24/12/2024

Giãn thuế 5 tháng không đủ để doanh nghiệp phục hồi

Giãn thuế 5 tháng không đủ để doanh nghiệp phục hồi

Doanh nghiệp tiếp cận lãi suất mới theo chính sách hỗ trợ của Chính phủ vẫn khó. Đặc biệt, chính sách giãn thuế quá ngắn trong khi khó khăn kéo dài khiến nhiều công ty rơi vào tình cảnh khó chồng khó.
Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 cần được kéo dài /// Ảnh: Gia Khiêm
Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 cần được kéo dài  ẢNH: GIA KHIÊM

Điều kiện, thủ tục quá khắt khe

Từ tháng 3 đến nay Công ty vận tải Kim Phát sụt giảm doanh thu đến 60 – 70% vì hàng xuất nhập khẩu giảm mạnh do nhiều nước còn hạn chế mở cửa vì phòng ngừa dịch Covid-19.
Thế nhưng theo ông Nguyễn Ngọc Thanh, giám đốc công ty, khi đề nghị các ngân hàng xem xét giảm lãi vay hầu hết đều nhận được câu trả lời là “chờ xem xét”. Có chăng 1 – 2 hợp đồng tín dụng thả nổi lãi suất theo thị trường thì được giảm chỉ 0,02%/năm. Hiện Công ty Kim Phát vẫn trả lãi cho các hợp đồng vay mua tài sản có thời hạn 4 – 5 năm là 9 – 10%/năm, riêng hợp đồng tín dụng ngắn hạn thì lãi suất là 7,5%. “Riêng việc xin gia hạn nộp thuế theo Nghị định 41/2020 của Chính phủ tưởng đơn giản nhưng quá trình thực hiện cũng phải kèm theo giải thích nhiều thứ. Vì vậy chúng tôi vẫn đóng thuế GTGT theo đúng thời hạn gần 100 triệu đồng/tháng, riêng thuế thu nhập doanh nghiệp (DN) chưa phát sinh do bị lỗ”, ông Thanh cho biết.
Dịch bệnh vẫn còn đang diễn biến khó lường và tinh thần của Nghị quyết 84 cho thấy Chính phủ cũng đã nhận ra điều đó. Kiến nghị của nhiều doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp là chính đáng…
TS Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương
Ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Việt Thắng Jean (Vitajean), cho biết đã được ngân hàng giảm lãi suất cho vay từ 8,5%/năm xuống còn 7,5%/năm và 6,95%/năm. Nhưng với gói hỗ trợ cho người lao động hay cho DN vay 50% tiền lương với lãi suất 0% để trả lương thì không làm được. Cụ thể, theo quy định, người lao động bị nghỉ việc không hưởng lương từ 1 tháng trở lên sẽ được hỗ trợ 1,8 triệu đồng/người/tháng nhưng DN không có doanh thu hoặc không có nguồn tài chính để trả lương. Tương tự, để được vay khoản tiền trả lương, DN phải có từ 20% hoặc từ 30% người lao động trở lên đang tham gia BHXH bắt buộc phải ngừng việc từ 1 tháng liên tục trở lên; phải chứng minh có khó khăn về tài chính và đã trả trước tối thiểu 50% lương ngừng việc cho người lao động…
“Tất cả DN dệt may thời gian qua hầu như bị ngưng các hợp đồng xuất khẩu nhưng chúng tôi vẫn có sản xuất và bán hàng tại thị trường nội địa. DN vẫn có doanh thu dù sụt giảm đến 90% nên chưa đáp ứng được điều kiện là không có doanh thu. Chưa kể dù đơn hàng không có, công ty cũng cố gắng không sa thải người lao động mà chỉ chia ca, giãn giờ làm, cho nghỉ luân phiên để mọi người vẫn có thu nhập đảm bảo cho đời sống nên tính ra không đủ tỷ lệ 20% lao động bị nghỉ việc… nên công ty không thể vay được”, ông Việt ta thán.

