23/01/2025

Sẽ rất buồn nếu cây phượng bị đốn hết!

Sẽ rất buồn nếu cây phượng bị đốn hết!

Mất một khoảng trời riêng, một phần ký ức… là chia sẻ của nhiều bạn trẻ khi nhìn thấy hình ảnh nhiều cây phượng bị đốn hạ trong thời gian vừa qua…

 

 

Hoa phượng gắn liền với tuổi học trò /// Tấn Đạt
Hoa phượng gắn liền với tuổi học trò  TẤN ĐẠT

Sau vụ việc cây phượng tại sân Trường THCS Bạch Đằng, Q.3, TP.HCM, bật gốc đè 1 học sinh tử vong, nhiều trường đã đốn bỏ hàng loạt cây phượng đang ra hoa. Trước việc này, nhiều bạn trẻ cảm thấy tiếc nuối và cho rằng mùa hè sẽ mất đi một phần ý nghĩa khi thiếu đi màu đỏ của những cánh phượng.

Gắn liền kỷ niệm tuổi học sinh

Vào sáng 31.5, Trường THPT Nguyễn Du (TP.HCM) đã đốn hạ một cây phượng gần 20 năm tuổi, tuy nhiên nhà trường vẫn giữ lại gốc để chăm sóc.
“Nhà trường được sự chỉ đạo từ Sở Xây dựng phải đốn cây phượng trong sân vì cây có độ nghiêng nguy hiểm. Tuy nhiên, sau vài giờ nhìn nhận sự việc nhà trường quyết định giữ lại gốc khoảng 3 m để thuận tiện chăm sóc. Tôi mong rằng cây sẽ phát triển tốt hơn để có bóng mát cho học sinh, cũng như tạo cảnh quan đẹp trong trường”, thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, nói.
Sẽ rất buồn nếu cây phượng bị đốn hết! - ảnh 1

Thầy Huỳnh Thanh Phú cho biết không bứng luôn gốc với mong muốn cây phượng sẽ phát triển tốt hơn trong thời gian tới  ẢNH: TẤN ĐẠT

Nguyễn Thị A.T, 14 tuổi, học sinh lớp 8 Trường THCS Hồng Bàng, TP.HCM, chia sẻ trường T. có khá nhiều cây xanh và những cây phượng nở hoa đỏ rực. Đi học mùa dịch Covid-19, cây phượng không chỉ là nơi che bóng mát, tạo không khí trong lành mà còn là nơi T. và nhóm bạn vui đùa mỗi khi ra chơi.

“Dạo gần đây có nhiều chuyện không may liên quan đến cây phượng, đó là một sự việc không ai mong muốn. Theo mình thì không nên đốn bỏ hết cây xanh, nhất là cây phượng, vì nó gắn liền với tuổi học trò của bọn mình”, A.T tâm sự.

Giống như T., Nguyễn Đức Anh, 16 tuổi, học lớp 10 Trường THPT Võ Thị Hồng, tỉnh Cà Mau, cho biết cây phượng như là một miền ký ức của lứa tuổi cắp sách đến trường.

“Từ hồi học THCS, tụi em thường hay đi hái hoa phượng ép vào sổ làm bươm bướm, hay viết những dòng lưu bút về hoa phượng”, Đức Anh nói.

Không những thế, Nguyễn Đức Anh còn tâm tự: “Em thấy hoa phượng không những là hình ảnh gắn liền với lứa tuổi học sinh mà nó còn tượng trưng cho tình yêu trong sáng…”.

Sẽ rất buồn nếu cây phượng bị đốn hết! - ảnh 2

Mùa hoa phượng nở cũng là lúc các chiến dịch hè được khởi động ẢNH: TẤN ĐẠT

Võ Phi Thành Đạt, 20 tuổi, sinh viên Học viện Cán bộ TP.HCM, chia sẻ nhắc tới cây phượng là nhớ đến các chiến dịch tình nguyện vào dịp hè. Đó là những lúc tuổi trẻ thể hiện tinh thần xung phong, nhiệt huyết, tình nguyện vì cộng đồng.

“Mùa phượng nở cũng là lúc bọn mình xách ba lô lên và tham gia chiến dịch tình nguyện Hoa Phượng Đỏ”.

