24/12/2024

Bất chấp nguy cơ dịch lây lan, biểu tình vẫn lan rộng ở Mỹ và nhiều nước

Bất chấp nguy cơ dịch lây lan, biểu tình vẫn lan rộng ở Mỹ và nhiều nước

“Từ ngày Sở GD-ĐT TP.HCM công bố số liệu ban đầu về việc đăng ký thi vào lớp 10, ba mẹ em tỏ ra không vui. Nguyên nhân vì em muốn thay đổi nguyện vọng, còn ba mẹ thì yêu cầu phải giữ nguyên như cũ”.

 

Tuyển sinh lớp 10 tại TP.HCM: Căn cứ nào để chọn trường? - Ảnh 1.

Cô Lưu Thị Ngọc Trâm, giáo viên chủ nhiệm lớp 9A10 Trường THCS Trần Bội Cơ, Q.5, TP.HCM, hướng dẫn phụ huynh ghi nguyện vọng vào hồ sơ đăng ký thi tuyển sinh lớp 10 cho học sinh – Ảnh: NHƯ HÙNG

Để quyết định có điều chỉnh nguyện vọng hay không, thí sinh cần tham khảo bảng số liệu thí sinh đăng ký vào lớp 10, điểm chuẩn vào lớp 10 trong những năm gần đây và học lực của bản thân. Nếu các em tự tin rằng học lực của mình tương ứng với điểm chuẩn dự kiến của ngôi trường mình đăng ký thì không cần phải điều chỉnh nguyện vọng.

Ông NGUYỄN MINH HOÀNG (trưởng phòng khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục Sở GD-ĐT TP.HCM)

Tâm sự này không chỉ của riêng em N.H.H.T., học sinh lớp 9 ở quận Tân Phú, mà cũng là nỗi niềm của nhiều phụ huynh, học sinh TP.HCM trước kỳ tuyển sinh lớp 10 năm học 2020-2021.

Đừng chọn theo cảm tính

T. kể: “Ba mẹ muốn em thi vào Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền, quận Tân Bình và đợt vừa qua em đã chiều lòng ba mẹ, làm hồ sơ đăng ký nguyện vọng 1 vào trường này. Tuy nhiên, cô giáo chủ nhiệm lớp em bảo Trường Nguyễn Thượng Hiền năm nay có tỉ lệ “chọi” cao nhất TP nên em cảm thấy không tự tin. Em muốn thay đổi nguyện vọng 1 qua Trường THPT Trần Phú (trường có điểm chuẩn lớp 10 cao nhất quận Tân Phú – PV), trường này những năm trước có điểm chuẩn thấp hơn Nguyễn Thượng Hiền, lại ở gần nhà em. Các bạn cùng lớp với em đăng ký vào Trần Phú rất nhiều, nếu thi đậu thì học chung cũng vui”.

Mặc dù vậy, T. cho biết ba mẹ nói nếu em thích Trường Trần Phú thì ghi trường này là nguyện vọng 2. Ba mẹ cho rằng Trường Nguyễn Thượng Hiền tốt hơn nên nhất quyết phải đăng ký và phải cố gắng thi đậu.

“Em tự thấy năng lực của mình rất khó thi đậu vào Nguyễn Thượng Hiền. Cô giáo em nói nếu ghi nguyện vọng như trên là không phù hợp vì điểm chuẩn vào Trường Trần Phú chỉ thấp hơn Nguyễn Thượng Hiền từ 2,25 đến 2,75 điểm. Nếu em rớt nguyện vọng 1 là có thể sẽ rớt luôn nguyện vọng 2. Cô nói nguyện vọng 2 phải chọn trường có điểm chuẩn thấp hơn nguyện vọng 1 từ 3 đến 5 điểm” – T. giải thích.

Theo một số giáo viên chủ nhiệm lớp 9 ở quận 1, quận Tân Bình, nhiều phụ huynh, học sinh thường mắc sai lầm khi chọn nguyện vọng vào lớp 10 theo cảm tính: chọn trường mình thích, chọn trường tốt, chọn trường có nhiều bạn bè thân cùng chọn… mà không quan tâm đến yếu tố chính là năng lực học tập của học sinh.

“Liệu cơm gắp mắm”

Theo Sở GD-ĐT TP.HCM, năm nay số lượng thí sinh đăng ký dự tuyển nguyện vọng 1 là 85.015 em, tăng 4.399 em so với năm 2019 (năm trước: 80.616). Trong khi đó, chỉ tiêu tuyển sinh năm 2020 lại giảm. Năm nay, các trường THPT công lập ở TP.HCM tuyển 62.465 học sinh vào lớp 10 thường, trong khi năm trước con số này là 63.685 (chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 chuyên và lớp 10 tích hợp tính riêng). Do đó, tỉ lệ “chọi” ở nhiều trường THPT tăng lên so với năm trước. Toàn TP có 61/108 trường THPT tăng tỉ lệ “chọi” so với năm 2019.

Những trường tăng tỉ lệ “chọi” nhiều nhất là: Nguyễn Thượng Hiền (quận Tân Bình), Nguyễn Hữu Cầu, Hồ Thị Bi (huyện Hóc Môn), Mạc Đĩnh Chi (quận 6), Gia Định (quận Bình Thạnh), Trường Chinh (quận 12)…

Đặc biệt, năm nay Trường Nguyễn Thượng Hiền có tỉ lệ “chọi” cao nhất TP: 1 “chọi” 4,4 – cao hơn cả tỉ lệ “chọi” tuyển sinh lớp 10 chuyên ở một số trường.

