23/01/2025

‘Không tiền mặt’ với dịch vụ công

‘Không tiền mặt’ với dịch vụ công

Gặp khó khăn với bài toán chi phí và hiệu quả khi kết nối thanh toán dịch vụ công trong bối cảnh chưa có khung phí, nhiều dịch vụ công không thể trả phí nhưng Sacombank vẫn thành công khi tham gia thanh toán với 120 liên kết.

 

Không tiền mặt với dịch vụ công - Ảnh 1.

Dù gặp nhiều khó khăn, nhưng Sacombank khẳng định vẫn tích cực tham gia các dự án thanh toán công không dùng tiền mặt – Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Ông Nguyễn Minh Tâm, phó tổng giám đốc Sacombank, đã cho biết như vậy khi trao đổi với Tuổi Trẻ về việc thực hiện chủ trương của Chính phủ trong việc đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, đặc biệt trong lĩnh vực dịch vụ công. Ông Tâm nói:

– Sacombank đã ứng dụng công nghệ thanh toán để triển khai hàng loạt liên kết với các lĩnh vực y tế, giáo dục, giao thông vận tải, thuế điện tử và gần như phủ sóng tất cả nhu cầu thanh toán thiết thực của người tiêu dùng đối với lĩnh vực điện, nước, viễn thông, học phí, viện phí…

Chỉ trong năm 2019, doanh số thanh toán của Sacombank trong lĩnh vực dịch vụ công đạt hơn 32.000 tỉ đồng và dự báo tiếp tục tăng gấp nhiều lần trong thời gian tới.

* Nhiều dịch vụ đã thanh toán không tiền mặt, nhưng nhiều trường vẫn thu học phí bằng tiền mặt. Sacombank đã làm gì để thay đổi thói quen này?

– Thời gian qua, chúng tôi đã triển khai nhiều giải pháp nhằm giúp phụ huynh, sinh viên ở bất cứ đâu, khi nào vẫn có thể thanh toán, vượt ngoài phạm vi “Thẻ học đường đơn thuần” bằng việc ứng dụng công nghệ kết nối dữ liệu và gạch nợ tự động qua nhiều kênh thanh toán iBanking, mBanking, Sacombank Pay, Contact Center, ủy thác thanh toán tự động…

Sacombank cũng đồng hành cùng UBND TP.HCM, Sở Giáo dục và đào tạo TP.HCM ngay từ ngày đầu tiên phát động đề án này.

Đến nay, chúng tôi đã triển khai thẻ học đường tại gần 300 trường và mở rộng đến các tỉnh thành khác như Cần Thơ, Đồng Tháp… với hơn 20.000 thẻ đã được phát hành. Doanh số thanh toán bình quân qua ngân hàng ở mức hơn 500 tỉ/năm.

Tuy nhiên, chúng tôi không chỉ dừng lại ở nhu cầu thanh toán mà còn mang lại giá trị cộng thêm cho khách hàng bằng việc triển khai thấu chi tài khoản thanh toán của phụ huynh để thanh toán học phí.

Ứng trước để thanh toán học phí thông qua cấp thẻ tín dụng, áp dụng các chính sách ưu đãi dành cho phụ huynh học sinh khi sử dụng trọn gói dịch vụ tại Sacombank.

Về lâu dài, khi sở giáo dục và đào tạo các địa phương và đối tác phát triển đa dạng tiện ích học đường, tôi tin rằng thẻ học đường sẽ trở nên gần gũi và thiết yếu trong quản lý học tập và tiêu dùng, thanh toán của học sinh sinh viên.

* Phát triển thanh toán trong lĩnh vực công được xem là “khó nhằn” vì đầu tư nhiều, khó có lợi nhuận… Trong quá trình triển khai, Sacombank có gặp rào cản gì không và đã khắc phục như thế nào?

– Triển khai thanh toán trong lĩnh vực công được xem là khó nhưng xác định là làm được với những định hướng mạnh mẽ, quyết liệt từ Chính phủ, các cơ quan ban ngành.

