Học ngành gì để có việc làm ở Vũng Tàu?
Học ngành gì để có việc làm ở Vũng Tàu?
‘Chúng ta có 4 thế mạnh các em cần quan tâm là công nghiệp, cảng biển, du lịch và nông nghiệp công nghệ cao. Tỉnh cũng thúc đẩy giáo dục, chăm sóc sức khỏe’, Bí thư tỉnh uỷ Bà Rịa – Vũng Tàu chia sẻ tại chương trình tư vấn tuyển sinh sáng 13-6.
Hơn 3.000 học sinh đã có mặt tại Trường THPT Châu Thành (Bà Rịa – Vũng Tàu) sáng nay 13-6, tham dự buổi tư vấn đầu tiên của chương trình tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp năm 2020.
Chỉ cần nhân lực chất lượng cao
Trao đổi với các học sinh có mặt tại đây, ông Nguyễn Hồng Lĩnh – bí thư tỉnh ủy, chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, cho biết Thủ tướng Chính phủ vừa về làm việc với địa phương này đã khẳng định Bà Rịa – Vũng Tàu không được phép nhận các dự án có hàm lượng chất xám kém, thâm dụng lao động, mà chỉ được phép thu hút dự án đòi hỏi nhân lực chất lượng cao.
“Điều chắn chắn là chúng ta phải chuẩn bị hành trang để làm chủ nhân vùng đất này. Không thể chấp nhận công dân ở đây nhưng không làm chủ. Muốn làm chủ phải lo học, có kiến thức để chuẩn bị tương lai tươi sáng”, ông Lĩnh nhấn mạnh.
Bí thư Nguyễn Hồng Lĩnh còn cho rằng chủ nhân của Bà Rịa – Vũng Tàu tương lai dứt khoát phải được học hành đàng hoàng, được đào tạo chuyên sâu và đi vào các lĩnh vực tỉnh đang cần. Do vậy học sinh của tỉnh cần xác định cho mình ngành nghề tương lai, nâng cao giá trị bản thân và hiệu quả phục vụ xã hội tốt hơn.
“Chúng ta có bốn thế mạnh các em cần quan tâm là công nghiệp, cảng biển, du lịch và nông nghiệp công nghệ cao. Ngoài ra, tỉnh còn thúc đẩy, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, tỉnh đang nỗ lực đào tạo ra đội ngũ làm giáo dục thật tốt, chăm sóc sức khỏe, hoạt động văn hóa và thể thao để chăm lo người dân”, ông Lĩnh cho biết thêm.
Đầu tuần sau, bắt đầu đăng ký dự thi
ThS Hoàng Thúy Nga – chuyên gia tư vấn đến từ Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT) – đã chia sẻ với học sinh những điểm mới cần lưu ý trong kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học năm nay.
Theo bà Nga, về cơ bản kỳ thi năm nay vẫn như năm trước. Đề thi giảm độ khó so với năm 2019, nội dung chương trình THPT chủ yếu lớp 12 đã được Bộ GD-ĐT giảm tải. Công tác tổ chức thi năm nay giao cho các địa phương phụ trách hoàn toàn, các trường đại học chỉ tham gia công tác thanh tra.
Từ ngày 15-6, thí sinh sẽ bắt đầu đăng ký dự thi, cùng đăng ký xét tuyển. Kết quả thi sẽ được công bố trước 27-8. Trên cơ sở đó, Bộ GD-ĐT cũng công bố phổ điểm để các trường xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào.
Bộ GD-ĐT cũng sẽ xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu ngành sư phạm và nhóm ngành khoa học sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề. Các trường tự xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với các ngành khác.
“Sau ngày 27-8, thí sinh cần tìm hiểu các thông tin về ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào để điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển”, bà Nga lưu ý.
Về tuyển sinh, các trường được tự chủ trong xác định phương thức tuyển sinh: xét điểm thi tốt nghiệp, học bạ, đánh giá năng lực, ngoại ngữ…
Từ năm 2020, đối với nhóm ngành đào tạo giáo viên chỉ tuyển bậc cao đẳng giáo dục mầm non và đại học, còn bậc trung cấp các ngành khác sẽ không tuyển nữa.
Tại buổi tư vấn này, thí sinh Bà Rịa – Vũng Tàu cũng đã được các chuyên gia hướng dẫn chi tiết cách làm hồ sơ đăng ký dự thi và đăng ký xét tuyển. Các chuyên gia lưu ý thí sinh không được dùng bộ hồ sơ của năm trước nữa do kỳ thi năm nay được đổi thành kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Đồng thời, đại diện các trường đã giải đáp thắc mắc của thí sinh về các phương thức xét tuyển, chọn ngành, học phí và các chính sách ưu tiên trong tuyển sinh.