25/12/2024

Cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu

Cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu

Việt Nam ‘đón đại bàng’ đến đầu tư mở ra cơ hội cho doanh nghiệp nội tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu…
Dệt may - ngành được cho sẽ hưởng lợi lớn khi có EVFTA /// Ảnh: Ngọc Thắng
Dệt may – ngành được cho sẽ hưởng lợi lớn khi có EVFTA  ẢNH: NGỌC THẮNG
Việc các tập đoàn lớn dịch chuyển chuỗi sản xuất khỏi Trung Quốc cộng với Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam – EU (EVIPA) dự kiến có hiệu lực từ tháng sau được coi là cơ hội để Việt Nam “đón đại bàng” đến đầu tư cũng như mở ra cơ hội cho doanh nghiệp nội tham gia chuỗi cung ứng mới.

Doanh nghiệp nội vươn ra toàn cầu

Sau một thập niên nhập linh kiện về lắp ráp ô tô bán cho người Việt, thời gian gần đây, những lô hàng ô tô nguyên chiếc lẫn linh kiện đã được Tập đoàn Thaco Trường Hải xuất đi, thậm chí xuất cả cho những nhà máy sản xuất ô tô của các ông lớn như Mazda, Kia đóng trong khu vực.
Muốn tăng tốc độ của xe thì đầu tiên phải có đường đẹp, rộng rãi; thứ hai là có cách điều hành hợp lý; thứ ba mới tới yếu tố xe tốt. Chứ còn có mua siêu xe mà chạy đường làng, toàn ổ trâu, ổ gà thì làm sao xe chạy nhanh được
Ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Tập đoàn dệt may (Vinatex)
Đại diện của Thaco kể công ty này ban đầu dự tính hằng năm tự sản xuất khoảng 30.000 bộ cản xe cho số xe Kia Sorento mà Thaco bán tại Việt Nam. Kia đồng ý, song ban đầu chỉ cho Thaco thương thảo với nhà cung cấp cản xe, sau đó Thaco mới được tự sản xuất. Nhưng sau đó, do sản phẩm tốt, giá cạnh tranh, chính nhà cung cấp này đã quay lại đặt hàng để bán sản phẩm này cho một số nhà lắp ráp khác. Vị này cho biết Thaco đã có nhiều linh kiện được tham gia chuỗi sản phẩm của các hãng xe toàn cầu. “Chúng ta phải đi từ những sản phẩm dễ, có lợi thế rồi mới tiếp cận các sản phẩm có giá trị cao hơn”, vị này lưu ý.
Lắp ráp ô tô trong nhà máy của Thaco Trường Hải Ảnh: Chí Hiếu

Lắp ráp ô tô trong nhà máy của Thaco Trường Hải  ẢNH: CHÍ HIẾU

Câu chuyện của Thaco là một gợi ý và động lực cho những công ty Việt có khát vọng tham gia vào những chuỗi cung ứng lớn đang có dấu hiệu được thiết lập lại sau một thời gian đứt gãy. Không phải vô cớ mà thời gian qua, Thủ tướng và Bộ trưởng Bộ Công thương trong các cuộc làm việc về kinh tế, công nghiệp, đều luôn đặt vấn đề tận dụng thời điểm này để “hút” những tập đoàn lớn đến đầu tư cũng như liên doanh để đưa doanh nghiệp (DN) Việt bước vào chuỗi cung ứng mới.
Đặc biệt, với việc Quốc hội đã bỏ phiếu phê chuẩn EVFTA và EVIPA giữa Việt Nam và EU vào hôm qua (8.6) thì cơ hội này càng lớn hơn. Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho rằng bên cạnh những lợi ích về thị trường xuất khẩu, tăng trưởng GDP, một trong những nội dung được ông nhấn mạnh khi báo cáo trước Quốc hội là với việc thực thi các hiệp định, DN Việt Nam sẽ có cơ hội tiếp cận các chuỗi cung ứng mới thay thế cho các chuỗi cung ứng truyền thống vốn đang bị đứt đoạn hoặc đình trệ do dịch Covid-19 thời gian vừa qua. Đồng thời, cũng là cơ hội tốt giúp Việt Nam lấp đầy chỗ trống trong các chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu đang bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Chỉ trong 2 tháng qua, lãnh đạo Bộ Công thương liên tiếp làm việc với Cục Công nghiệp, Cục Xúc tiến thương mại, Cục Xuất nhập khẩu, Vụ Thị trường châu Á – châu Phi, châu Mỹ… để yêu cầu bám sát tình hình, nắm bắt các dấu hiệu chuyển dịch thị trường cũng như các chuỗi/mặt hàng mà DN nội có cơ hội “chen chân”, nhất là gắn với các thuận lợi về thị trường khi các hiệp định thế hệ mới đang được thúc đẩy để sớm đi vào thực thi.
“Tuy nhiên, hiệp định, việc hoàn thiện thể chế mới là điều kiện cần. Nhà nước sẽ làm tốt nhất để đáp ứng điều kiện cần này. Còn điều kiện đủ đó là năng lực cạnh tranh của DN và không ai có thể làm thay DN được”, ông Tuấn Anh nói ngay sau khi Quốc hội bỏ phiếu thông qua.

