Có vẻ như trên 3.000 nạn nhân tố cáo
Công ty CP địa ốc Alibaba lừa đảo với số tiền lên đến 1.800 tỉ đồng, dẫn đến việc “bộ sậu” của công ty này bị bắt, vẫn chưa khiến nhiều công ty bất động sản cũng như người mua “sáng mắt”.
Bằng chứng là trong bài viết
Ma mãnh rao bán bất động sản, Báo
Thanh Niên đã phản ánh các công ty bất động sản (BĐS) dùng nhân viên kinh doanh,
mạng xã hội giở những chiêu trò, như: rao bán nhà đất rẻ bất ngờ, rao bán nhà đất một nơi nhưng dẫn khách đến một nơi khác; thậm chí rao bán đất ở TP.HCM nhưng dẫn đến các tỉnh vùng ven…
Những diễn viên “quần chúng”
PV
Thanh Niên đã tiếp cận nhiều nạn nhân và đóng vai khách hàng để tìm hiểu những chiêu trò của những công ty ma mãnh này. “Chiêu” phổ biến nhất vẫn là rao vặt, quảng cáo bán nhà ở những vị trí đắc địa giá hời với mục đích tạo được sự quan tâm của người có nhu cầu. Mục đích là dẫn dụ khách hàng gặp mặt, từ đó thay vì dẫn khách đi xem nhà, đất được rao bán thì đưa khách đến các vùng ven, thậm chí các tỉnh để xem “đất dự án”…
Pháp luật và các cơ quan chức năng ở đâu, làm gì mà để cò đất lộng hành, tung tin lừa đảo như vậy?
Nhiều khách hàng đã sập bẫy và hậu quả là đến thời điểm hiện tại, khách hàng vẫn chưa nhận được sổ hồng như quy định trong hợp đồng. Đáng nói, những “dự án” mà các công ty này “vẽ” ra đến nay vẫn chỉ là… những bãi đất hoang. Những vụ khiếu kiện về đất đai kéo dài, gây bất ổn xã hội cũng bắt đầu từ những vụ việc thế này.
Bạn đọc (BĐ) Roger Trần chia sẻ từng là nạn nhân như thông tin mà Báo Thanh Niên nêu. Theo đó, BĐ này tiếp cận một công ty rao bán đất ở Q.8 (TP.HCM). Thế nhưng, khi gặp nhân viên
kinh doanh, Roger Trần được đưa đi Long Thành (Đồng Nai) để… xem đất. Tương tự, BĐ Lê Vân Sơn cũng được hứa hẹn cho đi xem đất ở Q.Bình Tân (TP.HCM), tưởng thật BĐ Sơn lên ô tô thì được một công ty chở đi… Đồng Nai. Đi được 50 km, đoán chừng sự việc bất ổn không như quảng cáo, BĐ Sơn đã yêu cầu được xuống xe về lại TP.HCM gấp.
Nhìn cái giá rao bán là đủ hiểu vấn đề rồi! “Chiêu” này cũ nhưng xem ra vẫn còn hiệu nghiệm.
Trường hợp của BĐ Trần Linh còn “ly kỳ” hơn. “Tôi đã từng bị dẫn qua Đồng Nai dù đã hỏi kỹ có phải đất Q.2 (TP.HCM) hay không. Đến nơi họ có một đoàn “diễn viên”, tuổi tầm 45 – 60, giả vờ “tranh giành đặt cọc vì giá quá tốt” để cuốn những “con mồi” vào bẫy. Tôi chứng kiến hôm đó có ít nhất tầm 5 – 6 người lơ ngơ đặt cọc theo. Không biết họ có lấy lại được tiền không dù nhân viên khẳng định chắc như “đinh đóng cột”, rằng cứ đặt cọc đi nếu sau này không thích sẽ được hoàn trả đầy đủ hoặc sang tay cho khách khác giá cao hơn vì đang “sốt” đất”, BĐ Trần Linh kể.
Xử lý triệt để quảng cáo dối trên không gian mạng
Những phản ánh của Thanh Niên trong bài viết Ma mãnh rao bán bất động sản được BĐ Đào Anh Tuấn cho rằng: “Rất chính xác! Đề nghị các ngành chức năng phối hợp hiệu quả để giám sát, kiểm tra, thanh tra, triệt để các hành vi quảng cáo gian dối lừa đảo… trên không gian mạng, quảng cáo sai sự thật… Những hành vi này là nguồn cơn của những hệ lụy sau này”.
Nhiều “cò” tham gia lừa đảo nhà đất cho các “dự án ma”, ăn chia lợi nhuận và tiền hoa hồng. Mong muốn những lãnh đạo của các công ty là “tác giả” của những “dự án ma” đã bị khởi tố, cần xử tù nghiêm khắc để làm gương cho các “cò”.
BĐ Vương Võ phân tích thẳng thắn: Vì lòng tham nhưng thiếu hiểu biết về giá BĐS từng khu ở TP, nhiều người mua BĐS theo hiệu ứng đám đông. Chỉ cần các công ty quảng cáo “nổ” trên trời, những người mua tranh giành nhau, không tìm hiểu giá trị BĐS khu vực mình muốn mua, sản phẩm BĐS đã được các cơ quan chức năng cấp phép chưa. Giá trị BĐS mỗi khu vực khác nhau. Ai muốn mua nên đến cơ quan quản lý đất đai địa phương tìm hiểu kỹ. “Tôi làm môi giới nhà gần 10 năm. Tôi khuyên khách mua nhà, trước khi quyết định mua căn nhà nào đó đến phòng tài nguyên – môi trường hỏi căn nhà mình muốn mua có giao dịch hợp pháp không”, Vương Võ nêu kinh nghiệm.