23/12/2024

Úc – Ấn ký thoả thuận cho phép sử dụng căn cứ quân sự của nhau

Úc – Ấn ký thoả thuận cho phép sử dụng căn cứ quân sự của nhau

Hôm 4-6, Úc và Ấn Độ đã ký thỏa thuận cho phép hai nước tiếp cận các căn cứ quân sự của nhau để tạo điều kiện cho các hoạt động trao đổi phòng thủ chung. Động thái này được đánh giá sẽ gây sự chú ý cho Trung Quốc.

 

Úc - Ấn ký thỏa thuận cho phép sử dụng căn cứ quân sự của nhau - Ảnh 1.

Hải quân Mỹ và Ấn Độ trong cuộc tập trận Malabar ở vịnh Bengal – Ảnh chụp màn hình WSJ

Thỏa thuận trên có tên Thỏa thuận Hỗ trợ hậu cần cho nhau, được ký kết trong một hội nghị thượng đỉnh trực tuyến ngày 4-6 giữa Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và người đồng cấp Úc Scott Morrison.

“Chúng ta chia sẻ chung các giá trị dân chủ, nền pháp trị, các quyền tự do và tôn trọng các thể chế quốc tế. Khi những điều này bị thách thức, chúng ta cần tăng cường hợp tác”, ông Modi phát biểu. Còn ông Morrison nói: “Đã đến lúc quan hệ giữa hai nước chúng ta phát triển rộng hơn và sâu hơn”.

Thỏa thuận trên sẽ cho phép các máy bay và tàu quân sự hai nước tiếp nhiên liệu và tiếp cận các căn cứ quân sự của nhau. Đây là một trong 9 thỏa thuận đã được Úc và Ấn Độ ký tại hội nghị trên, theo trang Times of India.

Theo Hãng tin Reuters, thỏa thuận này được xem là một phần trong chiến lược rộng hơn của các quốc gia trong khu vực như Ấn Độ và Úc nhằm đối phó sức mạnh quân sự và kinh tế của Trung Quốc.

Còn trang The Sydney Morning Herald của Úc hôm 4-6 đưa tin về thỏa thuận trên với dòng tít: “Thỏa thuận chiến lược mới với Ấn Độ đã được ký để chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc”.

Theo bài báo, những năm gần đây Trung Quốc tăng cường sự hiện diện ở Biển Đông, “làm bực mình” các quốc gia phương Tây như Mỹ và Úc.

Thỏa thuận được ký trong bối cảnh cả Ấn Độ và Úc đều đang căng thẳng với Trung Quốc. Với Ấn Độ là căng thẳng ở biên giới phía bắc những ngày qua, còn với Úc là việc Bắc Kinh dọa tấn công kinh tế vì Úc thúc đẩy điều tra quốc tế về dịch COVID-19 khởi phát từ Vũ Hán.

Thỏa thuận Hỗ trợ hậu cần cho nhau là một bước đi quan trọng với hai nước. Ấn Độ hiện có các thỏa thuận tương tự như vậy với Mỹ, Pháp, Nhật Bản. Thỏa thuận mới nhất sẽ trao cho Ấn Độ sự tiếp cận chiến lược sâu vào khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Báo Nikkei bình luận động thái mới nhất của Úc và Ấn Độ chắc chắn sẽ gây sự chú ý cho Trung Quốc.

N. C. Bipindra, người lập ra cổng thông tin Defence.Capital, cho biết Ấn Độ, Mỹ và Nhật Bản thường tổ chức các cuộc tập trận hàng hải ba bên và việc đưa Úc vào với tư cách thành viên thường trực đang được xem xét. Nếu Úc chính thức gia nhập, thỏa thuận của Úc – Ấn chắc chắn sẽ có ích.

Trong lần tập trận năm 2007, dù Úc chỉ tham gia cùng Ấn Độ, Mỹ trong tư cách khách mời, nhưng Trung Quốc lập tức mở chiến dịch tấn công ngoại giao vào New Delhi để phản đối việc mở rộng quy mô tập trận.

Ông Bipindra nói: “Trung Quốc sẽ xem thỏa thuận mới nhất là đi ngược lại các lợi ích của họ căn cứ vào tình hình hiện tại” khi mối quan hệ của Trung Quốc với Úc và Ấn Độ đều đang căng thẳng.

Còn theo trang Eurasiantimes.com, một liên minh “bộ tứ” đối phó Trung Quốc – gồm Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Úc – có thể sớm trở thành hiện thực.

BÌNH AN
TTO