23/12/2024

Tư vấn mùa thi: Học công nghệ thông tin được hưởng cơ chế đặc thù

Tư vấn mùa thi: Học công nghệ thông tin được hưởng cơ chế đặc thù

Cơ hội việc làm sau khi ra trường là một vấn đề được thí sinh quan tâm nhiều nhất trong các chương trình Tư vấn mùa thi của Báo Thanh Niên.
Nhóm ngành công nghệ thông tin được hưởng ưu đãi đặc thù /// Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Nhóm ngành công nghệ thông tin được hưởng ưu đãi đặc thù ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH
Điều này càng thể hiện rõ trong chương trình tư vấn mùa thi được truyền hình trực tiếp trên Đài phát thanh – truyền hình Đắk Nông, đồng thời trực tuyến trên thanhnien.vn, Facebook.com/thanhnien và kênh YouTube Báo Thanh Niên.

Ưu tiên ra sao?

Một thí sinh đặt câu hỏi tới chương trình: “Ngành công nghệ thông tin được hưởng ưu tiên trong đào tạo, nếu trúng tuyển sẽ được ưu tiên như thế nào?”.
Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, cho biết từ năm 2018, nhóm ngành công nghệ thông tin và du lịch được hưởng cơ chế đặc thù. Thí sinh trúng tuyển các ngành khác được phép chuyển qua hai ngành này học.
Các doanh nghiệp cùng tham gia vào quá trình đào tạo, giảng dạy, tuyển dụng việc làm. Ở nhóm ngành nói trên có 40% giảng viên từ lực lượng doanh nghiệp. Theo tiến sĩ Nhân, có sự ưu đãi đặc thù này bởi đây là hai nhóm ngành có nhu cầu lao động rất lớn.
Tiến sĩ Nhân cũng cho biết riêng ngành công nghệ thông tin, nhu cầu lao động sẽ còn rất lớn trong 5 – 10 năm nữa.
“Sinh viên tốt nghiệp, chúng tôi muốn giữ lại để làm giảng viên với mức lương 14 – 15 triệu đồng/tháng, nhưng không giữ được ai. Bởi các sinh viên giỏi có công việc bên ngoài với mức thu nhập còn tốt hơn nữa. Dù nhu cầu ngành này rất lớn, nhưng tôi khuyên các em để học được cần có nền tảng, đừng chỉ có đam mê không thì rất khó ra trường”, tiến sĩ Nhân nhắn gửi.
Một thí sinh khác gửi tới chương trình câu hỏi: “Ngành khoa học máy tính có giống ngành công nghệ thông tin? Học ngành này sẽ thực hành như thế nào?”. Thạc sĩ Cao Quảng Tư, Giám đốc tuyển sinh Trường ĐH quốc tế Sài Gòn, cho biết ngành khoa học máy tính sẽ cần nghiên cứu nhiều hơn. “Năm nay trường có 2 chuyên ngành mới của khoa học máy tính, đó là an ninh mạng và mạng máy tính. Để theo học khối ngành này cần nền tảng tiếng Anh tốt, tư duy logic tốt để không bị “đuối”, học lực môn toán phải từ 6,5 trở lên, chứ dưới 6,0 thì khó để theo đuổi”, thạc sĩ Cao Quảng Tư cho hay.

Học ngành gì để có việc làm tại quê nhà?

Một học sinh ở Đắk Nông đặt câu hỏi: “Em muốn sau khi học ĐH xong sẽ về quê hương để làm việc, em muốn học khối ngành công nghệ, nhưng nên chọn ngành nào?”. Thầy Vũ Quang Huy, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cho hay để học khối ngành công nghệ, các em không chỉ cần giỏi mà cần có các tố chất như sự kiên trì, nhẫn nại, tập trung cao độ, cẩn thận, tỉ mỉ. Song song với việc học, các em sẽ được thực hành sớm. Các thí sinh ở Đắk Nông, có thể học các ngành công nghệ sinh học, công nghệ thực phẩm”.
Một bạn trẻ đặt câu hỏi: “Ngành kỹ thuật dược khác gì ngành dược, ra trường làm gì?”. Thạc sĩ Phạm Thanh Bình, Giám đốc Trung tâm hợp tác doanh nghiệp và giới thiệu việc làm Trường CĐ Đại Việt Sài Gòn, tư vấn: “Kỹ thuật dược học bào chế, nghiên cứu, ra trường không được kinh doanh bán thuốc, còn dược sĩ sẽ học tổng quan hơn, ra trường sẽ được phép kinh doanh bán thuốc.

Chọn ngành trước, chọn trường sau

Đó là những lưu ý của các chuyên gia tư vấn trong chương trình. Thạc sĩ Phạm Thanh Bình lưu ý học sinh nên tìm hiểu ngành sẽ đăng ký theo sở thích, đam mê, năng lực. Chọn ngành là tiên quyết, sau đó hãy tìm hiểu thông tin và chọn trường. Không nên làm ngược lại.
Cùng quan điểm này, thầy Vũ Quang Huy lưu ý thêm hiện nay cơ hội trúng tuyển ĐH của các thí sinh rộng mở hơn rất nhiều, nên hãy suy nghĩ chọn ngành nghề phù hợp.
Còn thạc sĩ Cao Quảng Tư khuyến khích các thí sinh nên quan tâm chính sách học bổng ở các trường, nhất là các em học giỏi nhưng gặp rào cản kinh tế.

Nên nộp sớm nếu xét tuyển học bạ

Một thí sinh quê Đắk Nông hỏi: “Em muốn học ở Đà Nẵng thì nên làm như thế nào?”. Tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân, nói nhà trường có đào tạo 30 ngành, gần 68 chuyên ngành. Theo thống kê, nhiều thí sinh ở Đắk Nông chọn hình thức xét tuyển bằng điểm thi THPT và bằng học bạ THPT.
“Năm nay, cách xét học bạ sẽ thuận lợi cho các em ở xa. Lưu ý, điểm trúng tuyển đợt xét học bạ thứ 2 phải cao hơn đợt 1, vì thế lời khuyên của chúng tôi tới các em là nếu xác định xét tuyển học bạ thì nên nộp sớm”.
THUÝ HẮNG
TNO