15/01/2025

Mỹ – Triều còn gì từ thượng đỉnh Singapore?

Mỹ – Triều còn gì từ thượng đỉnh Singapore?

Tròn 2 năm kể từ thượng đỉnh Trump – Un ở Singapore, hòa bình trên bán đảo Triều Tiên vẫn cứ là ước vọng chứ chưa được là triển vọng. Vẫn là những đáp trả qua lại mạnh mẽ giữa Bình Nhưỡng và Washington.

 

Mỹ - Triều còn gì từ thượng đỉnh Singapore? - Ảnh 1.

Hai nhà lãnh đạo Mỹ – Triều trong cuộc thượng đỉnh đầu tiên ở Singapore ngày 12-6-2018 – Ảnh: AFP

Có khác chăng là từ sau cuộc gặp hôm 12-6-2018 ở Sentosa, những “phản hồi” hay “cảnh cáo” đã có người nhận cụ thể chứ không nhắn gửi chung chung như trước nữa.

Cụ thể, phát biểu của ông Kwon Jong Gun, vụ trưởng Vụ Mỹ – Bộ Ngoại giao Triều Tiên, đúng hôm 12-6-2020 chính là câu trả lời trực tiếp của Bình Nhưỡng đối với phát biểu ngày 9-6 “ủng hộ sự cải thiện quan hệ liên Triều song lại thất vọng vì hành vi gần đây của Triều Tiên, và yêu cầu Triều Tiên quay trở lại với ngoại giao và hợp tác” của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ.

Vụ trưởng Kwon Jong Gun gọi phát biểu nêu trên là “nực cười”, bởi lẽ “không ai có quyền nói này nói nọ về quan hệ liên Triều khi mà mối quan hệ này liên quan đến các vấn đề nội bộ của đất nước Triều Tiên từ A đến Z”.

Được biết, hôm 9-6, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ đã phát biểu như trên sau khi Bình Nhưỡng cắt đứt đường dây nóng với Hàn Quốc. Đầu tiên, sáng 8-6, phía miền Bắc đã không trả lời cuộc gọi điện thoại thường ngày của miền Nam.

Đây là lần đầu tiên miền Bắc không trả lời điện thoại kể từ 2 năm qua. Qua đến trưa 9-6, miền Bắc loan báo cắt đứt luôn. Đó là lý do khiến người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ kêu gọi Bình Nhưỡng “quay trở lại với ngoại giao và hợp tác”.

Về phía Bình Nhưỡng, thượng đỉnh “lịch sử” Singapore tháng 6-2018 hầu như không còn chút gì vấn vương, thay vào đó là sự cự tuyệt qua phát biểu của vụ trưởng Kwon Jong Gun: “Làm thế nào “sự thất vọng” mà Mỹ giả lả đưa ra có thể sánh với sự thất vọng và phẫn nộ tột độ mà chúng ta đang cảm nhận từ phía Mỹ và chính quyền Hàn Quốc vốn đã lặp đi lặp lại sự phản bội và khiêu khích trong 2 năm qua?”.

Hàn Quốc “phản bội” những gì, Mỹ “khiêu khích” những gì, Triều Tiên “thất vọng” và “phẫn nộ” những gì, vụ trưởng Kwon không nêu ra, song có thể đoán chừng là Triều Tiên vẫn tiếp tục bị cấm vận, vẫn chưa thấy một chút đầu tư gì chứ đừng nói là viện trợ.

Bởi thế, Bộ trưởng ngoại giao Triều Tiên Ri Son Gwon tuyên bố với Hãng thông tấn trung ương KCNA hôm 12-6: “Không bao giờ chúng ta sẽ cung cấp cho lãnh đạo hành pháp Mỹ một gói khác để khoe như là thành tích mà không nhận được bất kỳ sự đền đáp nào”.

Bên cạnh những phát biểu “tương đối” không nặng nề lắm trên của Bộ trưởng ngoại giao Ri, còn là những đe dọa rất nặng nề của vụ trưởng Kwon Jong Gun: “Tốt hơn hết, Mỹ nên giữ mồm giữ miệng và lo chuyện nội bộ của mình trước đã nếu không muốn phải kinh qua điều tồi tệ… Điều đó không chỉ tốt cho lợi ích của nước Mỹ mà còn cho cả việc tổ chức dễ dàng cuộc bầu cử tổng thống sắp tới”.

Một phát biểu khác nữa của vụ trưởng Kwon căng thẳng không kém: “Nếu Mỹ cứ chọc mũi vào chuyện của người khác bằng những nhận xét bất cẩn, mà quên đi những vấn đề nội bộ của mình, vào lúc mà tình hình chính trị của Mỹ đang rối rắm nhất, Mỹ có thể gặp phải chuyện bất tường khó bề hóa giải”.

Có thể thấy một sự phân công ở đây. Trong khi Bộ trưởng ngoại giao Ri thận trọng trách móc thì vụ trưởng Kwon không chút “giữ mồm giữ miệng”. Phân vai kiểu “cớm thiện”, “cớm ác” không chặt đứt mọi cây cầu… ngoại giao còn sót lại.

Từ đó, câu hỏi tiếp theo có thể đặt ra: các phát biểu trên nhằm bày tỏ bực dọc là chính hay hăm dọa mới là chính? Thường thì khi có khủng hoảng tại một nước nào đó, chuyện bàn ra tán vào nội tình các nước là chuyện của báo chí chứ hiếm khi là chuyện mà một nhân vật hay một nhà nước nào đó đứng ra nói.

Thế cho nên, việc một vụ trưởng ngoại giao không chỉ bàn mà còn dọa về nội tình của nước Mỹ, không chỉ một lần mà những ba lần, là một điều hiếm thấy.

Không đầy bốn tháng nữa là bầu cử ở Mỹ và ông Trump cần ổn định tình hình nội bộ để củng cố lá phiếu cử tri. Nhưng từ đây tới đó liệu sẽ hết dịch, hết xuống đường đập phá trên toàn nước Mỹ? Một câu hỏi không dễ trả lời khi nay ông Trump ngày càng có ít đồng minh hơn là kẻ thù.

DANH ĐỨC
TTO