“Nên giữ lại những gốc phượng trong sân trường”

Không chỉ với lứa tuổi học sinh, sinh viên, cây phượng còn là những ký ức đẹp với nhiều giáo viên.

Cô Lương Du Mai, Hiệu trưởng Trường THCS Cách Mạng Tháng 8, TP.HCM, chia sẻ từ xưa đến giờ cây phượng gắn liền với mái trường. Một số nơi còn lấy cây phượng làm biểu tượng như một nét đẹp riêng.

“Cây phượng như là một biểu tượng báo hiệu một mùa hè đến. Bản thân mình cũng hay nhặt hoa phượng ép thành bướm để tặng cho học trò và đồng nghiệp hoặc dán vào những quyển sổ lưu bút”, cô Lương Du Mai tâm sự.

Sẽ rất buồn nếu cây phượng bị đốn hết! - ảnh 3

Sẽ nhớ lắm những cánh phượng ép thành bướm  ẢNH: TẤN ĐẠT

Trong khi đó, thầy Phùng Đức Ngọc, giáo viên Trường THCS – THPT Diên Hồng, TP.HCM, chia sẻ tiếng ve, màu hoa phượng rực đỏ trên sân trường là dấu hiệu của mùa hè sắp đến, là tổng kết sau 9 tháng học tập, là mùa của sự chia ly bạn bè, thầy cô….

“Nếu cây phượng không còn trồng trong trường học đó là một điều đáng buồn, nó sẽ thiếu đi phần nào những hình ảnh, những kỷ niệm đẹp, những xao xuyến của tuổi học trò… Là một giáo viên, tôi thấy rằng hình ảnh cây phượng đã gắn liền với trường học từ lâu đời, chúng ta cũng nên giữ lại những gốc phượng trong sân trường, đồng thời cần phải có sự quan tâm chăm sóc, theo dõi từ phía nhà trường và đặc biệt có sự thẩm định an toàn từ phía các chuyên gia về cây xanh để có những giải pháp đảm bảo an toàn”, thầy Đức Ngọc cho biết.

Đừng đổ thừa

Tiến sĩ Đinh Quang Diệp, nguyên Trưởng bộ môn Cảnh quan và Kỹ thuật hoa viên, Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, cho biết không nên từ một sự cố nào đó mà đổ thừa, cấm trồng hoặc đốn hết cây phượng. “Loại cây nào cũng có đặc tính riêng của nó, nếu chúng ta biết cách trồng, chăm sóc và bảo quản thì không đáng lo ngại, đồng thời góp phần tạo mảng xanh, che mát sân trường, giúp không gian mát mẻ, không khí trong lành hơn”, ông Diệp nói.

Tiến sĩ Diệp cho rằng cây phượng là loài cây rất dễ sống, dễ ra rễ, do đó nhiều người thường hay mua những cây lớn về trồng. Nhưng điều này sai lầm, dù dễ sống nhưng nếu thân to mà rễ ít và yếu, cây rất dễ đổ, ngã, bật gốc. Đó là chưa nói đến thân cây dễ sâu bệnh, mục, rỗng theo thời gian.

Sẽ rất buồn nếu cây phượng bị đốn hết! - ảnh 4

Tiến sĩ Diệp cho rằng, loại cây nào cũng có đặc tính riêng của nó, nếu chúng ta biết cách trồng, chăm sóc và bảo quản thì không đáng lo ngại  ẢNH: TẤN ĐẠT

“Khi trồng cây phượng, nên trồng cây cao khoảng 3 m trở lại, chăm sóc cho bộ rễ đủ đất ăn, bám sâu vào lòng đất. Ngoài ra cũng nên thường xuyên quan sát, nếu thấy cây có dấu hiệu bệnh, mục rỗng thì nên đốn bỏ, trồng cây khác. Nếu cây còn khỏe và phát triển tốt, tới mùa ra hoa trái hay mùa mưa cần tỉa bớt cành, hạ thấp cây để chúng không bị gãy, đổ, gây nguy hiểm cho con người. Đặc biệt, khi cây tới tuổi, khoảng chừng vài chục năm, chúng ta có thể thay cây mới để đảm bảo an toàn”, ông Diệp phân tích.

TẤN ĐẠT

TNO