25/12/2024

Cựu cố vấn Nhà Trắng: ‘Ông Trump cứng với Iran để ngăn Trung Quốc ở Trung Đông’

Cựu cố vấn Nhà Trắng: ‘Ông Trump cứng với Iran để ngăn Trung Quốc ở Trung Đông’

Đây là ý kiến của Richard Goldberg, người giám sát tình hình hạt nhân Iran khi còn phục vụ Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ (NSC) từ năm 2019-2020.

 

Cựu cố vấn Nhà Trắng: Ông Trump cứng với Iran để ngăn Trung Quốc ở Trung Đông - Ảnh 1.

Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh áp lệnh trừng phạt mới lên Iran ngày 24-6-2019 – Ảnh: REUTERS

Trước đây, sự hiện diện của Mỹ tại khu vực Trung Đông đã từng bị hoài nghi dưới thời Tổng thống Donald Trump. Theo ưu tiên của Chiến lược an ninh quốc gia Mỹ 2017, chính quyền ông Trump được biết đã chuyển trọng tâm sang các cường quốc cạnh tranh như Nga và Trung Quốc.

Hiện nay, sự xuất hiện của đại dịch do virus corona chủng mới gây ra (COVID-19) lại càng thúc đẩy sự dịch chuyển trong chiến lược ấy.

Tủy vậy, ông Goldberg cho rằng chiến dịch “gây áp lực tối đa” lên Iran sẽ tiếp diễn như một phần của cuộc cạnh tranh toàn cầu với Trung Quốc.

Phát biểu tại một diễn đàn báo cáo về tình hình hạt nhân Iran của Liên Hiệp Quốc ngày 8-6 (giờ địa phương), ông Goldberg đặt vấn đề rằng bản thân Nga và Trung Quốc cũng muốn tạo ảnh hưởng lên khu vực Trung Đông thông qua Iran. Vì vậy cái mà người Mỹ đang làm với Iran và Trung Quốc thực tế đang cùng phục vụ cùng một mục tiêu.

“Ai đang muốn kiểm soát Iran, biến Iran thành một quốc gia phụ thuộc, đặt chỗ đứng vững chắc chiến lược ở Trung Đông thông qua Iran? Đó là Nga và Trung Quốc”, ông Goldberg nói.

Vị chiến lược gia này cũng cho rằng không riêng chính quyền ông Trump, hiện nay nếu ứng viên Đảng Dân chủ Joe Biden đắc cử, ông này cũng sẽ đưa vấn đề Iran vào chương trình nghị sự.

Cụ thể, việc gây áp lực lên Iran của chính quyền ông Trump sẽ giúp “một chính quyền tiềm năng của Biden làm mới chính sách, gặt hái đòn bẩy tối đa cho sự gắn kết với Iran năm sau”.

Cần biết rằng ông Biden là cựu phó tổng thống Mỹ dưới thời ông Barack Obama, trong khi chính quyền ông Obama là những người đã nỗ lực ký thỏa thuận hạt nhân Iran, góp công lớn thúc đẩy bình thường hóa quan hệ giữa Washington và Tehran.

Có điều sau này ông Trump đã lật ngược chính sách ấy. Thậm chí ngoài yếu tố kinh tế, nước Mỹ dưới thời ông Trump có các động thái quân sự như vụ giết tướng Iran Qassim Suleimani vài tháng trước.

Tham gia diễn đàn hạt nhân Iran nêu trên còn có Behnam Ben Taleblu, nhà nghiên cứu cấp cao tại Quỹ Quốc phòng dân chủ.

Theo ông Taleblu, việc đối đầu với Iran cũng sẽ là một dạng ví dụ cho Nga và Trung Quốc trong tương lai. Ông nói: “Đây là nhân tố của khu vực đối với cuộc cạnh tranh siêu cường. Các đối thủ của chúng tôi đang nghiên cứu cách chúng tôi đương đầu với những đối thủ khác”.

NHẬT ĐĂNG
TTO