Những trường có tỉ lệ “chọi” cao tiếp theo là: Trường Gia Định: 1/3,18; Trường trung học Thực hành thuộc ĐH Sư phạm TP.HCM: 1/2.79; Trường THPT Mạc Đĩnh Chi: 1/2,55, Trường trung học Sài Gòn thuộc ĐH Sài Gòn: 1/2,25, Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai: 1/2,32…

Trong khi đó, loại hình lớp 10 tích hợp lại khá “dễ thở” vì số thí sinh đăng ký nguyện vọng 1 vào lớp 10 tích hợp không cao, nên tỉ lệ “chọi” cũng không cao. Như Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong chỉ có 109 thí sinh đăng ký so với chỉ tiêu 70; tỉ lệ này ở Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa là 135/105.

Thậm chí nhiều trường còn có số thí sinh đăng ký nguyện vọng 1 tích hợp thấp hơn cả chỉ tiêu là: Trường Nguyễn Thượng Hiền: đăng ký 79/chỉ tiêu 105, Trường Bùi Thị Xuân: 45/70, Trường Lương Thế Vinh: 55/105, Trường Nguyễn Thị Minh Khai: 23/35, Trường Phú Nhuận: 41/105…

Theo quy định, học sinh và phụ huynh có thể thay đổi nguyện vọng dự thi vào lớp 10 công lập năm học 2020-2021 từ nay đến hết ngày 12-6. Để thay đổi nguyện vọng, học sinh làm lại phiếu đăng ký và nộp tại trường THCS nơi mình đang theo học.

Có kết quả thi không được thay đổi nguyện vọng

Quy chế tuyển sinh vào lớp 10 ở TP.HCM năm nay cho phép 1 thí sinh được đăng ký 4 nguyện vọng vào lớp 10 chuyên và lớp 10 không chuyên trong trường chuyên; 2 nguyện vọng vào lớp 10 tích hợp, 3 nguyện vọng vào lớp 10 thường.

Nếu thí sinh rớt lớp 10 chuyên hoặc rớt lớp 10 tích hợp thì được xét tiếp vào lớp 10 thường.

Nếu thí sinh đã đậu nguyện vọng 1 thì không xét tiếp nguyện vọng 2 và không được thay đổi nguyện vọng sau khi có kết quả thi.

Khá, giỏi cũng… căng

nh-hoc2 8-6 1(read-only)

Học sinh lớp 9 một trường THCS ở TP.HCM trong giờ học trực tuyến môn tiếng Anh – Ảnh: NH.HÙNG

Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 không những là thách thức lớn đối với các học sinh có học lực trung bình, mà cũng là “cửa ải” đầy gian nan của học sinh khá, giỏi.

Với học sinh khá, giỏi, gia đình thường kỳ vọng nhiều và vô tình đặt cho con những áp lực trong việc chọn trường, chọn lớp. Họ chọn nguyện vọng cho con không căn cứ vào điều kiện tiên quyết là năng lực của trẻ và chiều hướng tuyển sinh của các trường để tham khảo, mà chỉ có cơ sở duy nhất đó là “con giỏi nên phải chọn trường A, trường B, trường C…”.

Tiếp đó, những ngày ôn tập tuyển sinh thực sự là một “thời gian đếm ngược” đi đến “cửa tử” như nhiều em đã viết trên mạng xã hội, trong lưu bút với bạn bè hoặc tâm sự với thầy cô. Chính áp lực này đã khiến tâm lý các em không ổn định, vì vậy dễ hiểu khi bước vào phòng thi, chất lượng làm bài của các em sẽ bị ảnh hưởng.

Hình ảnh bi hài hay gặp nhất đó là sau mùa thi của học sinh là đến mùa… chạy nháo nhào của phụ huynh khi con mình không đạt được nguyện vọng. Họ vào trường nằng nặc đòi sao y học bạ để nộp vào các trường nghề hoặc các trường tư thục “có tiếng”, vẫn không có mục tiêu “vì trẻ”, mà chỉ để cho mình… đừng quê với đồng nghiệp, bạn bè, họ hàng.

Thực tế đó cho thấy để kỳ thi tuyển sinh thực sự đúng chất “tuyển” nhưng nhẹ nhàng, không áp lực cho trẻ thì trước đó ngành giáo dục cần phải làm cho phụ huynh hiểu rõ và đồng tâm trong công tác hướng nghiệp – phân luồng. Có như vậy công tác tư vấn tuyển sinh trong nhà trường mới được thuận lợi, và việc hướng cho học sinh đi đúng con đường học vấn phù hợp với khả năng của các em mới hiệu quả.

15 tuổi, còn quá trẻ để các em có thể có những quyết định đúng khi đứng giữa ngã ba chọn lựa đường đời. Đã vậy, nếu không có sự hợp lực của nhà trường – gia đình – xã hội đúng đắn thì ngã ba đó sẽ có thêm một nhánh rẽ, đó là cái nhánh “gánh nặng” cơ nhỡ cho xã hội khi các em “ngồi nhầm chỗ” ở các môi trường mà “mỗi ngày đến trường không có ngày vui”.

LÂM MINH TRANG

HOÀNG HƯƠNG
TTO