Mỹ trong cuộc đối đầu toàn diện với Trung Quốc
Mỹ trong cuộc đối đầu toàn diện với Trung Quốc
Nước Mỹ, dưới thời Tổng thống Donald Trump, đang tiến hành một loạt biện pháp cả về kinh tế, chính trị lẫn quân sự nhằm đối đầu, kiềm chế sự trỗi dậy và tham vọng của Trung Quốc.
Trả lời Thanh Niên ngày 31.5, chuyên gia Harry J.Kazianis (Trung tâm lợi ích Mỹ, Tổng biên tập chuyên san The National Interest), một nhà bình luận chính trị cho nhiều kênh truyền hình Mỹ – trong đó có Fox News, cho rằng Washington đang có sự thay đổi mạnh mẽ hơn về Bắc Kinh.
Bước ngoặt mới
Ông Kazianis phân tích: “Cho đến bây giờ, vẫn còn nhiều người Mỹ giữ nhận thức thời Chiến tranh lạnh, chưa nhận ra Trung Quốc chính là đối thủ mà Mỹ phải đối đầu. Nhiều người như thế thậm chí vẫn còn đánh giá tình hình như thời Tổng thống Barack Obama. Đó là giai đoạn mà nhiều người có ảnh hưởng tại Mỹ theo đuổi quan điểm rằng Washington với Bắc Kinh chỉ “cạnh tranh chứ không đối đầu”. Suy nghĩ đó được củng cố bằng luận điểm đánh giá nền dân chủ Mỹ và các quốc gia có cùng định hướng luôn đủ sức định hình, kiểm soát sự trỗi dậy của Trung Quốc. Với họ, khả năng tồi tệ nhất cũng chỉ là Bắc Kinh có chút ít tham vọng và tạo ra một sự đe dọa nhất định về địa chính trị, nhưng rồi sẽ bị Washington cùng đồng minh dễ dàng dập tắt”.
Theo ông Kazianis, nhận định đó là không đúng, bởi thực tế thì cuộc “so găng” Mỹ – Trung ở mức độ tương đương với sự đối đầu giữa Mỹ với Liên Xô vào những thời điểm căng thẳng nhất của thời Chiến tranh lạnh.
“Bắc Kinh hết lần này đến lần khác thể hiện rõ tham vọng không chỉ thay thế Mỹ ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, mà còn ra sức làm tất cả những gì có thể để khiến Washington phải suy yếu trên toàn cầu. Từ việc tìm cách thống trị trên Biển Đông, thâu tóm lợi ích thương mại quốc tế, tìm cách khuất phục Đài Loan… cho đến giờ đây là hạn chế quyền tự trị của Hồng Kông đều chứng minh Trung Quốc đang thể hiện một tham vọng thống trị trước toàn thế giới”, chuyên gia Kazianis đánh giá.
Tung đòn trừng phạt
Từ đó, theo ông, những gì chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang thực thi là nhằm chỉ ra thực tế thách thức từ Trung Quốc, đề ra biện pháp thiết thực để giải quyết. “Bài phát biểu ngày 29.5 của Tổng thống Trump là bước đi đầu tiên trong việc định hướng lại hoàn toàn chính sách đối ngoại của Mỹ để giải quyết vấn đề Trung Quốc”, chuyên gia Kazianis nhận xét.
Thực tế, cùng với việc chỉ trích Trung Quốc trong bài phát biểu, chủ nhân Nhà Trắng cũng đã công bố một loạt biện pháp trừng phạt Bắc Kinh đại lục về kinh tế, chính trị như: Cấm vận những quan chức Trung Quốc và Hồng Kông liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp luật an ninh quốc gia mới cho Hồng Kông; Ngừng cấp visa cho sinh viên cao học và nhà nghiên cứu Trung Quốc liên quan các chương trình quân sự (quy định có hiệu lực từ ngày 1.6); Giới chức Mỹ nghiên cứu những hành vi của các công ty Trung Quốc niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ, nhằm bảo vệ nhà đầu tư nội địa.
Trong đó, việc Washington bắt đầu tiến trình loại bỏ các chính sách ưu đãi đặc biệt dành cho Hồng Kông như lâu nay sẽ tác động lớn đến đặc khu hành chính này. Vì thế, Trung Quốc đại lục sẽ bị mất đi một cửa ngõ để quốc tế hóa nhân dân tệ cũng như kết nối với thị trường tài chính toàn cầu.
Đó là chưa kể thời gian qua, Mỹ cũng tiến hành nhiều biện pháp trừng phạt kinh tế Trung Quốc khi hai bên bùng nổ chiến tranh thương mại.
