27/12/2024

Tại sao chỉ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, ít lao động?

Tại sao chỉ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, ít lao động?

Ngày 11-6, các đại biểu Quốc hội nhóm họp tại tổ để thảo luận dự thảo nghị quyết về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp (DN) phải nộp năm 2020 đối với DN, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác.

 

Tại sao chỉ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, ít lao động? - Ảnh 1.

Công nhân Nguyễn Thanh Hằng (phải, Công ty CPĐT Thái Bình) trong công đoạn sản xuất túi xách xuất qua Mỹ (ảnh chụp tháng 5-2020) – Ảnh: T.T.D.

* Vi phạm môi trường phải xử lý như lái xe uống rượu bia

Đồng tình với tờ trình của Chính phủ cho rằng trong hoàn cảnh khó khăn, việc hỗ trợ DN nhỏ, siêu nhỏ là cần thiết, nhưng đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) băn khoăn về việc dự thảo nghị quyết chỉ quy định giảm thuế cho DN có doanh thu dưới 50 tỉ đồng/năm và quy mô lao động tham gia bảo hiểm xã hội không quá 100 người. “Một DN có doanh thu dưới 50 tỉ đồng nhưng số lao động trên 100 người sẽ gặp khó khăn hơn DN chỉ có dưới 100 người” – ông Ngân phân tích.

Cùng quan điểm, chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa Nguyễn Văn Thân (đại biểu tỉnh Thái Bình) cho biết theo quy định về DN nhỏ và vừa là có quy mô doanh thu 100 tỉ đồng, vì vậy việc “chia nhỏ” đối tượng hưởng ưu đãi thuế là không quá 50 tỉ đồng theo đề xuất là “không ổn”.

Cũng đồng ý là DN khó khăn cần sự hỗ trợ của Nhà nước, chủ tịch Tập đoàn Dầu khí quốc gia Trần Sỹ Thanh (Lạng Sơn) đề nghị chính sách cần sự tiếp cận công bằng hơn, chứ không chỉ giúp DN siêu nhỏ. Ông đề nghị để chính sách được lan tỏa, kích thích đầu tư sản xuất, kinh doanh, nên hoàn một phần thuế cho các DN đã đóng thuế năm 2019.

Với các DN lớn, DN sử dụng nhiều lao động, nếu không thực hiện được chính sách giảm thuế thì cần kéo dài thời gian giãn, hoãn thuế để giúp họ gia tăng năng lực tài chính, chớp thời cơ thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. “Chính phủ đã cho phép giãn, hoãn một số loại thuế nhưng DN cho rằng thời gian quá ngắn. Tôi cũng cho rằng cần kéo dài hơn thời gian giãn, hoãn thuế, nhưng giãn bao lâu thì để Chính phủ tính toán vì còn phụ thuộc vào cân đối ngân sách” – đại biểu Ngân nói.

Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP.HCM Trần Thị Diệu Thúy đề nghị cần xem xét tổng thể hệ thống các DN, trong đó đặc biệt quan tâm đến những DN đang sử dụng số lượng lao động rất lớn để có chính sách tính toán tạm ngừng thu các loại phí DN phải đóng trong vòng ba, bốn hoặc sáu tháng đầu năm.

* Khi thảo luận dự án Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh rằng hơn lúc nào hết, chúng ta phải bảo vệ cuộc sống bình yên cho nhân dân. Người dân không chỉ cần vật chất, mà cần được sống trong môi trường trong sạch, trong lành. Thủ tướng cũng thẳng thắn thừa nhận để tình trạng ô nhiễm môi trường vừa qua có khuyết điểm của Chính phủ, các cấp, các ngành chưa làm quyết liệt.

Người đứng đầu Chính phủ nêu quan điểm: “Chính phủ cần có nghị định để thực hiện luật này một cách nghiêm khắc”. Dẫn chứng lại việc xây dựng nghị định 100 để triển khai Luật phòng chống tác hại rượu bia là một bài học. Bên cạnh tuyên truyền, thuyết phục thì phải có xử lý, xử phạt nghiêm để răn đe, giáo dục, làm gương.

* Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân giữ chức chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia

Sáng 11-6, các đại biểu Quốc hội đã bầu chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia. Theo đó, có 462 đại biểu, chiếm 95,65% tổng số đại biểu Quốc hội (100% có mặt – NV) đã biểu quyết thông qua nghị quyết về bầu chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia đối với Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.

* Đồng ý cho ông Vương Đình Huệ thôi chức phó thủ tướng

Sáng 11-6, Quốc hội phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ phó thủ tướng Chính phủ đối với ông Vương Đình Huệ và miễn nhiệm chức vụ ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với bà Nguyễn Thanh Hải bằng hình thức bỏ phiếu kín.

Trước đó, Bộ Chính trị đã phân công Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ làm bí thư Thành ủy, trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội thay ông Hoàng Trung Hải. Bộ Chính trị cũng chỉ định bà Nguyễn Thanh Hải làm bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên.

L.KIÊN – T.LONG – N.AN
TTO