Chính sách thuế tránh dè lớn, ép nhỏ
Chính sách thuế tránh dè lớn, ép nhỏ
Chậm nộp hồ sơ quyết toán thuế thu nhập cá nhân năm 2019 quá thời hạn 45 ngày, chị Trần Thị Thu H. (Yên Hoà, Cầu Giấy, Hà Nội) vừa nhận được quyết định xử phạt hành chính 1.750.000 đồng của Chi cục Thuế quận Cầu Giấy.
Thu ngân sách 5 tháng đầu năm của ngành thuế vẫn đạt khá. Nguyên nhân được Tổng cục Thuế cho biết nhờ có khoản truy thu từ hai cuộc thanh tra kéo dài nhiều năm, kết thúc cuối năm 2019, tiền nộp sang năm 2020.
Dư luận chắc vẫn chưa quên thương vụ Big C được chuyển cho chủ Thái Lan năm 2017. Cơ quan thuế VN đã phải đấu tranh để đòi gần 3.600 tỉ đồng tiền thuế chuyển nhượng vốn. Chuyển nhượng đã 2 tháng mà chủ cũ của Big C không chịu kê khai và nộp thuế. Hay cuối năm ngoái, Công ty Heineken đã bị truy thu hơn 917 tỉ đồng tiền thuế và tiền phạt chậm nộp cho thương vụ chuyển nhượng vốn.
Việc nâng cao ý thức tuân thủ chính sách pháp luật thuế cho người nộp thuế là cần thiết. Mục tiêu để đảm bảo công bằng và tạo môi trường kinh doanh minh bạch cho mọi đối tượng người nộp thuế.
Tuy nhiên, xét về góc độ quản lý thuế của cơ quan thuế đối với các DN FDI, Bộ Tài chính đánh giá hiện tượng các DN FDI kê khai báo lỗ phổ biến chiếm tới 50% tổng số DN FDI đang hoạt động ở VN. Có DN lỗ nhiều năm liên tiếp, thậm chí tới 15-20 năm. Thông tin mới nhất ở TP.HCM có tới gần 60% trong số 3.500 DN FDI thường xuyên kê khai lỗ được phó tổng Kiểm toán Nhà nước Đoàn Xuân Tiên nhận định tại hội thảo khoa học vừa tổ chức tuần qua.
Theo ông Tiên, DN lỗ có nhiều nguyên nhân nhưng phải kể đến hành vi chuyển giá. Nhưng điều bất hợp lý là mặc dù thua lỗ liên tục và lỗ lớn nhưng nhiều DN FDI vẫn mở rộng sản xuất, kinh doanh, điển hình như CocaCola, Pepsi. Và đáng nói là trong khi DN FDI báo lỗ thì DN trong nước cùng ngành nghề đều có lãi, nhất là trong lĩnh vực may mặc, da giày.
Điều đáng nói là về thực hiện chính sách pháp luật thuế, các DN FDI thường có các công ty kiểm toán độc lập đứng đằng sau. Với 50% DN FDI lỗ triền miên cho thấy công tác quản lý, trong đó có quản lý thuế, chính sách thuế đối với đối tượng này đang có lỗ hổng rất lớn khi chúng ta ưu đãi miễn, giảm thuế thu nhập DN, tiền thuê đất để thu hút, để trải thảm đỏ. Để đảm bảo thu đúng, thu đủ tiền thuế, để ngân sách không bị thất thoát, mất mát thuế, nên chăng cơ quan thuế nên dồn lực vào những DN lớn, DN ngoại.
Còn với những người nộp thuế có thu nhập từ tiền công tiền lương, cá nhân kinh doanh, tiểu thương, hộ gia đình thì họ cần sự hỗ trợ, tuyên truyền của cơ quan thuế. Thiết nghĩ chính sách thuế phải làm sao để gần 7 triệu người có thu nhập từ tiền lương, tiền công đang nộp thuế và gần 5 triệu hộ kinh doanh cảm thấy nộp thuế không phải là gánh nặng.
Muốn như vậy chính sách phải minh bạch, dễ hiểu và phải bảo vệ quyền lợi của người nộp thuế, còn thực hiện phải dễ dàng.