30/12/2024

Thiết bị vệ sinh Trung Quốc tràn sang Việt Nam

Thiết bị vệ sinh Trung Quốc tràn sang Việt Nam

Nhập khẩu gạch ốp lát, sản phẩm thiết bị sứ vệ sinh từ Trung Quốc vào Việt Nam tăng tới 60-70%/năm, nhiều doanh nghiệp trong nước phải thu hẹp sản xuất.

 

 

 

Thiết bị vệ sinh Trung Quốc tràn sang Việt Nam - Ảnh 1.

Gốm sứ, thiết bị vệ sinh xuất xứ Trung Quốc mang nhãn mác Việt tràn ngập thị trường – Ảnh: VŨ TUẤN

Hiệp hội Gốm sứ xây dựng VN đề xuất Chính phủ áp đặt tiêu chuẩn nhập khẩu với sản phẩm gạch ốp lát, thiết bị sứ vệ sinh, cấp chứng chỉ nhập khẩu như các nước đang áp đặt với doanh nghiệp Việt.

Siêu rẻ, nhập nhèm xuất xứ

Ghi nhận của phóng viên Tuổi Trẻ tại các cửa hàng phân phối, showroom nội thất ở Hà Nội, TP.HCM và một số tỉnh thành cho thấy hàng loạt nhãn hiệu sản phẩm gốm sứ, gạch ốp lát, thiết bị sứ vệ sinh xuất xứ Trung Quốc được bày bán. Đó là các nhãn hiệu Korest, Rangos, Joto, Kobesi, Karassa…

Các sản phẩm này có giá bán cực rẻ, được quảng cáo sản xuất theo tiêu chuẩn, công nghệ Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan. Bên cạnh đó còn có một số dòng sản phẩm của doanh nghiệp đăng ký hoạt động tại VN nhưng được sản xuất tại Trung Quốc như sản phẩm, thiết bị của Công ty TNHH SX & TM THP VN, Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Phong Thị… Trên website của các công ty này cũng ghi rõ là sản xuất tại Trung Quốc.

Đánh vào tâm lý người Việt, nhiều sản phẩm gạch ốp lát, gốm sứ vệ sinh quảng cáo công nghệ Nhật Bản, Hàn Quốc, Ý, Mỹ… nhưng tìm hiểu kỹ thì biết được sản xuất tại Trung Quốc.

Một cửa hàng thiết bị vệ sinh trên đường Nguyễn Xiển (quận Thanh Xuân, TP Hà Nội) quảng cáo bộ “combo” thiết bị Trung Quốc cho nhà tắm chưa đến 4 triệu đồng, trong khi với số sản phẩm, lượng thiết bị vệ sinh bình dân của các thương hiệu quen thuộc như Viglacera, Inax, Toto… có giá từ 6 – 8 triệu đồng.

Anh H., nhân viên một cửa hàng phân phối sản phẩm gốm sứ, thiết bị vệ sinh tại khu đô thị Mỗ Lao (quận Hà Đông, TP Hà Nội), cho hay toàn bộ sản phẩm bán tại cửa hàng đều mang thương hiệu của công ty. Hỏi về nguồn gốc, anh H. thừa nhận tất cả đều nhập từ Trung Quốc. “Anh cứ hiểu đây là sản phẩm nội địa của Trung Quốc. Chúng em bỏ tiền làm thương hiệu” – anh H. nói.

Theo một số đại lý, các thiết bị vệ sinh nhập khẩu giá rẻ thường không thể bảo hành và cũng không chắc chắn có được phụ kiện thay thế. Thiết bị gốm, sứ kém chất lượng dễ bay màu, thường bị rò rỉ, tốn nước, bám cặn, thậm chí nứt vỡ, gây nguy hiểm cho chính người dùng.

Thiết bị vệ sinh Trung Quốc tràn sang Việt Nam - Ảnh 2.

Dữ liệu: Đặng Tuân – Đồ họa: N.KH.

Nhập khẩu tăng 60 – 70%/năm

Ông Phạm Văn Bắc – vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng – xác nhận nhập khẩu sản phẩm, thiết bị vệ sinh, gốm sứ từ Trung Quốc những năm qua tăng 60 – 70%/năm. Vì thế, Chính phủ đang giao Bộ Xây dựng chủ trì đề xuất giải pháp. Sau khi nghiên cứu, Bộ Xây dựng thấy liên quan tới nhiều bộ, ngành và đang lấy ý kiến trước khi đề xuất lên Chính phủ.

Thống kê Việt Nam và Trung Quốc vênh nhau cả trăm triệu USD

Số liệu của hải quan ghi nhận trong năm 2019 cả nước nhập 100,6 triệu USD gạch ốp lát, 52,8 triệu USD sứ vệ sinh từ Trung Quốc.

