23/01/2025

Có nên đăng ký xét tuyển… hơn 20 nguyện vọng?

Có nên đăng ký xét tuyển… hơn 20 nguyện vọng?

Ngày mai 15.6, học sinh lớp 12 trên toàn quốc sẽ bắt đầu đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH, CĐ.
Các chuyên gia tham gia buổi tư vấn do Báo Thanh Niên phối hợp với Đài phát thanh - truyền hình Lâm Đồng tổ chức chiều 13.6 /// Ảnh: Gia Bình
Các chuyên gia tham gia buổi tư vấn do Báo Thanh Niên phối hợp với Đài phát thanh – truyền hình Lâm Đồng tổ chức chiều 13.6  ẢNH: GIA BÌNH
Tuy nhiên, đến thời điểm này vẫn còn nhiều thí sinh chưa nắm chính xác cách ghi hồ sơ đăng ký dự thi cũng như sắp xếp thứ tự ưu tiên cho các nguyện vọng khi đăng ký xét tuyển vào ĐH,CĐ.
Các chuyên gia tư vấn đến từ các trường ĐH, CĐ đã giải đáp rất nhiều băn khoăn của thí sinh (TS) trong chương trình Tư vấn mùa thi do Báo Thanh Niên phối hợp với Đài phát thanh – truyền hình Lâm Đồng tổ chức chiều 13.6.

Cần ghi chính xác từng thông tin, từng ký tự

Có mặt tại chương trình tư vấn, tiến sĩ Nguyễn Quốc Anh, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cho biết mỗi phiếu đăng ký gồm có 21 mục được chia thành 5 phần lớn. Trong đó đặc biệt lưu ý phiếu có phần dành cho TS chỉ đăng ký dự thi để xét tốt nghiệp và phần dành cho những TS có nguyện vọng (NV) sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp để xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ. TS cần ghi chính xác từng thông tin, từng ký tự.
Tiến sĩ Nguyễn Quốc Anh còn lưu ý TS: Cũng như các năm trước, số lượng NV đăng ký là không giới hạn, tuy nhiên, TS cần sắp xếp các NV theo thứ tự ưu tiên từ trên xuống (NV1 là NV ưu tiên cao nhất) để đảm bảo cơ hội được học tập đúng ngành yêu thích.
“TS lưu ý cần tìm hiểu kỹ thông tin tuyển sinh của trường ĐH, CĐ mình muốn theo học để có thông tin chính xác về mã trường, mã ngành, tên ngành và mã tổ hợp môn xét tuyển”, tiến sĩ Quốc Anh cho biết.
Một học sinh có nick Huyen Nguyen (Trường THPT Di Linh), hỏi: “Mục số 4 phần A thông tin cá nhân dùng để điền số CMND hoặc thẻ căn cước công dân, bên phải có 12 ô nhưng số CMND của em có 9 chữ số. Vậy em ghi từ phải qua trái hay ngược lại và chừa trống các ô còn lại ra sao?”.
Giải đáp cho thắc mắc này, tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, thông tin: “Ở chỗ ghi chứng minh nhân dân và có 12 ô, khi điền, em bỏ trống 3 ô đầu và ghi từ ô thứ 4 trở đi. Các em chú ý trong những năm qua TS hay sai sót ngày tháng năm sinh, phải ghi 2 chữ số, ví dụ 01.08.2002. Bên cạnh đó, nhiều TS cũng ghi mã ngành không tương ứng với mã trường, hệ thống xét tuyển sẽ không tìm thấy. Các em cũng cần ghi đúng khu vực và đối tượng ưu tiên nếu không muốn thiệt thòi và rắc rối sau này, vì khi đó phải giải trình xác định từ Sở GD-ĐT, Bộ mới được thêm điểm”.
Một điều hết sức quan trọng trong khai hồ sơ đăng ký dự thi lúc này là chọn NV xét tuyển ĐH và CĐ. Một TS hỏi: “Trong phiếu đăng ký xét tuyển có 20 dòng tương đương với tối đa 20 NV, vậy nếu em muốn đăng ký nhiều hơn số NV này thì tự thiết kế lại mẫu phiếu hay viết tràn ra ngoài?”. Theo tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, trong những năm qua, TS xét tuyển vào Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM có đến 90% trúng tuyển ở NV 1, 2, 3 chứ ít ai đến NV thứ 4, 5 mới trúng tuyển. “Các em không nên đăng ký quá ít để tránh mất cơ hội, nhưng cũng không nên đăng ký quá nhiều, khoảng dưới 10 NV là hợp lý”.
 Ngày mai (15.6) học sinh lớp 12 bắt đầu đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH, CĐ ảnh: Đào Ngọc Thạch

