Làn sóng biểu tình tiếp tục bùng phát
Biểu tình phản đối phân biệt chủng tộc tiếp tục bùng phát tại Mỹ và nhiều nước khác sau khi có thêm người da màu bị cảnh sát bắn chết.
Reuters hôm qua đưa tin nhiều người biểu tình phong tỏa một xa lộ lớn tại thành phố Atlanta (bang Georgia, Mỹ) và đốt nhà hàng Wendy’s – nơi một người da màu bị cảnh sát bắn chết khi đang chạy trốn. Nhà hàng cháy dữ dội trong hơn 45 phút trước khi lực lượng cứu hỏa dập tắt, trong lúc cảnh sát dàn hàng ngang ngăn người biểu tình. Nhiều người biểu tình còn phong tỏa tuyến đường liên bang 75, buộc cảnh sát dùng xe để ứng phó.
Thêm người da màu tử vong
Trước đó vào tối 12.6 (giờ địa phương), cảnh sát được gọi đến nhà hàng Wendy’s vì thanh niên da màu Rayshard Brooks (27 tuổi) ngủ quên trong xe khi xếp hàng trên làn đường dành cho khách hàng mua mang về. Theo Cơ quan Điều tra Georgia, cảnh sát quyết định bắt giữ sau khi người này không vượt qua bài kiểm tra về sự tỉnh táo. Video do nhân chứng quay lại cho thấy Brooks vật lộn với 2 cảnh sát, giật roi điện trên tay một sĩ quan và đấm vào mặt viên cảnh sát này rồi bỏ chạy. Hình ảnh từ máy quay an ninh gần đó cho thấy 2 sĩ quan truy đuổi Brooks qua bãi đỗ xe trong lúc người này dường như chĩa súng điện về phía một cảnh sát. Hai sĩ quan rút súng và Brooks bị bắn ngay sau đó.
|
Sau khi xảy ra vụ việc, cảnh sát trưởng thành phố Atlanta, bà Erika Shields đã từ chức và sĩ quan đã nổ súng là Garrett Rolfe bị sa thải, còn sĩ quan Devin Bronsan liên quan vụ việc bị tạm đình chỉ công tác. Thị trưởng Keisha Lance Bottoms chấp nhận đơn từ chức của cảnh sát trưởng. Tuy nhiên, nhiều người biểu tình tiếp tục kêu gọi truy tố hình sự 2 cảnh sát trên, trong khi phong trào biểu tình tiếp diễn khắp nhiều thành phố của Mỹ sau vụ người da màu George Floyd tử vong tại Minneapolis (bang Minnesota) vì bị cảnh sát khống chế quá mức hôm 25.5.
Biểu tình tiếp tục lan rộng
Các cuộc biểu tình tiếp tục diễn ra tại nhiều thành phố khắp thế giới nhằm hưởng ứng phong trào Black Lives Matter (Mạng người da đen cũng đáng giá) và phản đối tình trạng bạo lực quá mức của cảnh sát. Hàng ngàn người xuống đường ở Pháp dẫn đến một số vụ đụng độ tại thủ đô Paris và thành phố Lyon, theo AFP.
Tại Anh, cảnh sát bắt giữ khoảng 100 người biểu tình cực hữu tập trung tại thủ đô London. Phe biểu tình cực hữu xuống đường nhằm phản đối cuộc tuần hành chống phân biệt chủng tộc và còn xô xát với cảnh sát. Cảnh sát London đang khởi tố nhiều người về các tội danh gây bất ổn bằng bạo lực, hành hung người thi hành công vụ cùng nhiều cáo buộc khác. Thủ tướng Anh Boris Johnson lên án bạo lực, nhấn mạnh những đối tượng phân biệt chủng tộc không có quyền xuống đường biểu tình và gây rối trật tự công cộng.
Tại Thụy Sĩ, hàng ngàn người cũng xuống đường, trong đó cuộc biểu tình ở thành phố Zurich là lớn nhất với khoảng 10.000 người tham gia. Cảnh sát Thụy Sĩ đã bắt giữ một số người biểu tình quá khích. Tại Đức, khoảng 2.000 người biểu tình ở thành phố Stuttgart và một số cuộc tuần hành nhỏ hơn diễn ra tại các thành phố khác, theo Hãng tin DPA. Ngoài ra, các cuộc biểu tình tương tự cũng diễn ra ở Canada, Đài Loan, Nhật Bản và Úc.
Mỹ ồ ạt cải cách lực lượng cảnh sát
Theo CNN, nhiều tiểu bang, thành phố tại Mỹ đang gấp rút cải cách các quy định liên quan lực lượng cảnh sát trên quy mô chưa từng thấy, giữa làn sóng biểu tình chống phân biệt chủng tộc. Bang New York tập trung thay đổi quy định về việc giữ bí mật thông tin kỷ luật liên quan cảnh sát. Nhiều nơi cấm động tác khống chế gây nghẹt thở và dùng đầu gối đè cổ như trong vụ George Floyd. Tại thành phố Los Angeles (bang California), lực lượng cảnh sát sẽ bị cắt ngân sách đáng kể. “Điều vô cùng quan trọng là chúng ta không lãng phí một giây phút nào nữa chỉ để chứng kiến thêm tình trạng phân biệt chủng tộc và thiếu tín nhiệm vào cảnh sát ở Mỹ”, theo Giáo sư Craig Futterman tại Đại học Luật Chicago (bang Illinois, Mỹ).
KHÁNH AN
TNO