Răn đe quân sự
Bên cạnh đó, trả lời Thanh Niên, một chuyên gia có nhiều kinh nghiệm về tình hình quân sự Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (Indo-Pacific) nhận định Mỹ đang cấp tập đẩy mạnh các hoạt động quân sự tại khu vực này, đặc biệt là ở Biển Đông, nhằm răn đe Trung Quốc.
Theo ông, hai động thái nổi bật nhất của Mỹ gần đây là điều động tàu ngầm đến tây Thái Bình Dương để có thể kịp thời phản ứng mọi diễn biến. Kèm theo đó là việc triển khai máy bay ném bom tầm xa chiến lược B-1 đến khu vực.
Tuy nhiên, theo chuyên gia này, việc Mỹ đẩy mạnh hoạt động ở Biển Đông không chỉ nhất thời trong vài tháng qua. Từ đầu năm đến nay, hải quân Mỹ đã 5 lần tiến hành tự do hàng hải (FONOP) ở Biển Đông. Mật độ Mỹ tiến hành FONOP trên Biển Đông tăng khá nhanh từ năm 2019 đến nay. Cụ thể, năm 2019 có 9 lần, trong khi năm 2018 chỉ 5 lần, còn các năm trước đó là 6 lần vào năm 2017, 3 lần vào năm 2016 và chỉ 2 lần vào năm 2015.
Không chỉ đơn phương tiến hành, Mỹ còn phối hợp cùng nhiều đối tác quốc tế. Vào tháng 5.2019, Mỹ cùng với Nhật Bản, Ấn Độ và Philippines điều 6 chiến hạm tập trận chung tại Biển Đông. Cuối tháng 4 vừa qua, hải quân Mỹ và Úc vừa có cuộc tập trận chung trên Biển Đông. Rồi đến ngày 28.5 mới đây, Bộ Tư lệnh Indo-Pacific (INDOPACOM) thuộc hải quân Mỹ thông tin các tàu chiến của hải quân Mỹ và hải quân Singapore vừa tập trận song phương trên Biển Đông từ ngày 24 – 25.5.
Các cuộc tập trận đều được nhấn mạnh nhằm đảm bảo an ninh khu vực Indo-Pacific. Theo vị chuyên gia trên thì Washington đang truyền đi thông điệp thể hiện quyết tâm và cam kết của Mỹ đối với khu vực, hỗ trợ chính sách Indo-Pacific tự do và rộng mở để chống lại chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc mà điển hình là tại Biển Đông, hướng đến đảm bảo quyền tự do hàng hải cũng như luật pháp quốc tế.
Bắc Kinh lập ADIZ ở Biển Đông ?
Tờ South China Morning Post hôm qua dẫn nguồn tin quân đội Trung Quốc cho hay nước này đã lên kế hoạch lập vùng nhận diện phòng không (ADIZ) trên Biển Đông từ năm 2010. Theo đó, ADIZ được đề xuất bao trùm cả quần đảo Đông Sa (Pratas) ở phía bắc Biển Đông, 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam, và cơ quan chức năng Trung Quốc đang chờ thời điểm công bố. Kế hoạch được lập vào cùng thời điểm Bắc Kinh lên kế hoạch về ADIZ ở biển Hoa Đông. Một nguồn tin khác cho rằng Bắc Kinh hiểu rõ Biển Đông lớn hơn nhiều so với biển Hoa Đông nên cần nhiều nguồn lực hơn để tuần tra.
Khánh An
Truyền thông Trung Quốc chỉ trích động thái của Mỹ
Truyền thông nhà nước Trung Quốc và chính quyền đặc khu Hồng Kông hôm qua chỉ trích việc Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố bắt đầu tiến trình loại bỏ các chính sách ưu đãi đặc biệt đối với Hồng Kông.
“Lệnh cấm vận của Mỹ không thể khiến Hồng Kông sợ hãi hay đánh bại Trung Quốc”, theo tờ Nhân dân nhật báo. Tương tự, tờ Hoàn Cầu thời báo cho rằng: “Mỹ nên tính toán tổn thất của mình trước. Hồng Kông hằng năm đóng góp cho Mỹ hàng chục tỉ USD thặng dư thương mại và gắn liền với lợi ích của nhiều công ty Mỹ”. Reuters dẫn lời một người phát ngôn của chính quyền Hồng Kông nói: “Mỹ tiếp tục bôi nhọ các quyền và nghĩa vụ hợp pháp của chúng tôi để bảo vệ an ninh quốc gia”.
Phúc Duy
NGÔ MINH TRÍ
TNO