23/01/2025

Tín dụng bất động sản tăng chậm

Tín dụng bất động sản tăng chậm

Dù lãi suất giảm, nhu cầu vay vốn mua nhà, sửa chữa nhà ở các khách hàng cá nhân vẫn khá chậm.
Tín dụng vào bất động sản tăng chậm dù lãi suất thấp /// Ảnh: Ngọc Thắng
Tín dụng vào bất động sản tăng chậm dù lãi suất thấp ẢNH: NGỌC THẮNG

Người vay chờ giá giảm

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng (NH) Nhà nước chi nhánh TP.HCM, cho biết tính đến cuối tháng 5, tín dụng cho vay bất động sản trên địa bàn chỉ tăng 0,8% so với đầu năm. Mức tăng trưởng này thấp hơn nhiều so với cùng kỳ các năm trước do bị ảnh hưởng từ Covid-19. Dư nợ tín dụng của các NH khoảng 250.000 tỉ đồng, chiếm 12,2% tổng dư nợ tín dụng.
Đáng nói, tín dụng bất động sản tăng chậm ngay thời điểm mặt bằng lãi suất cho vay bình quân của các NH đối với doanh nghiệp chỉ khoảng 8 – 10%/năm, cá nhân 8 – 11%/năm.
Ông Phạm Quang Thắng, Phó tổng giám đốc Techcombank, cho biết tín dụng bất động sản hiện nay có chậm lại do khách hàng nghe ngóng, thăm dò thị trường, trong đó cũng có tâm lý chờ đợi giá có giảm hay không trước sự ảnh hưởng của dịch Covid-19. NH hiện nay chưa có động thái siết các điều kiện cho vay tín dụng bất động sản đối với cá nhân mà vẫn duy trì nhắm đến đối tượng khách hàng vay với phân khúc nhà ở thật sự, có giá từ 2 – 3 tỉ đồng, khách hàng là giới trẻ.
Là khách hàng vừa được NH giải ngân tín dụng 1,1 tỉ đồng mua căn hộ dự án trên địa bàn tỉnh Bình Dương, ông Đỗ Cường (nhân viên công ty trên địa bàn Q.1, TP.HCM) cho biết do NH phối hợp với chủ đầu tư nên việc giải ngân khá nhanh. Quyết tâm vay trong giai đoạn này, theo ông Cường do phía chủ đầu tư đã trả lãi trong năm đầu, năm tiếp theo lãi suất khoảng 10 – 11%/năm. NH cũng yêu cầu ông phải mua bảo hiểm khoản vay với mức phí 15 triệu đồng để tránh rủi ro trong một số trường hợp không trả được nợ.

Lãi suất vay thấp

Lãi suất cho vay mà các NH thương mại hiện nay đang triển khai cho vay mua nhà ở đối với cá nhân từ mức 8%/năm trở lên. Chẳng hạn, HDBank triển khai chương trình “An tâm vay – Tích lũy ngay” cho cá nhân vay mua nhà với lãi suất từ 8%/năm, ân hạn vốn gốc lên đến 24 tháng. Với chương trình “giãn cách” thời gian trả vốn gốc, nhà băng này hỗ trợ giảm áp lực trả nợ cho khách hàng khi thu nhập bị ảnh hưởng, tạo điều kiện tích lũy tài sản và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng thiết yếu của khách hàng.
Tương tự, LienVietPostBank triển khai cho vay mua nhà với lãi suất từ 8,29%/năm, biên độ sau thời gian ưu đãi bằng lãi suất huy động cộng với 4%/năm, mức cho vay tối đa 100% bất động sản mua, thời gian vay lên đến 20 năm. Techcombank cho khách hàng vay từ 1 – 5 tỉ đồng, lãi suất vay cố định 8,29%/năm trong vòng 12 tháng; từ 5 tỉ đồng trở lên, lãi suất cố định 8,29%/năm trong vòng 12 tháng… Sau thời gian cố định, áp dụng lãi suất thả nổi có biên độ cạnh tranh chỉ từ 2,3%/năm. Hạn mức cho vay chiếm 80% giá trị bất động sản, thời gian vay đến 35 năm…
Đối với nhà ở xã hội hiện nay có mức lãi vay 4,8%/năm, nhưng Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) Lê Hoàng Châu cho biết nguồn cung nhà ở xã hội trên địa bàn TP.HCM không có, do đó người mua nhà đâu có ký hợp đồng với chủ đầu tư để vay được mức lãi suất này.
Vừa qua, NH Chính sách xã hội chi nhánh TP.HCM thậm chí đề nghị giới thiệu người mua nhà ở xã hội vay vì nhà băng này được phân bổ 10 tỉ đồng với lãi suất 4,8%/năm.
Thực tế, cá nhân đang vay NH thương mại mua nhà hiện nay ở mức lãi suất 9 – 10%/năm, trường hợp cá nhân chuyển qua vay NH Chính sách xã hội thì phải thanh lý hợp đồng vay cũ và chịu phí phạt trả nợ trước hạn. Do đó, phía NH Chính sách xã hội phải chắc chắn cho cá nhân vay, bao nhiêu suất được vay thì họ mới chuyển qua.
Liên quan nguồn vốn cho vay nhà ở xã hội tại TP.HCM, đại diện NH Chính sách xã hội cho biết tính trên 63 tỉnh thành mà NH này cho vay thì dư nợ tại TP.HCM chiếm 1/33 tổng dư nợ. Tổng dư nợ cho vay nhà ở xã hội từ năm 2018 đến nay hơn 3.041 tỉ đồng, số khách hàng dư nợ hơn 9.260.
Trong đó, TP.HCM cho vay 92,14 tỉ đồng với số khách hàng dư nợ 203 người. Ngoài nguồn tiền chuyển từ trên xuống, NH Chính sách xã hội địa phương còn nhận nguồn tiền từ tỉnh thành đó để cho vay, chẳng hạn Đà Nẵng năm 2019 chuyển qua cho NH Chính sách xã hội 50 tỉ đồng cho vay nhà ở xã hội bởi cơ chế của NH Chính sách xã hội là tỉnh thành nào giải ngân chậm sẽ chuyển sang các tỉnh thành khác, không để xảy ra tình trạng nơi thiếu và nơi không cho vay được.
Thời gian tới, trên thị trường sẽ có thêm nguồn vốn lãi suất thấp cho vay mua nhà ở xã hội.
Chính phủ vừa giao Bộ Kế hoạch – Đầu tư cân đối thêm 1.000 tỉ đồng cho NH Chính sách xã hội theo Nghị quyết số 71/2018/QH14; đồng thời bổ sung 2.000 tỉ đồng để cấp bù lãi suất cho 4 ngân hàng thương mại do Ngân hàng Nhà nước chỉ định để thực hiện hỗ trợ cho vay nhà ở xã hội.
THANH XUÂN
TNO