24/12/2024

Kiến nghị sớm làm 2 đường vành đai kết nối TP.HCM với các tỉnh lân cận

Kiến nghị sớm làm 2 đường vành đai kết nối TP.HCM với các tỉnh lân cận

UBND TP.HCM vừa có văn bản báo tình hình xây dựng các tuyến đường vành đai, trong đó kiến nghị Bộ Giao thông vận tải sớm triển khai dự án đường vành đai 3 và 4 với tổng mức đầu tư hơn 154.000 tỉ đồng kết nối vùng, giảm ùn tắc.

 

Kiến nghị sớm làm 2 đường vành đai kết nối TP.HCM với các tỉnh lân cận - Ảnh 1.

Sơ đồ các tuyến đường vành đai 2, 3 và 4 – Nguồn: Sở Giao thông vận tải TP.HCM

Cụ thể, hai tuyến đường vành đai 3 và 4 có vai trò quan trọng trong giải quyết giao thông đi lại, kết nối kinh tế, chính trị và xã hội giữa TP.HCM và các tỉnh lân cận.

Cả hai dự án đã được Thủ tướng phê duyệt quy hoạch 10 năm trước nhưng tiến độ triển khai chậm. Cho đến nay, đường vành đai 3 mới làm được một đoạn ngắn (16 km), còn đường vành đai 4 vẫn chưa triển khai.

Theo UBND TP, đường vành đai 3 dài gần 90 km, gồm 4 đoạn với tổng vốn khoảng 55.805 tỉ đồng, đi qua 4 địa phương. Điểm đầu của tuyến bắt đầu từ đường cao tốc Bến Lức – Long Thành, sau đó đi qua Đồng Nai, TP.HCM, Bình Dương và Long An. Điểm cuối giao với đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương và đường cao tốc Bến Lức – Long Thành.

Trong đó, hiện chỉ có đoạn Tân Vạn – Bình Chuẩn (Bình Dương) dài 16 km được đầu tư, đây là đoạn được đánh giá rất cần thiết để kéo giảm kẹt xe. Phần còn lại của dự án, đoạn Nhơn Trạch – Tân Vạn (gần 35 km), vẫn chưa được triển khai do không xác định được nguồn vốn đầu tư.

Còn đường vành đai 4 dài 198 km đi qua Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai, TP.HCM với tổng mức đầu tư sơ bộ khoảng 99.000 tỉ đồng. Trong đó, đoạn Phú Mỹ – Trảng Bom (45,5 km, vốn 21.000 tỉ đồng), Trảng Bom – quốc lộ 13 (gần 52 km, vốn 24.000 tỉ đồng), quốc lộ 13 – quốc lộ 22 (gần 23 km, vốn 11.000 tỉ đồng), quốc lộ 22 – Bến Lức (dài 41,6 km, vốn 23.000 tỉ đồng), Bến Lức – Hiệp Phước (gần 36 km, vốn 20.000 tỉ đồng).

Đối với đường này, mới chỉ có đoạn Bến Lức – Hiệp Phước dài 35,8 km đang được Tổng công ty Đầu tư phát triển và quản lý hạ tầng giao thông Cửu long nghiên cứu đề xuất đầu tư. Các đoạn còn lại chưa triển khai nghiên cứu.

Trước thực tế đó, UBND TP đánh giá, sau khi hoàn thành, vành đai 3 sẽ kết nối quốc lộ 1, quốc lộ 22 với các tuyến cao tốc Bến Lức – Long Thành; TP.HCM – Trung Lương, TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, TP.HCM – Mộc Bài.

Giải pháp này tăng liên kết vùng, rút ngắn thời gian đi lại giữa các tỉnh; hạn chế xe vào trung tâm thành phố, giảm ùn tắc, tai nạn giao thông; thúc đẩy kinh tế vùng phía Nam, hình thành mạng lưới giao thông hoàn chỉnh hơn.

Đường vành đai 4 còn có vai trò thúc đẩy tính kết nối liên vùng (trong đó có kết nối đến Khu đô thị cảng Hiệp Phước) giúp phát triển kinh tế, xã hội của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và Đồng bằng sông Cửu Long.

Do đó, để sớm hoàn thành dự án, Tổng công ty Đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long (CIPM Cửu Long) – đơn vị thay mặt Bộ GTVT quản lý dự án – kiến nghị đầu tư theo hình thức đối tác công – tư (PPP) có sự hỗ trợ của Nhà nước.

Các đơn vị tập trung đẩy nhanh thủ tục, tiến độ để khép kín vành đai 3 trong giai đoạn 2020 – 2025.

Còn đối với đường vành đai 4, TP kiến nghị đẩy nhanh tiến độ triển khai công tác chuẩn bị đầu tư với từng đoạn tuyến. Trong năm 2020 – 2025 phải thông qua chủ trương đầu tư để có cơ sở xác định ranh giải phóng mặt bằng, kêu gọi vốn đầu tư, triển khai xây dựng sau 2025.

THU DUNG – ĐỨC PHÚ
TTO