Nhưng số liệu từ hải quan Trung Quốc cho thấy hằng năm lượng nhập khẩu gạch ốp lát cao gấp 2 – 2,5 lần, nhập khẩu sản phẩm sứ vệ sinh cũng cao gấp 1,5 – 2 lần số liệu phía VN công bố.

Hiệp hội Gốm sứ xây dựng VN cho rằng lượng nhập khẩu thực tế gạch ốp lát Trung Quốc năm 2019 khoảng 200 – 250 triệu USD, sứ vệ sinh khoảng 100 – 120 triệu USD.

Theo nhiều doanh nghiệp Việt, hàng gốm sứ, thiết bị vệ sinh VN khi xuất khẩu phải xin cấp chứng nhận sản phẩm. Như Công ty CP Viglacera Tiên Sơn và đối tác nhập khẩu phải xin chứng nhận nhập khẩu SNI khi xuất khẩu gạch ốp lát sang Indonesia.

Ông Nguyễn Mạnh Hiếu, giám đốc Công ty CP kinh doanh gạch ốp lát Viglacera, cho rằng việc nhập khẩu các sản phẩm gạch ốp lát, sứ vệ sinh từ Trung Quốc tăng đột biến khi xảy ra chiến tranh thương mại Mỹ – Trung vào năm 2019. Mỹ áp thuế sản phẩm gạch ốp lát, sứ vệ sinh Trung Quốc trên 250% nên hàng dư thừa từ Trung Quốc được đẩy qua các nước Đông Nam Á, trong đó có VN.

“Gạch ốp lát VN xuất qua châu Âu, Mỹ, Đông Nam Á đều phải vượt qua nhiều hàng rào kỹ thuật. Phần kiểm định nhà máy, đoàn kiểm tra các nước đến tận nhà máy ở VN để kiểm tra các tiêu chuẩn về iso, tiêu chuẩn môi trường” – ông Hiếu nói.

Doanh nghiệp nội thu hẹp sản xuất

Theo ông Nguyễn Mạnh Hiếu, từ năm 2018 đến nay nguồn cung gạch ốp lát, sản phẩm sứ vệ sinh trong nước đã lớn hơn cầu. Đặc biệt từ khi dịch bệnh đến nay, một số nhà máy sản xuất trong nước phải chạy cầm chừng.

Ông Châu Quốc Tuấn, nguyên giám đốc Công ty sứ Viglacera Bình Dương, chia sẻ trước sức ép của thiết bị sứ vệ sinh nhập khẩu từ Trung Quốc, năm 2019 công ty phải giảm công suất khoảng 20% so với năm 2018. Theo vị này, các đại lý trong nước thích nhãn hiệu nào cứ đọc tên là phía Trung Quốc sẽ “bắn” luôn nhãn hiệu đó trước khi xuất qua VN. Vì thế hàng nội địa rất khó cạnh tranh.

Ông Nguyễn Minh Tuấn, nguyên chủ tịch HĐQT Công ty sứ Viglacera Thanh Trì, khẳng định tình trạng nhập lậu sản phẩm gốm sứ, thiết bị vệ sinh từ Trung Quốc về giả nhãn mác hàng hóa trong nước có từ lâu. Hầu hết các thương hiệu đều bị làm giả. Các doanh nghiệp đã tìm cách chống hàng giả, hàng nhái nhưng chưa hiệu quả vì hoạt động thương mại qua biên giới hiện nay rất tự do, dân họ buôn chuyến, lâu lâu họ nhập lô hàng về bán nên rất khó kiểm soát.

Đứng thứ 4 thế giới nhưng thiếu hàng rào bảo vệ

Trong kiến nghị gửi tới Thủ tướng mới đây, Hiệp hội Gốm sứ xây dựng VN cho biết VN là nước sản xuất gạch ốp lát đứng thứ 4 của thế giới, công suất lắp đặt các nhà máy đạt 750 triệu m2/năm.

Nguồn cung gạch ốp lát trong nước đã vượt cầu, các doanh nghiệp sản xuất gạch ốp lát như Viglacera, Prime, Đồng Tâm, Mikado, Thạch Bàn… phải tìm đường xuất khẩu. Nhiều thương hiệu gạch ốp lát Việt xuất khẩu gây ấn tượng tốt tại Đông Nam Á, EU. Nhưng ngay trên sân nhà các sản phẩm gạch ốp lát Việt đang đối mặt với sự lấn lướt của gạch ốp lát nhập khẩu từ Trung Quốc.

Trong khi các sản phẩm gạch ốp lát, sứ vệ sinh Trung Quốc xuất sang VN gần như không bị áp tiêu chuẩn gì khi nhập khẩu.g Việt Nam nhưng thực chất là hàng Trung Quốc “đội lốt”.

BẢO NGỌC – VŨ TUẤN
TTO