Thời dịch COVID-19 khó khăn, sao lại đi tăng học phí?
Thời dịch COVID-19 khó khăn, sao lại đi tăng học phí?
Nhiều ý kiến đặt vấn đề về chuyện hàng loạt trường Đại học tăng học phí ở thời điểm dịch COVID-19 còn gây nhiều khó khăn trong cuộc sống thì có phù hợp và mức tăng có tương xứng với chất lượng đào tạo của các trường.
Trong số các trường công bố mức học phí mới áp dụng cho khóa tuyển sinh 2020, Trường ĐH Y dược TP.HCM khiến nhiều người bất ngờ với học phí “khủng”. Trong đó có ngành tăng gấp 5 lần so với mức thu hiện tại, từ 13 triệu đồng lên 30-70 triệu đồng/năm tùy ngành.
Có người bảo vì dịch COVID-19 nên ai cũng khó khăn, trường còn tăng học phí. Nhà trường hoàn toàn chia sẻ việc này, nhưng từ ngày 1-1-2020 trường đã tự chủ nên không còn được nhận kinh phí nhà nước nữa. Nếu không tăng học phí thì trường không thể tổ chức các hoạt động đào tạo, không thể chi trả lương cho cán bộ giảng viên được.
Hiệu trưởng Trường ĐH Y dược TP.HCM TRẦN DIỆP TUẤN
“Muốn khóc”
Bạn Phạm Thị Hồng (Thừa Thiên Huế) năm nay tính xét tuyển vào ngành y Trường ĐH Y dược TP.HCM. Nhưng nay bạn phải thay đổi ý định.
“Nhiều người nói trường tăng học phí như vậy là hợp lý, còn tôi nghe xong tin này muốn khóc. 70 triệu đồng là trên mức thu nhập của cả gia đình tôi. Cha mẹ tôi cũng 60 tuổi hết cả rồi, sức nào mà nuôi con đến 5-6 năm ăn học. Vào được trường mơ ước để thực hiện ước mơ của mình thì rất hạnh phúc, nhưng nếu vậy sẽ là gánh nặng của cha mẹ” – Hồng tâm sự.
Trong khi đó, ông Trần Minh Khang (phụ huynh ở Q.Thủ Đức, TP.HCM) chia sẻ: “Con gái tôi cho biết cháu và nhiều bạn cùng lớp dự tính thi vô ngành y khoa. Các cháu “sốc” khi Trường ĐH Y dược TP.HCM công bố học phí 68 triệu đồng/năm. Tuy nhiên qua tìm hiểu, mức học phí của các trường tư có đào tạo ngành y ở nước ta rất cao. Trong khi các trường ĐH ở Mỹ, học phí ngành y lên đến 600-700 triệu đồng/năm. Vấn đề là học phí phải tăng và lộ trình như thế nào”.
Còn ông Nguyễn Văn Trường (phụ huynh ở Quảng Trị) thắc mắc: “Từ mức học phí thấp theo quy định của Nhà nước nay đùng một cái trường tăng lên vài chục triệu. Sinh viên phải trả học phí cao như vậy thì điều kiện học tập có khác, chất lượng dạy học của trường có tốt hơn hay vẫn như cũ?”.
Tín dụng sinh viên chưa theo kịp tự chủ
Theo ông Đỗ Văn Dũng – hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, với mức thu học phí cao, việc trích 8% học phí cũng tăng. Cộng với quy định trường ĐH tự chủ được gửi tiền ở ngân hàng thương mại, toàn bộ tiền lãi dùng để hỗ trợ sinh viên.
“Ở trường chúng tôi sau 3 năm tự chủ, quỹ học bổng tăng từ 12 tỉ lên 36 tỉ đồng. Trường tích cực vận động tài trợ học bổng từ các cựu sinh viên và các doanh nghiệp. Đồng thời, các công việc mang tính thời vụ trường đều giao cho sinh viên làm để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống. Tuy nhiên, theo tôi, chính sách tín dụng sinh viên vẫn chưa theo kịp giai đoạn tự chủ. Sinh viên cần phải được vay đủ để đóng học phí và trang trải chi phí, chứ không phải 12 triệu đồng/năm như hiện nay” – ông Dũng nói.
