27/12/2024

Học sinh nghiện game, ngăn làm sao?

Học sinh nghiện game, ngăn làm sao?

Thiếu quan tâm của gia đình, nhà trường và điều đáng nói hơn là việc quản lý game ở Việt Nam quá lỏng lẻo, không phân loại game để gắn mác lứa tuổi được chơi… khiến nhiều học sinh rơi vào ‘vòng xoáy’ game online.

 

Học sinh nghiện game, ngăn làm sao? - Ảnh 1.

Học sinh chơi game online – Ảnh: QUANG ĐỊNH

“Các nghiên cứu trên thế giới đều thống nhất với kết luận rằng những hành vi bạo lực, hung hăng, gây hấn của thanh thiếu niên có mối tương quan chặt chẽ với nội dung bạo lực trên game”

PGS.TS Trần Thành Nam

Game bạo lực không được “dán nhãn” và kiểm soát độ tuổi chơi

Trong khảo sát của PGS.TS Trần Thành Nam phục vụ nghiên cứu “Vấn đề hành vi trên lớp của học sinh, hệ lụy từ việc chơi game” từ 266 học sinh thường xuyên chơi game (sàng lọc trong số 500 học sinh lớp 7,8,9 các trường THCS ở Hà Nội), kết quả có đến 41,4% học sinh trong mẫu nghiên cứu chơi game từ lúc 8 tuổi hoặc sớm hơn và có đến 92,5% số học sinh trong mẫu nghiên cứu bắt đầu chơi game từ 10 tuổi hoặc sớm hơn.

Như vậy, những phụ huynh có con học tiểu học bắt đầu phải chú ý đến việc quản lý chơi game của con.

Về thời gian, có tới 76,7% học sinh trong diện khảo sát chơi game bất kể khi nào rảnh, chơi trước và sau giờ ăn cơm là 36,8% và 34,6%. Có khoảng 3,8% số học sinh chơi trong giờ học (trốn học đi chơi).

Khảo sát cũng thấy có một tỉ lệ học sinh không nhỏ chơi game không đúng lứa tuổi (chiếm 14,3-21,8%). Trong đó có những học sinh chơi game mã M có cảnh bạo lực máu me cấp độ cao, ngôn ngữ tục tĩu…

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, PGS.TS Trần Thành Nam nhấn mạnh đến vấn đề “phân loại game và quản lý người chơi theo độ tuổi quy định” là việc cần làm ngay.

Ở các nước khác, việc này được quy định nghiêm ngặt, tương tự như việc kiểm soát đối tượng được sử dụng rượu bia, nhưng ở Việt Nam thì lại thả nổi. Không có trở ngại nào nếu một đứa trẻ tuổi teen chơi game của lứa tuổi 17 trở lên, thậm chí là game người lớn có yếu tố bạo lực, tình dục…

“Nền công nghiệp game mang lại nguồn thu lớn nên nó phát triển ở nhiều quốc gia, chúng ta không thể vì những hệ lụy của game mà cấm, nhưng cần quản lý”, ông Nam nói.

Học sinh nghiện game, ngăn làm sao? - Ảnh 4.

Hầu hết các em chơi game bạo lực với những màn bắn, giết… – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Tìm nguyên nhân mới trị bệnh được

Theo thống kê của một số chuyên gia tâm lý, những học sinh chơi game/nghiện game thường có kỹ năng xã hội kém, ít thời gian tương tác với gia đình, công việc, ít tham gia các trò giải trí lành mạnh khác; xếp thứ hạng thấp trong lớp về học tập, khả năng đọc kém hơn các bạn cùng lứa tuổi, dễ béo phì, thừa cân…

Các em này thường tìm đến game sau khi gặp thất bại, rắc rối trong cuộc sống, tự ti, rụt rè… Các em thấy thoải mái hơn khi tán gẫu trên thế giới ảo, vui khi có được những “chiến công”, có những vị trí quan trọng trên thế giới ảo…Nhưng thỏa mãn bản thân theo cách này dần dần sẽ dẫn đến những hậu quả lớn.

“Đã có trường hợp chơi game liên tục 50 giờ và đánh đổi bằng tính mạng. Khi đang chơi và đang thắng, thần kinh tiết ra chất làm cho người chơi hưng phấn, giống như một dạng ‘thuốc giảm đau’ nên sẽ không cảm nhận được sự bất ổn của cơ thể. Cho đến khi cơn hưng phấn qua đi cơ thể mới kiệt sức”, ông Nam phân tích.

Theo PGS.TS Trần Thành Nam, khi hiểu được lý do lôi cuốn nhiều đứa trẻ vào game thì bố mẹ, thầy cô mới có thể can thiệp và hỗ trợ có hiệu quả. Bởi việc ra lệnh cấm đối với những học sinh đã ham mê quá mức, có biểu hiện nghiện game là không có tác dụng.

