ASEAN giữa bước ngoặt tái định hình chuỗi cung ứng toàn cầu
ASEAN giữa bước ngoặt tái định hình chuỗi cung ứng toàn cầu
Đại dịch Covid-19 đang tạo ra một cơ hội phát triển mới cho các nền kinh tế của ASEAN trong thời gian tới.
Dự báo của các tổ chức kinh tế quốc tế gần đây đều đánh giá các nước ASEAN đối mặt suy giảm hoặc suy thoái trong năm 2020 vì tình hình chung toàn cầu. IMF dự báo tăng trưởng của năm nền kinh tế lớn của ASEAN (Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam) ở mức -0,6% vào năm 2020, giảm so với dự báo trước đó là +4,8%. Báo cáo phát triển của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) được công bố vào tháng 4 vừa qua dự báo tăng trưởng kinh tế tại khu vực Đông Nam Á sẽ chỉ ở mức 1% vào năm 2020. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cũng nhìn nhận các nền kinh tế ASEAN trỗi dậy sau đại dịch Covid-19 bởi những yếu tố sau.
Cơ hội
Những tranh cãi về sự minh bạch của Trung Quốc đối với bệnh dịch Covid-19 trở thành giọt nước tràn ly trong mối quan hệ thương mại Mỹ – Trung. Phương Tây không còn muốn chuỗi cung ứng toàn cầu phụ thuộc vào Trung Quốc nữa. Ngoài ra, kinh tế Trung Quốc đang bị đình trệ và chỉ đạt mức tăng trưởng trung bình 6,3% trong 4 năm trở lại đây, đặc biệt năm 2019 mức tăng trưởng chỉ còn đạt 6,1% – thấp nhất trong gần 3 thập niên trở lại đây. Nhiều nhà sản xuất đã bắt đầu di dời dây chuyền sản xuất khỏi Trung Quốc do chi phí tăng và các quy định thương mại cứng rắn hơn.
Vừa qua, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã tuyên bố Mỹ đang thúc đẩy xây dựng một “Mạng lưới thịnh vượng kinh tế”, với sự tham gia của Việt Nam. Mạng lưới này được hình thành trên nền tảng “bộ tứ kim cương” gồm Mỹ, Nhật Bản, Úc và Ấn Độ, được Washington xem như điểm nhấn quan trọng trong chính sách thương mại thúc đẩy phát triển kinh tế toàn cầu thời hậu Covid-19.
Lợi thế
Cộng đồng kinh tế ASEAN (ASEAN Economic Community – AEC) đang đẩy mạnh thực thi 4 mục tiêu hội nhập bao gồm:
Xây dựng thị trường đơn nhất và cơ sở sản xuất chung (tự do lưu chuyển hàng hóa, dịch vụ, vốn đầu tư, tự do lưu chuyển lao động có tay nghề); Phát triển một khu vực kinh tế cạnh tranh (trong khuôn khổ chính sách về cạnh tranh chung, bảo vệ người tiêu dùng, quyền sở hữu trí tuệ, hệ thống thuế quan chung); Phát triển kinh tế cân bằng (chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, thu hẹp khoảng cách phát triển trong ASEAN); Hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu (thông qua phối hợp chặt chẽ trong đàm phán đối tác kinh tế, nâng cao năng lực tham gia vào mạng lưới cung ứng toàn cầu).
AEC sẽ là thị trường lớn thứ ba thế giới về dân số (622 triệu dân) chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ. Lực lượng lao động của ASEAN thuộc nhóm trẻ; mức chi phí nhân công tại Đông Nam Á cũng thấp hơn Trung Quốc.
Thách thức
Giữa những cơ hội và ưu thế trên thì thực tế cũng đặt ra không ít thách thức cho ASEAN. Điển hình như nhiều nền kinh tế khác cũng đang nỗ lực thu hút các tập đoàn toàn cầu để lấp khoảng trống của Trung Quốc. ASEAN vẫn phải giải quyết không ít vấn đề để có thể chiếm lợi thế tuyệt đối với các đối thủ cạnh tranh đáng gờm khác như Ấn Độ, Ai Cập, Brazil…
Trong quá trình chuyển đổi chuỗi cung ứng toàn cầu, việc áp dụng các sáng kiến như trí tuệ nhân tạo (AI) và tự động hóa sẽ cần phải được các doanh nghiệp đặc biệt quan tâm. Các doanh nghiệp ASEAN cũng cần xây dựng sức mạnh trong những ngành dịch vụ mang tính bổ trợ cho chuỗi cung ứng, ví dụ logistics, phân phối, thương mại điện tử, viễn thông…
Ở tầm vĩ mô, các nước ASEAN phải bảo đảm sự thông suốt và thống nhất trong chính sách thương mại đầu tư, hạn chế tối đa những quy định riêng biệt của địa phương (so với chính sách của trung ương), củng cố phát triển cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng của nguồn nhân lực và đảm bảo nguồn cung nguyên liệu sản xuất ổn định…
Ở cấp độ vi mô, các doanh nghiệp ASEAN sẽ phải nỗ lực nâng cao năng lực sản xuất, đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật theo tiêu chuẩn quốc tế, qua đó đảm bảo vai trò đối tác chiến lược trong chuỗi cung ứng. ASEAN cũng sẽ cần thu hẹp khoảng cách với các nền kinh tế có năng lực sản xuất cao hơn bằng cách gia tăng số lượng và chất lượng vốn cổ phần của mỗi công nhân (capital stock per worker). Trong khu vực ASEAN, trừ Singapore thì chỉ số này của các nền kinh tế còn lại chỉ ở mức từ 10 – 40% so với Mỹ.
Khi xây dựng phương án hiệu quả cho những vấn đề trên, khả năng thành công của ASEAN sẽ trở nên cao hơn.
PGS-TS Trần Việt Dũng
(Trưởng khoa Luật quốc tế – Đại học Luật TP.HCM, Cố vấn pháp lý cao cấp Victory LLC)