23/12/2024

Cắt giảm, đơn giản hoá 3.893 điều kiện kinh doanh

Cắt giảm, đơn giản hoá 3.893 điều kiện kinh doanh

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Chính phủ đã cắt giảm, đơn giản hóa 3.893/6.191 điều kiện kinh doanh và 6.776/9.926 danh mục mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành cùng 30/120 thủ tục hành chính.
Người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến tại UBND Q.1, TP.HCM /// Ảnh: Ngọc Dương
Người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến tại UBND Q.1, TP.HCM ẢNH: NGỌC DƯƠNG
Chiều 12.6, Văn phòng Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến giới thiệu Cổng dịch vụ công quốc gia và những lợi ích cho doanh nghiệp tại điểm cầu TP.HCM.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, đây là lần thứ 2 Văn phòng Chính phủ và Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính tổ chức để thông tin tới cộng đồng doanh nghiệp về lợi ích của dịch vụ công quốc gia, chương trình cắt giảm quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 – 2025.
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Chính phủ đã cắt giảm, đơn giản hóa 3.893/6.191 điều kiện kinh doanh và 6.776/9.926 danh mục mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành cùng 30/120 thủ tục hành chính liên quan kiểm tra chuyên ngành.
Qua đó đã cắt giảm, đơn giản hóa hơn 18 triệu ngày công, tương đương với 6.300 tỉ đồng/năm. Hiện các bộ ngành lên phương án xử lý chồng chéo đối với 1.051 mặt hàng. Sắp tới, Chính phủ tiếp tục thực hiện thủ tục hải quan điện tử phù hợp chuẩn mực quốc tế, đồng thời cải cách kiểm tra chuyên ngành theo hướng giao hải quan là đầu mối duy nhất kiểm tra chuyên ngành cửa khẩu, các bộ ngành liên quan thực hiện công tác hậu kiểm.
Bên cạnh đó, Nghị định số 45 ngày 8.4.2020 về thực hiện thủ tục hành chính là lần đầu tiên ghi nhận giá trị pháp lý của thủ tục trực tuyến, kết quả giải quyết thủ tục hành chính điện tử, công nhận chữ ký số của doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp giảm hồ sơ giấy, xác định các quy trình, giao dịch của cơ quan nhà nước, thúc đẩy giao dịch điện tử, tạo tiền đề cho nền kinh tế số. Từ tháng 7.2020, thủ tục xác thực bản sao từ bản chính trên Cổng dịch vụ công quốc gia sẽ được áp dụng trên toàn quốc.
Tính đến ngày 11.6, Cổng dịch vụ công quốc gia thu hút khoảng 42,5 triệu lượt người truy cập với hơn 164.000 tài khoản đăng ký, sử dụng 512 dịch vụ công trực tuyến, trong đó có 288 dịch vụ công cho doanh nghiệp. Dù vậy, số tài khoản doanh nghiệp vẫn còn khá khiêm tốn với 1.729 tài khoản. Do đó, ông Dũng đề nghị các doanh nghiệp mạnh dạn sử dụng dịch vụ công.
Theo ông Hà Phước Thắng, Chánh văn phòng UBND TP.HCM, đến nay đã đưa 26 dịch vụ công kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia với các lĩnh vực như: lý lịch tư pháp, đăng ký khai sinh, thông báo hoạt động khuyến mãi, thủ tục đăng ký hộ kinh doanh, đăng ký thuế, cấp đổi giấy phép lái xe. Dự kiến từ nay đến cuối năm, TP.HCM sẽ kết nối hơn 300 dịch vụ công lên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Trung tá Đinh Thế Anh, Phó cục trưởng Cục CSGT – Bộ Công an, cho hay đã đưa 2 dịch vụ công lên Cổng dịch vụ công quốc gia, trong đó có thủ tục nộp tiền vi phạm. Sau khi thí điểm tại 5 địa phương, dự kiến ngày 30.6, Cục CSGT sẽ nhân rộng trên phạm vi cả nước, trong đó sẽ thực hiện ở cấp phòng CSGT cấp tỉnh trước, sau đó đến CSGT cấp quận huyện. Cục CSGT cũng đề nghị Bộ GTVT chia sẻ dữ liệu về giấy phép lái xe, đăng kiểm, thiết bị giám sát hành trình trong việc kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm về trật tự, an toàn giao thông.
SỸ ĐÔNG
TNO