26/12/2024

Giảm những ‘ông vua’ tiền mặt

Giảm những ‘ông vua’ tiền mặt

Dù Chính phủ đã có nghị quyết về thúc đẩy thanh toán không tiền mặt nhưng tại nhiều cơ quan cung cấp dịch vụ công, người dân vẫn vất vả xếp hàng, đi lại nhiều và than trời vì “những ông vua tiền mặt”.

 

Giảm những ông vua tiền mặt - Ảnh 1.

Cảnh phụ huynh phải xếp hàng nộp học phí cho con tại các trường học hiện vẫn phổ biến – Ảnh: Như Hùng
Chị Nguyễn Thị Hằng (Hà Đông, Hà Nội) kể sáng 7-6 nhận được thông báo số tiền ăn bán trú của con, nhà trường vẫn thu bằng tiền mặt nên chị phải xin về sớm 30 phút.

Gian nan nộp học phí, thuế nhà đất

Trường có hơn 2.000 học sinh mà thời gian thu tiền ăn cuối buổi chiều chỉ từ ngày 5 đến ngày 10 hằng tháng. Trời Hà Nội đang cao điểm nóng, phụ huynh rồng rắn xếp hàng, ký đến 3 chữ ký và còn vấn đề có hay không có tiền lẻ. “Hội phụ huynh đề nghị thu bằng chuyển khoản đã 2 năm nay mà vẫn chưa triển khai được” – chị Hằng mệt mỏi nói.

Đi nộp thuế trước bạ cũng là nỗi ám ảnh với nhiều người. Tổng cục Thuế cho biết đã thí điểm dịch vụ nộp lệ phí trước bạ điện tử với ôtô, xe máy ở Hà Nội và TP.HCM từ ngày 12-3. Tuy nhiên đến nay sau gần 3 tháng áp dụng, trao đổi với Tuổi Trẻ, một số chi cục thuế tại TP.HCM cho biết nộp lệ phí theo phương thức điện tử nhưng giấy tờ vẫn phải nộp bản giấy nên nhiều cá nhân vẫn phải chọn cách nộp lệ phí trực tiếp thay vì một bước điện tử, một bước giấy.

Với cá nhân nộp các loại thuế nhà đất cũng gặp khó. Chị Ngọc Giàu (Cần Thơ) cho biết vừa làm hai bộ hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất, được ra thông báo phải nộp hơn 471 triệu đồng, yêu cầu nộp tại chi nhánh một ngân hàng quốc doanh ở Cần Thơ. Tưởng có thể nộp tại phòng giao dịch bất kỳ, miễn là thuộc ngân hàng đó, nhưng đến nơi thì nhân viên từ chối.

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, hiện với các khoản thu nhà đất, địa phương sẽ ký hợp đồng và mở tài khoản với chi nhánh ngân hàng nhất định. Người dân phải đóng đúng nơi mà cơ quan nhà nước chỉ định chứ không liên thông, dẫn đến chuyện dở khóc dở cười là như một người sống tại Thủ Đức, TP.HCM nhưng bán đất ở Nhà Bè thì phải nộp thuế tại chi nhánh ở Nhà Bè.

Cũng thuế trên, nếu người dân chọn chuyển khoản nhưng khi đó sẽ phải qua nhiều bước và thông thường phải sau 3 ngày làm việc mới hoàn tất các bước (nếu rơi vào cuối tuần thì phải mất 5 ngày).

Người dân cần được nộp thuế, phí dễ hơn

Về thanh toán đối với dịch vụ công, ông Phạm Tiến Dũng – vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước – cho biết 4 năm trở lại đây, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt tiếp tục phát triển tích cực. Tuy nhiên, tại chỉ thị 22, Chính phủ nhấn mạnh tỉ lệ tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán vẫn còn cao, tính đến cuối năm 2019 là 11,33%. Việc triển khai thanh toán không dùng tiền mặt, nhất là trong lĩnh vực y tế, giáo dục còn khiêm tốn.

Theo lãnh đạo Vụ Thanh toán, để đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng với các dịch vụ công và chi trả các chương trình an sinh xã hội, các bộ, ngành, cơ quan quản lý cần tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và cơ chế về thanh toán qua ngân hàng nhằm tạo thuận lợi cho các ngân hàng trong cung ứng các sản phẩm dịch vụ công nghệ mới, các dịch vụ thanh toán phù hợp.

Do tốn kém thời gian và chi phí lớn, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng, đề nghị “không thể kêu gọi, khuyến khích nữa, mà phải chế tài người đứng đầu cơ sở trường học, bệnh viện… nếu vẫn thu học phí, viện phí, thuế, phí… bằng tiền mặt”.

Chưa thực hiện nghiêm nghị quyết Chính phủ

Tại nghị quyết 02 năm 2019, Chính phủ yêu cầu chủ tịch UBND tỉnh, thành chỉ đạo hoàn thành trước tháng 12-2019 về 100% trường học, bệnh viện, công ty điện, cấp nước, công ty vệ sinh môi trường, công ty viễn thông, bưu chính ở đô thị thu viện phí, học phí, tiền điện… không dùng tiền mặt.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia ngân hàng, thực tế một số trường công lập, bệnh viện, công ty cấp nước… ở Hà Nội và các thành phố lớn vẫn thu tiền mặt.

Tại chỉ thị 22, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Y tế hoàn thành trước ngày 1-7 việc chỉ đạo, hướng dẫn các bệnh viện thu viện phí không tiền mặt. Với học phí, Bộ Giáo dục và đào tạo cũng phải hoàn thành trước ngày 1-7-2020.

Ông THOMAS WILLIAM TOBIN (giám đốc khối bán lẻ Vietcombank):

Ngân hàng đã chủ động, các đơn vị khác cần quyết liệt

ong thomas wiliam tobin- vietcombank 3(read-only)

Vietcombank đã được Chính phủ lựa chọn góp phần xây dựng mô hình thanh toán trực tuyến cho Cổng dịch vụ công quốc gia và chúng tôi hiện là ngân hàng duy nhất cung cấp dịch vụ thanh toán thuế cá nhân và thuế trước bạ theo hình thức đăng nhập một lần (Single Sign On) trên Cổng dịch vụ công quốc gia.

Với các bộ, ban/ngành và địa phương, Vietcombank đang tiếp cận và hỗ trợ cung cấp giải pháp thanh toán, kết nối cổng thanh toán, tích hợp các dịch vụ công. Tuy nhiên, để không thu học phí, viện phí bằng tiền mặt ở tất cả cơ sở công lập, các bên liên quan đều cần vào cuộc quyết liệt hơn nữa, nâng cấp hạ tầng công nghệ, quản lý thông tin, dữ liệu học sinh, bệnh nhân để đảm bảo khả năng kết nối.

Trong lĩnh vực y tế, Vietcombank đang cung cấp dịch vụ cho các bệnh viện lớn. Đại học Quốc gia TP.HCM cũng vừa ký với chúng tôi phát hành thẻ và cung cấp giải pháp thanh toán học phí điện tử.

L.THANH ghi

A.HỒNG – L.THANH
TTO