Thể chế – con đường và cỗ xe – doanh nghiệp

Chia sẻ thêm về cơ hội xuất khẩu sau khi hiệp định đi vào thực thi, ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, cho biết với dệt may, quy mô thị trường EU lên tới 250 tỉ USD, nhưng năm 2019 thì DN Việt mới xuất vào đạt 1,3 tỉ USD, khoảng 2%. Do đó, khi hiệp định có hiệu lực thì với việc 42% dòng thuế của dệt may về 0 ngay lập tức sẽ là cơ hội vô cùng lớn, nhất là khăn tay, khăn choàng, đồ tơ tằm… Tương tự là da giày, với việc có tới 37% dòng thuế về 0 ngay sẽ là lợi thế rất lớn cho giày vải, giày cao su, giày thể thao của Việt Nam bởi đây là thị trường mà năm qua da giày xuất khẩu tới hơn 30% giá trị. Đây lại là những sản phẩm mà EU chấp nhận quy tắc xuất xứ khá linh hoạt.
Dệt may - ngành được cho sẽ hưởng lợi lớn khi có EVFTA Ảnh: Ngọc Thắng

Dệt may – ngành được cho sẽ hưởng lợi lớn khi có EVFTA ẢNH: NGỌC THẮNG

“Tương tự là rau quả, có đến 90% dòng thuế về 0. Nhưng khả năng xâm nhập thị trường, liệu có vào các siêu thị của EU hay không thì phụ thuộc vào năng lực của DN nội”, ông Hải lưu ý.
Còn theo ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên – Phó trưởng đoàn đàm phán, thì dệt may, da giày, đồ gỗ… được nói nhiều như là những mặt hàng có lợi thế nhất, song nếu biết nắm bắt, thì cả những thị trường tưởng như khó tính như mua sắm Chính phủ cũng đem đến cơ hội.
“Thị trường này lớn vô cùng. Cơ quan Chính phủ nhiều nước mua sắm rất nhiều nên luôn có cơ hội cho ta nếu tiếp cận được. Tôi rất ấn tượng là ngay cả khi đang đàm phán nhưng có một tập đoàn công nghệ trong nước đã nhanh chân mua lại cả công ty phần mềm Tiệp Khắc để tham gia các hợp đồng gia công phần mềm cho Chính phủ”, ông Thái kể.
Ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Tập đoàn dệt may (Vinatex), lại lấy hình ảnh là con đường – chiếc xe và người điều hành con đường để ví von. Trong đó, con đường chính là thể chế, chiếc xe là DN, người điều hành con đường là nhà quản lý. “Muốn tăng tốc độ của xe thì đầu tiên phải có đường đẹp, rộng rãi; thứ hai là có cách điều hành hợp lý; thứ ba mới tới yếu tố xe tốt. Chứ còn có mua siêu xe mà chạy đường làng, toàn ổ trâu, ổ gà thì làm sao xe chạy nhanh được”, ông Trường phân tích và nhấn mạnh: “Do đó, nếu muốn thắng trong cạnh tranh toàn cầu thì nỗ lực của DN là không đủ, mà đó phải là nỗ lực quốc gia, có chiến lược quốc gia rõ ràng và có cách thức thực thi hiệu quả”.
Nói về điều này, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam đang có những thay đổi mạnh mẽ, nhất là trong bối cảnh chúng ta tham gia EVFTA, cũng là một động lực để thúc đẩy chúng ta tiếp tục tự cải cách bên trong.

Quốc hội thông qua EVFTA với số phiếu tuyệt đối

Ngày 8.6, với tỷ lệ phiếu gần như tuyệt đối, Quốc hội đã nhất trí thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVIPA).
Cuối giờ chiều cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đã có cuộc điện đàm với Cao ủy Thương mại EU Phil Hogan. Đây là cuộc điện đàm đầu tiên, ngay sau khi EVFTA được các đại biểu Quốc hội bấm nút phê chuẩn. Hai bên đã thống nhất về thời điểm có hiệu lực của Hiệp định EVFTA là ngày 1.8.2020.
Hai bên cũng đã thảo luận về dự án Hỗ trợ hội nhập khu vực ASEAN – hỗ trợ liên quan đến thương mại dành cho Việt Nam (ARISE+ Việt Nam). Đây là một chương trình kéo dài 5 năm (dự kiến từ năm 2019 – 2023) do EU tài trợ với tổng ngân sách là 6 triệu euro với mục tiêu góp phần hỗ trợ nền kinh tế Việt Nam tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu thông qua các hoạt động hỗ trợ cho khu vực công và tư.
Tháng 3.2020, phái đoàn EU đã ký hợp đồng thực hiện dự án ARISE+ với Công ty Human Dynamic (liên danh với Eurocharm). Sau khi hợp đồng được ký kết, các chuyên gia dự kiến vào Việt Nam từ đầu tháng 4 để khởi động dự án, nhưng đã phải hoãn do dịch Covid-19. Thời gian tới, các chuyên gia sẽ làm việc với các bộ, ngành để xây dựng kế hoạch hoạt động tổng thể cũng như kế hoạch hoạt động chi tiết hằng năm, đảm bảo dự án được thực hiện một cách hiệu quả, hỗ trợ tối đa hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam cũng như việc thực thi Hiệp định EVFTA.
CHÍ HIẾU
TNO