Ở góc độ ngân hàng, Sacombank nhận định rào cản lớn nhất để đưa dịch vụ thanh toán không tiền mặt đến người tiêu dùng chính là thói quen sử dụng tiền mặt, sự chưa đồng bộ hệ thống thanh toán bằng QR và bằng các ứng dụng công nghệ.

Công tác triển khai hóa đơn điện tử chưa hoàn tất tại các đơn vị cung cấp cũng là hạn chế cho dịch vụ thanh toán, vì khách hàng lo ngại khi thanh toán qua ngân hàng không nhận được hóa đơn kịp thời.

Việc kết nối dữ liệu không được tập trung cũng là một trở ngại nhất định trong việc triển khai nhanh và đồng bộ định hướng thanh toán không dùng tiền mặt trong xã hội.

Đây là những vấn đề cần được sự quan tâm của tất cả các cơ quan ban ngành để việc triển khai hiệu quả hơn.

Riêng với Sacombank, bằng nội lực của mình, chúng tôi đã triển khai hàng loạt ưu đãi dành cho người tiêu dùng như tăng hệ sinh thái áp dụng ưu đãi khi sử dụng thẻ, thanh toán qua kênh ngân hàng điện tử, Sacombank Pay của Sacombank, đẩy mạnh liên kết với các đại lý chấp nhận thanh toán thẻ, QR, Contactless…

* Vậy bài toán chi phí, hiệu quả khi tham gia thanh toán trong lĩnh vực công như thế nào, thưa ông?

– Khó khăn lớn nhất của các ngân hàng thương mại cổ phần khi tham gia việc kết nối thanh toán dịch vụ công là bài toán chi phí và hiệu quả.

Do chưa có khung phí nên nhiều dịch vụ hành chính công không thể trả phí cho ngân hàng, kể cả phí thanh toán bằng thẻ, trong khi đầu tư chi phí hệ thống vận hành khá lớn.

Các đơn vị hành chính công cũng không được duy trì số dư trên tài khoản mở tại các ngân hàng thương mại cổ phần nên cũng không thể sử dụng tiền gửi không kỳ hạn để bù đắp chi phí vốn.

Dù có nhiều khó khăn trong việc tính toán hiệu quả đầu tư, nhưng Sacombank chắc chắn vẫn tích cực tham gia các dự án thanh toán công không dùng tiền mặt theo định hướng của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước nhằm tạo thói quen cho người dùng.

Bên cạnh các giải pháp công nghệ thanh toán hiện đại luôn cập nhật thường xuyên, tạo sự thuận tiện nhất cho người dùng, Sacombank sẽ đẩy mạnh hoạt động truyền thông đến khách hàng về lợi ích của thanh toán không dùng tiền mặt.

Tuy nhiên, các cơ quan chức năng cần có giải pháp hỗ trợ để giải quyết bài toán này, nhằm tạo động lực cho các ngân hàng thương mại cổ phần tham gia mạnh mẽ hơn lĩnh vực thanh toán công.

Nhiều thuận lợi hơn trong thanh toán không tiền mặt

Theo ông Nguyễn Minh Tâm – phó tổng giám đốc Sacombank, việc phát triển thanh toán trong dịch vụ công chắn chắn là định hướng lâu dài và nhất quán của ngân hàng trong thời gian tới.

Phát huy công nghệ hiện có, tiên phong trong triển khai các tính năng mới vào hoạt động thanh toán sẽ được Sacombank triển khai quyết liệt, bên cạnh việc tiếp tục kết nối để gia tăng hệ sinh thái phục vụ nhu cầu thanh toán của người tiêu dùng.

Trong thời gian tới, Sacombank dự kiến sớm đưa vào triển khai ứng dụng chạm để thanh toán (NFC) và eKYC để khách hàng dễ dàng, nhanh chóng mở tài khoản thanh toán.

Dịch vụ thanh toán cũng trở nên thuận tiện và triển khai dịch vụ thu thuế điện tử đối với cá nhân. Song song đó là hoàn chỉnh và mở rộng thêm một số tiện ích giúp khách hàng có thể thuận lợi trong thanh toán dịch vụ công.

ÁNH HỒNG thực hiện
TTO