“Khi bị cấm đột ngột, những người nghiện game sẽ có biểu hiện bồn chồn, bứt rứt, bị kích động giận dữ, mất kiểm soát cảm xúc, thậm chí hành động điên rồ dẫn tới hành vi bạo lực với người khác hoặc gây tổn thương cho mình”, một bác sĩ ở Viện sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) trao đổi.

Giải pháp hiệu quả, theo PGS.TS Trần Thành Nam, là cha mẹ cùng trẻ lập kế hoạch “cai nghiện game”: dần thay thế game bằng các hoạt động thể thao, giải trí lành mạnh cùng gia đình, xây dựng kế hoạch, khích lệ để trẻ có được những thành công nhỏ nhất trong cuộc sống thật…

Biến game thành các hoạt động học tập có mục đích lành mạnh cũng là một giải pháp được các chuyên gia đề cập đến. Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là kiểm soát thời gian sử dụng Internet, thiết bị chơi game, giám sát thời gian sinh hoạt trong ngày của trẻ.

Từ kiểm soát “cứng”, cha mẹ có thể dần dần chuyển sang khuyến khích sự tự giác của trẻ, tuy nhiên việc này cần một quá trình.

Khó ngăn khi quán game nhan nhản cạnh trường

Chị Trịnh Hương, có con đang học lớp 10 một trường phổ thông ở Hà Nội, chia sẻ: “Các quán game được mở ở nhiều cổng trường, giá rẻ chỉ vài nghìn đồng/giờ nên học sinh rất dễ tiếp cận. Chưa kể hầu hết các gia đình đều sắm điện thoại thông minh cho con nên các em dễ dàng tải game, chơi game. Gia đình tôi cũng mua điện thoại cho con nhưng bố mẹ thường xuyên để mắt đến. Buổi tối cho con xài để học bài đến 22h30, sau đó phải đưa lại cho bố mẹ. Còn tiền tiêu vặt thì chúng tôi hạn chế cho con”.

Trong khi đó, chị Vũ Thanh Thảo, có em đang học cấp 3 ở Bắc Giang, cho rằng phụ huynh không thể quản lý và đi theo con cả ngày được. “Chỉ có khuyên bảo, nhắc nhở từ từ mới có hiệu quả. Độ tuổi này rất khó bảo, bướng bỉnh nên không thể bắt ép được”, chị Thảo nói.

Về phía nhà trường, ông Cao Thanh Tuấn – hiệu trưởng Trường THPT Quỳnh Lưu 4, Nghệ An – cho biết: “Trong chương trình ngoại khóa, chào cờ đầu tuần, chúng tôi thường xuyên tuyên truyền, yêu cầu các em không chơi game online, tránh tác hại xấu. Tuy nhiên vẫn có những em không chấp hành, việc này rất khó vì ngoài giờ lên lớp các em còn có thời gian ở gia đình. Nếu gia đình không quản lý giờ giấc con em mình thì các em có thể bỏ đi chơi”. (HÀ QUÂN – DOÃN HÒA)

“Đêm nào cũng thấy game”

N.M.A. – cựu học sinh Trường THPT Trần Hữu Trang (Q.5, TP.HCM), chia sẻ từng có giai đoạn nghiện game đến độ học hành sa sút: chỉ sau 1 tháng từ học lực khá, bạn không thể hiểu những kiến thức mới nằm ở mức trung bình.

“Mình ghiền lắm, mọi thứ như chỉ biết tới game. Cả lúc ăn, lúc ngủ, lúc ngồi trên lớp, lúc chạy xe ngoài đường… đầu óc mình cũng nghĩ tới những trận đánh trong trò chơi. Chỉ cần nửa ngày không vào game, mình cảm thấy đầu óc điên cuồng, tay chân ngứa ngáy”, M.A. nhớ lại.

Trưa nào M.A. cũng cùng đám bạn ra quán net “ngồi đồng”, ăn trưa bằng mì gói ngay tại đó. Những buổi tối học thêm, M.A nối dối gia đình đến lớp nhưng lại rẽ vào chơi game đến đúng giờ tan học sẽ về.

Sau 3 tháng thì gia đình phát hiện, cấm M.A. chơi game. M.A. phản kháng quyết liệt, thậm chí dọa sẽ bỏ nhà, bỏ học. Mẹ M.A phải đưa con đến bác sĩ tâm lý để hỗ trợ “cai” game dần dần, đến nửa năm sau thì M.A. dứt hẳn khỏi các trò chơi điện tử và chuyên tâm vào học trở lại.

H.H.N. (SN 2000) – cựu học sinh Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu (Mỹ Tho, Tiền Giang) – cũng nghiện game khi học cấp 3. “Ban đêm mình thức tới 3h sáng, chơi tới khi điện thoại hết pin, sập nguồn mới thôi. Lúc đó, mình có cảm giác cuộc sống trong game mới là thật. Có đoạn mình còn ngủ mơ thấy các nhân vật trong game 6 đêm liền”, N. bùi ngùi nhớ lại. (TRỌNG NHÂN)

VĨNH HÀ
TTO