Kéo dài giãn thuế lên ít nhất 1 năm

Ngoài lãi vay, thời hạn giãn thuế 5 tháng là chính sách bị “kêu” nhiều nhất. Theo các chuyên gia và DN, khó khăn sẽ còn kéo dài 1, thậm chí 2 năm nữa, hầu hết hoạt động dịch vụ, sản xuất chưa thể trở lại bình thường trong khi thời gian gia hạn nộp thuế quá ngắn khiến họ không đủ nguồn lực để xoay xở.
Ông Phạm Văn Việt phân tích, tình hình dịch bệnh và ảnh hưởng Covid-19 có thể sẽ kéo dài từ 12 -16 tháng nên DN muốn phục hồi phải mất 6 – 12 tháng. Do đó các giải pháp hỗ trợ của Chính phủ phải kéo dài thêm thời gian. Cụ thể, chính sách gia hạn thuế cho DN hiện quy định là 5 tháng nên tăng lên 12 tháng, thậm chí dài hơn thì mới đủ sức “tiếp sức” cho DN.
“Dịch bệnh còn kéo dài, các DN xuất khẩu gặp khó khăn về dòng tiền khi đối tác nước ngoài đề nghị thời gian trả nợ lên 90 ngày, có DN còn phá sản chưa biết đòi được nợ không. Với những khó khăn chồng chất như hiện nay, thậm chí các DN lớn có khả năng sang đến năm 2021 mới có thể trở về trạng thái bình thường. Vì thế, thời gian gia hạn thuế quá ngắn không đủ sức hỗ trợ DN”, ông Việt nói.
TS Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, phân tích thêm: hiện nhiều DN đã hoạt động trở lại sau thời gian giãn cách xã hội nhưng sản xuất, tiêu thụ vẫn chậm. Giai đoạn bình thường mới là vừa sản xuất vừa phải đảm bảo công tác phòng chống dịch chưa biết đến bao giờ sẽ kết thúc.
Điều này khiến những hạn chế trong hoạt động của DN vẫn còn kéo dài. Bên cạnh đó, nhiều nước vẫn chưa thể mở cửa hoàn toàn cho các hoạt động thương mại du lịch khi diễn biến dịch bệnh còn rất phức tạp, cũng tác động lớn đến xuất nhập khẩu trong nước…
Không chỉ các DN nhỏ và vừa mà ngay cả các DN lớn cũng cần có đủ thời gian mới trở lại bình thường như trước đây được. Do đó các chính sách tài chính, tín dụng cần kéo dài hơn để hỗ trợ cho DN. Đặc biệt là chính sách gia hạn nộp thuế nên kéo dài ít nhất đến hết năm 2020. “Việc gia hạn đó như một cách cho DN mượn tiền không lãi suất để có thêm nguồn lực, thúc đẩy quá trình phục hồi này. Chẳng hạn các DN lớn càng phục hồi nhanh sẽ kéo theo nhiều DN liên kết khác cùng đi lên”, ông Lịch nói.
Theo TS Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Nghị quyết 84/NQ-CP của Chính phủ mới ban hành cuối tháng 5 đã đề cập đến việc Bộ Tài chính tiếp tục rà soát, đề xuất miễn, giảm các loại phí, lệ phí nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN do tác động của dịch Covid-19. Trong đó có xem xét việc điều chỉnh thời gian gia hạn nộp thuế thu nhập DN, thuế GTGT, tiền thuê đất, bổ sung sắc thuế, đối tượng thụ hưởng chính sách… “Dịch bệnh vẫn còn đang diễn biến khó lường và tinh thần của Nghị quyết 84 cho thấy Chính phủ cũng đã nhận ra điều đó. Kiến nghị của nhiều DN và hiệp hội DN là chính đáng…”, TS Võ Trí Thành nhấn mạnh.
TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, cũng đồng tình: những giải pháp hỗ trợ DN như gia hạn thuế, cơ cấu nợ… cần tiếp tục kéo dài hết năm nay và có thể sang năm sau.
MAI PHƯƠNG – THANH XUÂN
TNO