp, nếu xét tuyển bằng phương thức học bạ, em có thể ghi chuyên ngành vào phiếu đăng ký và khi trúng tuyển, các em sẽ được học chuyên ngành đó ngay từ năm 1”.

Học kinh tế ở trường đào tạo về kỹ thuật có gì khác ?

Cũng theo dõi chương trình qua Đài phát thanh – truyền hình Gia Lai, một học sinh Trường THPT Phan Bội Châu, TP.Pleiku, băn khoăn: “Nếu học kinh tế ở một trường chuyên đào tạo về kỹ thuật công nghệ thì có khó khăn và khác biệt như thế nào so với một trường chuyên đào tạo về kinh tế?”.
Thạc sĩ Trần Hải Nam, Phó trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh – Truyền thông, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, thông tin: “Học các ngành về kinh tế tại một trường như Trường ĐH Công nghệ TP.HCM thì các em yên tâm vì chương trình đào tạo của trường đảm bảo đúng theo chương trình khung của Bộ GD-ĐT với đội ngũ giảng viên, phòng thực hành, mô phỏng doanh nghiệp, ngân hàng ảo, sàn chứng khoán ảo… Ngoài ra, trường còn thiết kế thêm học kỳ doanh nghiệp”.
Có nhiều học sinh quan tâm tới chương trình học phù hợp với sức học và nhanh chóng tốt nghiệp đi làm. Thạc sĩ Nguyễn Khánh Cường, Hiệu trưởng Trường CĐ Công nghệ quốc tế Lilama 2, khuyên: “Các trường CĐ trực thuộc Bộ LĐ-TB-XH có thời gian học chỉ từ 2,5 – 3 năm, cách xét tuyển cũng khác so với ĐH, đó là tuyển quanh năm và chủ yếu dựa trên phương thức xét học bạ. Nếu TS có mong muốn học nhanh để ra trường đi làm có thu nhập thì hiện các trường CĐ có rất nhiều ngành nghề mà học xong có cơ hội việc làm rất cao, do nhu cầu tuyển dụng lớn. Năm nay Trường CĐ Công nghệ quốc tế Lilama 2 có chương trình đào tạo đưa người học sang Đức làm việc, dành cho TS tốt nghiệp THPT có học lực khá trở lên ở các ngành như cơ điện tử, cắt gọt kim loại, cơ khí xây dựng… Sau 3 năm học, các em có bằng CĐ và bằng B1 tiếng Đức và đủ điều kiện để xin visa làm việc 3 năm ở Đức. Doanh nghiệp Đức sẽ sang trực tiếp trường để phỏng vấn lựa chọn người đạt yêu cầu”.
Cần ghi chính xác mã ngành
Lưu ý TS về việc viết phiếu đăng ký dự thi và xét tuyển, tiến sĩ Võ Thanh Hải cho rằng mã trường quan trọng, nhưng mã ngành còn quan trọng hơn vì chỉ cần ghi thiếu hoặc lệch ký tự là mã ngành lập tức bị chuyển sang ngành khác. “TS cần hết sức cẩn thận, phải ghi chính xác mã ngành mà mình muốn học. Ngoài ra, chọn bài thi tổ hợp cũng cần lưu ý, các em nên chọn bài thi tổ hợp nào là thế mạnh của mình. Mỗi ngành có từ 1 – 4 tổ hợp môn, tổ hợp nào điểm cao nhất thì các em dùng để đăng ký xét tuyển”, tiến sĩ Hải chia sẻ.
MỸ QUYÊN
TNO