Ngày mai (15.6) học sinh lớp 12 bắt đầu đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH, CĐ   ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

Trong khi đó, thạc sĩ Nguyễn Anh Vũ, Trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh và phát triển thương hiệu Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, lưu ý nếu TS đăng ký số NV vượt quá số dòng tối đa trong phiếu đăng ký, TS có thể sử dụng thêm một phiếu đính kèm và cần hỏi thêm tại trường THPT nơi TS đăng ký để thầy cô tư vấn cụ thể. “Tuy nhiên, TS không nên đăng ký quá nhiều NV sẽ làm phân tán và tốn phí đăng ký xét tuyển. Theo tôi, TS chỉ nên đăng ký tối đa khoảng 10 NV trên cơ sở cân nhắc kỹ các ngành và trường mà mình muốn học”, thạc sĩ Vũ chia sẻ.

Nếu không đăng ký xét tuyển ngày 15.6, thì sau có còn cơ hội?

Một học sinh Trường THPT Bảo Lộc hỏi: “Gia đình em rất khó khăn nên em dự định không tham gia xét tuyển ĐH. Nếu trong phiếu đăng ký dự thi này em chỉ chọn mục đích thi để xét tốt nghiệp thì sau này còn cơ hội xét tuyển ĐH không?”.
Tiến sĩ Nguyễn Quốc Anh đưa ra lời khuyên: “Những TS vì lý do nào đó không đăng ký xét tuyển ĐH mà chỉ đăng ký dự thi để xét tốt nghiệp THPT, thì sau khi có kết quả tốt nghiệp, các em vẫn còn rất nhiều cơ hội để tham gia xét tuyển và trúng tuyển vào các trường ĐH có sử dụng các phương thức tuyển sinh khác. Nhất là với phương thức xét tuyển học bạ, các trường tự quyết định thời gian xét tuyển của mình nên thường chia thành nhiều đợt khác nhau để tạo thuận lợi cho TS. Chẳng hạn như Trường ĐH Công nghệ TP.HCM dự kiến có 8 đợt xét tuyển học bạ cho năm 2020 này. Hiện tại nhà trường đã kết thúc đợt 1, đang nhận hồ sơ đợt 2 đến 30.6 và dự kiến còn 6 đợt nữa. Các trường ĐH khác hầu như cũng sẽ tương tự như vậy”.
Chia sẻ về cách chọn tổ hợp môn xét tuyển, thạc sĩ Cao Quảng Tư lưu ý: “Năm 2020, nhà trường giữ nguyên các tổ hợp xét tuyển như năm 2019. Về cách chọn tổ hợp, năm nay TS chỉ được chọn một môn thi tổ hợp, vì thế các em nên chọn bài thi tổ hợp nào là thế mạnh của mình”. Thạc sĩ Tư cũng thông tin thêm năm 2020, mã Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn được thay đổi từ TTQ thành SIU. Bên cạnh phương thức xét điểm thi THPT quốc gia, trường còn xét học bạ THPT và kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM”.

Học lực trung bình nên chọn học ĐH hay CĐ?

Một phụ huynh gửi câu hỏi đến chương trình: “Con tôi có học lực trung bình, tôi rất muốn bằng mọi cách con có được tấm bằng ĐH để bằng bạn bè trang lứa.
Nhưng ba cháu đang thuyết phục tôi nên để con học bậc CĐ vì phù hợp với sức học của con, sau này nếu muốn học liên thông thêm. Thầy cô cho tôi lời khuyên nên quyết định thế nào?”.
Thạc sĩ Đường Anh Tân, Giám đốc Trung tâm thực hành Trường CĐ Đại Việt Sài Gòn, thông tin: “Học bậc học nào không quan trọng, quan trọng là các em xác định được ngành nghề nào phù hợp với sở thích và năng lực của bản thân cũng như điều kiện gia đình. Chọn bậc học phù hợp với sức học sẽ giúp các em không phải bỏ dở giữa chừng như khi học một bậc học quá sức. Ngoài ra, các em sẽ tiết kiệm được thời gian và chi phí, nhanh chóng có bằng tốt nghiệp và ra đi làm. Các em hoàn toàn có thể liên thông lên ĐH nếu muốn. Đối với các trường CĐ (các ngành không thuộc sư phạm) thuộc Bộ LĐ-TB-XH quản lý nên để đăng ký xét tuyển, các em cần vào web của trường mình quan tâm để đọc thông tin cụ thể của đề án tuyển sinh, cách thức đăng ký xét tuyển . Các em chỉ cần đậu tốt nghiệp là đủ điều kiện đậu vào các trường CĐ”.
MỸ QUYÊN
TNO