23/12/2024

Học văn như thế nào để đạt kết quả tốt trong kỳ thi?

Học văn như thế nào để đạt kết quả tốt trong kỳ thi?

Cách nào để học môn văn nhẹ nhàng, đạt kết quả tốt là câu hỏi của không ít học sinh lớp 12 hiện nay, nhất là khi các bạn đang gấp rút ôn tập cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020.
Học sinh tỉnh Bình Dương sau giờ thi môn văn trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 /// Lê Thanh
Học sinh tỉnh Bình Dương sau giờ thi môn văn trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 LÊ THANH

Không nên đọc văn mẫu

Từng đoạt huy chương bạc Olympic tháng 4 môn ngữ văn khối 11 TP.HCM năm 2018; giải nhì học sinh giỏi môn văn TP.HCM năm học 2018-2019, Nguyễn Ngọc Phương Thảo, hiện là sinh viên năm nhất của Học viện Cán bộ TP.HCM, khẳng định: “Môn văn là một trong những môn chính và không ít học sinh hay lo lắng về môn học này trong các kỳ thi. Nhưng em nghĩ, học văn không khó!”
Theo Phương Thảo, đối với chương trình môn ngữ văn ở THPT, học sinh chỉ cần đọc và nắm kỹ những nội dung cơ bản trong tác phẩm. Ở văn xuôi thì học sinh cần hiểu về nhân vật thông qua các đoạn hội thoại, hiểu về thông điệp của tác giả thông qua chính nhân vật để xâu chuỗi lại vấn đề, không cần phải ghi nhớ tất cả nội dung trong tác phẩm, điều đó dễ rối và không rút ra được ý trọng tâm. Ở thơ thì trước hết phải thuộc thơ, sau đó chú ý những đoạn thơ trọng tâm về ý nghĩa và nghệ thuật để phân tích tốt hơn.
“Hơn hết, em thấy khi làm văn chúng ta không nên đọc văn mẫu, vì khi đó ý văn của chúng ta rất dễ bị cạn hoặc cuốn theo lời văn của người khác. Học văn là tự khai thác suy nghĩ, cảm nhận của mìn…”, Phương Thảo nói.

Học văn bằng sơ đồ tư duy

Cũng từng đoạt giải ba cấp tỉnh cuộc thi Học sinh giỏi môn ngữ văn năm 2018-2019, Nguyễn Thúy Anh (lớp 12A1, Trường THPT Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai), cho rằng: “Để học giỏi môn văn đòi hỏi học sinh phải biết vận dụng nhiều kỹ năng và kiến thức từ học tập cũng như trong cuộc sống”.
Theo Thúy Anh, học văn sẽ nhẹ nhàng hơn nếu bạn học đúng cách. Trước hết, để có thể làm bài được, buộc chúng ta phải nắm kỹ tác phẩm. Khi tiếp cận một tác phẩm, bước đầu bạn phải đọc thật kỹ tác phẩm, ghi nhớ những chi tiết quan trọng và nổi bật; sau đó dựa vào sự hướng dẫn của giáo viên, bạn có thể nắm bắt được các ý chính, từ đó có thể vận dụng để làm bài. “Để có thể cải thiện được kỹ năng viết của mình, chúng ta cần phải đọc. Đọc tác phẩm và những gì có liên quan đến tác phẩm sẽ giúp bạn cải thiện khả năng tư duy văn học của mình”, Thúy Anh nói
Thúy Anh chia sẻ: “Cách học văn khá hiệu quả là học bằng sơ đồ tư duy, nó giúp học sinh hệ thống lại kiến thức ngắn gọn nhưng đầy đủ sau mỗi tác phẩm. “Trên lớp, giáo viên dạy văn của em cũng thường xuyên áp dụng cách học này, nhờ đó mà em có thể nắm được kiến thức chắc hơn, nhớ lâu hơn”.
Cũng theo Thúy Anh, khi chúng ta đọc đề bài, cần chú ý những từ then chốt. Việc nhìn ra từ then chốt sẽ quyết định bạn có đi đúng hướng làm bài hay không. “Ví dụ, nếu như bài văn yêu cầu nêu phân tích tâm trạng nhân vật nhưng bạn chỉ phân tích nhân vật thì dù bạn viết có dài, có hay, điểm của bạn cũng sẽ không cao. Thế nên, khi đi thi, cần đặc biệt chú ý những từ then chốt, và tốt hơn là nên gạch chân chúng để không bị thiếu sót hay sai lệch ý…”, Thúy Anh, lưu ý.
“Một điều hết sức quan trọng là khi làm bài thi phải biết phân chia thời gian hợp lý. Đối với em, điều đầu tiên sau khi em đọc kỹ đề bài, gạch chân những chỗ đặc biệt thì em sẽ làm dàn ý sơ lượt qua giấy nháp, rồi phân chia thời gian cho từng phần viết. Ví dụ, bài thi có 90 phút thì đọc hiểu 10-15 phút, phần đoạn văn 200 chữ 15 phút và dành 60 phút còn lại để làm bài văn. Việc lập dàn ý có tác dụng rất tốt, vừa giúp chúng ta không đi lệch hướng bài văn mà còn giúp mình phân chia thời gian làm bài hợp lý…”, Thúy Anh chia sẻ kinh nghiệm.
LÊ THANH
TNO