Đã chuẩn bị từ lâu
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Diệp Tuấn – hiệu trưởng Trường ĐH Y dược TP.HCM – khẳng định không phải tự dưng nhà trường đưa ra mức học phí mới mà có sự chuẩn bị từ lâu. Cách đây hai năm, trường đã xây dựng đề án tự chủ, tính toán kỹ dựa trên nhiều cơ sở và các cơ quan quản lý trực tiếp nhà trường đều biết việc này.
Chất lượng đào tạo có tương xứng với học phí mới? Ông Tuấn khẳng định chắc chắn sẽ có sự khác biệt:
“Thứ nhất, trường đã và đang đầu tư mạnh cho cơ sở vật chất hiện đại như trung tâm mô phỏng tiền lâm sàng của trường có thể nói là số 1 ở VN, sửa chữa phòng học để dạy theo nhóm nhỏ. Thứ hai, chương trình đào tạo mới tiên tiến nhất hiện nay, theo hướng tăng cường huấn luyện kỹ năng nghề nghiệp cho sinh viên. Thứ ba, đội ngũ giảng viên của trường là những chuyên gia đầu ngành trực tiếp giảng dạy. Với phòng học nhỏ nên giảng viên phải dạy nhiều gấp bốn lần so với trước đây”.
Ông Nguyễn Ngọc Khôi – trưởng phòng đào tạo nhà trường – cho biết thêm theo quy định của Bộ GD-ĐT, các trường phải công bố mức học phí trước thời điểm đăng ký xét tuyển để thí sinh cân nhắc lựa chọn trường.
“Việc phải tăng học phí trong năm học tới là điều bất khả kháng. Thực sự mức học phí mới vẫn chưa được tính đúng tính đủ. Hơn nữa, các khóa cũ trường vẫn thu học phí mức cũ, bù lỗ rất nhiều” – ông Khôi cho hay.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hoàng Dũng – phó trưởng khoa y ĐH Quốc gia TP.HCM – cho biết học phí của khoa theo lộ trình đề án và năm học tới tăng từ 7-10% (55 – 88 triệu đồng/năm).
“Quy mô tuyển sinh của khoa y thấp so với các trường y khác trong TP.HCM (y khoa: 100 sinh viên, dược học 50, răng hàm mặt: 50), mục đích đảm bảo chất lượng đầu ra. Khoa cũng tự chủ, phải đảm bảo và cân đối các khoản thu chi.
Dịch COVID-19 diễn ra, khoa sẽ có chính sách cấp học bổng và hỗ trợ cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, cũng như hỗ trợ sinh viên bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch bệnh này. Việc tăng học phí năm học 2020-2021 (diễn ra cuối tháng 10-2020 đến tháng 9-2021) không ảnh hưởng nhiều, do COVID-19 diễn ra trước đó…” – ông Dũng nói.
Tăng phí đào tạo là cần thiết
Cần nhìn nhận đặc trưng quy chuẩn đào tạo, sự đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị cũng như các hoạt động khác nên tăng phí đào tạo là điều cần làm. Học phí cần xem xét trong toàn bối cảnh giữa trường công lập với các trường tự chủ, các trường quốc tế, trường đào tạo cùng ngành đạt chuẩn quốc tế, hệ đại trà với hệ chất lượng cao. Điều này sẽ giúp tránh đi sự chủ quan hay thiếu công bằng. Với trường tự chủ, việc trình học phí chắc chắn đã đảm bảo các bước, cần xem xét một cách hệ thống, tránh nhiễu thông tin.
Theo tôi, việc đào tạo chất lượng đúng chuẩn, đạt chuẩn nghề là cần thiết nhưng cần có trách nhiệm về đầu ra, việc làm. Gánh nặng của việc bất cân xứng trong đào tạo, sử dụng có nguy cơ xảy ra khi tăng học phí. Vấn đề thiếu hụt lao động chính thức trong các bệnh viện khi sự thay đổi mức lương sẽ xuất hiện sâu sắc hơn.
Ông Huỳnh Văn Sơn (phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM)