25/12/2024

Học sinh Hà Nội ‘cân não’ khi đăng ký dự thi lớp 10

Học sinh Hà Nội ‘cân não’ khi đăng ký dự thi lớp 10

Đây là thời điểm “quyết định” với  học sinh lớp 9 khi chính thức nộp hồ sơ đăng ký dự thi vào lớp 10 THPT công lập. Đại diện Sở GD-ĐT Hà Nội đưa ra những lưu ý để học sinh không lựa chọn sai lầm.
Học sinh cần cân nhắc rất kỹ trước khi nộp phiếu đăng ký dự tuyển vào lớp 10 ở Hà Nội /// ẢNH NGỌC THẮNG
Học sinh cần cân nhắc rất kỹ trước khi nộp phiếu đăng ký dự tuyển vào lớp 10 ở Hà Nội  ẢNH NGỌC THẮNG
Theo kế hoạch tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2020-2021 đã được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập không chuyên tại Hà Nội diễn ra vào ngày 17 và 18.7.2020, với 3 bài thi gồm: ngữ văn, ngoại ngữ và toán. Trong đó, bài thi ngữ văn và toán thi theo hình thức tự luận, bài thi ngoại ngữ thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan.
Nếu học sinh có nguyện vọng dự thi vào lớp 10 chuyên, ngoài việc dự thi các môn nói trên thì phải dự thi thêm các bài thi môn chuyên vào chiều 18.7 và sáng ngày 19.7. Nếu học sinh có nguyện vọng dự thi vào lớp 10 chương trình song bằng thì phải dự thi thêm các bài thi theo chuẩn CAIE vào ngày 20.7, và nếu đạt điều kiện sẽ dự phỏng vấn vào ngày 1.8.2020.
Theo tính toán của Sở GD-ĐT Hà Nội, toàn thành phố sẽ đáp ứng khoảng hơn 60% học sinh tốt nghiệp THCS vào lớp 10 THPT công lập. Do vậy, với học sinh và gia đình có nguyện vọng hàng đầu cho con vào học trường THPT công lập, cần tính toán, cân nhắc rất kỹ khi lựa chọn nguyện vọng dự tuyển.

Lưu ý về khu vực tuyển sinh

Ngoài quy định chung về độ tuổi, Sở GD-ĐT Hà Nội quy định, để dự tuyển vào trường THPT công lập, học sinh hoặc bố, mẹ của học sinh phải có hộ khẩu thường trú tại Hà Nội. Để làm căn cứ cho việc đăng ký nguyện vọng dự tuyển, toàn thành phố được phân chia thành 12 khu vực tuyển sinh. Học sinh, hoặc bố, mẹ học sinh có hộ khẩu thường trú ở khu vực tuyển sinh nào được đăng ký nguyện vọng dự tuyển vào 2 trường THPT công lập trong khu vực tuyển sinh đó.
Học sinh đăng ký dự tuyển vào lớp 10 chuyên tại các trường THPT chuyên và các trường THPT có lớp chuyên, vào lớp 10 chương trình song bằng, vào các trường THPT công lập tự chủ tài chính hoặc trường THPT ngoài công lập… thì không phải áp dụng quy định về khu vực tuyển sinh. Các trường này được phép tuyển học sinh trên toàn địa bàn thành phố.

“Cân não” khi chọn nguyện vọng

Ông Phạm Quốc Toản, Trưởng phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng, Sở GD-ĐT Hà Nội, cho biết học sinh được đăng ký dự tuyển vào 2 trường THPT công lập ở cùng một khu vực tuyển sinh, nhưng cần lưu ý là 2 trường này phải được xếp theo thứ tự ưu tiên là nguyện vọng 1 và nguyện vọng 2. Học sinh muốn nhập học tại trường đăng ký nguyện vọng 2 phải có điểm xét tuyển cao hơn điểm chuẩn của trường ít nhất 1,5 điểm.
Học sinh đã trúng tuyển nguyện vọng 1 sẽ không được xét tuyển nguyện vọng 2. Khi hạ điểm chuẩn, nhà trường chỉ nhận học sinh đăng ký nguyện vọng 1, không nhận học sinh đăng ký nguyện vọng 2. “Đây là quy định mà các em cần nắm vững, cân nhắc kỹ để quyết định đăng ký, sắp xếp nguyện vọng dự tuyển phù hợp”, ông Toản nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, ông Toản cũng nhắc nhở học sinh cần lưu ý, khi đã trúng tuyển vào trường THPT công lập thì phải học ổn định hết cấp học tại trường THPT đó. Trường hợp đặc biệt phát sinh trong quá trình học tập cần chuyển trường thì phải được Giám đốc Sở GD-ĐT xem xét, phê duyệt.
Ngoài ra, học sinh phải lưu ý điều kiện để đăng ký ngoại ngữ học tại trường THPT bảo đảm nối tiếp chương trình đã học ở cấp trung học cơ sở theo đúng quy định của Bộ GD-ĐT.

Làm gì sau khi biết “tỷ lệ chọi”?

Ông Phạm Quốc Toản cho biết, nhằm bảo đảm quyền lợi cho học sinh, Sở GD-ĐT Hà Nội cho phép học sinh có thể thay đổi nguyện vọng dự tuyển một lần.
Cụ thể, học sinh muốn thay đổi nguyện vọng dự tuyển nộp đơn (có mẫu) tại các phòng GD-ĐT trong 2 ngày 24 và 25.6.2020. Trước đó, vào ngày 23.6.2020, Sở GD-ĐT sẽ công bố công khai số lượng học sinh đăng ký dự tuyển vào lớp 10 của từng trường THPT.
Căn cứ vào số lượng học sinh đăng ký dự tuyển vào lớp 10 của từng trường khi so sánh với chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 mà trường đó được Sở GD-ĐT giao, học sinh sẽ tính toán được “tỷ lệ chọi” mà trường mình đăng ký dự tuyển.
Nhiều năm nay, học sinh thường căn cứ vào con số này để quyết định có thay đổi nguyện vọng hay không. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng lưu ý “tỷ lệ chọi” chỉ là một trong những thông tin học sinh cần tham khảo vì thực tế, những trường vốn có điểm chuẩn “top” đầu, dù tỷ lệ chọi không quá cao nhưng không vì thế mà cuộc chạy đua vào trường giảm căng thẳng.
Nguyên nhân là những học sinh phải thực sự giỏi, có “phong độ” học tập ổn định mới đủ tự tin để đăng ký dự thi vào những trường top đầu. Vì vậy, cuộc “đua” giữa những học sinh giỏi, tuy không cạnh tranh gay gắt về số lượng nhưng cũng rất áp lực bởi chất lượng của những người dự thi.

Hồ sơ dự tuyển gồm những gì?

Hướng dẫn của Sở GD-ĐT Hà Nội quy định, hồ sơ dự tuyển vào lớp 10 của học sinh, gồm: phiếu đăng ký dự tuyển vào lớp 10 THPT năm học 2020-2021; bản sao giấy khai sinh; bằng tốt nghiệp trung học cơ sở hoặc bổ túc THCS hoặc Giấy chứng nhận tốt nghiệp THCS tạm thời (đối với học sinh tốt nghiệp THCS năm học 2019-2020); học bạ THCS (bản chính); hộ khẩu thường trú hoặc xác nhận của công an cấp phường, xã, thị trấn về nơi cư trú của học sinh tại địa bàn;
Giấy xác nhận chế độ ưu tiên do cơ quan có thẩm quyền cấp, giấy cho phép được học vượt lớp, vào học sớm hoặc muộn so với quy định chung ở cấp học dưới (nếu có);
Ngoài ra, đối với thí sinh tự do (là thí sinh đã tốt nghiệp THCS chương trình giáo dục phổ thông hoặc chương trình giáo dục thường xuyên từ những năm học trước), phải có giấy xác nhận “không trong thời gian thi hành án phạt tù, cải tạo không giam giữ hoặc vi phạm pháp luật” do chính quyền cấp xã, phường nơi cư trú cấp
Nộp đăng ký dự tuyển chậm nhất ngày 12.6 
Học sinh nộp phiếu đăng ký dự tuyển chậm nhất vào ngày 12.6.2020 tại trường nơi đang học lớp 9. Từ ngày 18.6 đến ngày 20.6.2020, học sinh xem danh sách dự tuyển tại các cơ sở giáo dục nơi học sinh đang học (thí sinh tự do, thí sinh tỉnh ngoài xem tại phòng giáo dục và đào tạo nơi thí sinh nộp hồ sơ dự tuyển).
Học sinh kiểm tra toàn bộ thông tin cá nhân, nguyện vọng đăng ký, điểm ưu tiên…, nếu có sai sót đề nghị cơ sở giáo dục sửa chữa kịp thời.
TUỆ NGUYỄN
TNO