22/12/2024

Trung Quốc đối mặt áp lực quốc tế vì Hồng Kông

Trung Quốc đối mặt áp lực quốc tế vì Hồng Kông

Trung Quốc đối mặt áp lực quốc tế ngày càng tăng liên quan đến việc áp đặt luật an ninh quốc gia mới dành riêng cho Hồng Kông.
Cảnh sát Hồng Kông đụng độ với người biểu tình phản đối dự luật cấm phỉ báng quốc ca Trung Quốc hôm 27.5 /// REUTERS
Cảnh sát Hồng Kông đụng độ với người biểu tình phản đối dự luật cấm phỉ báng quốc ca Trung Quốc hôm 27.5  REUTERS
Bộ Công an Trung Quốc ngày 29.5 tuyên bố sẽ “chỉ đạo và hỗ trợ cảnh sát Hồng Kông ngăn chặn bạo lực và lập lại trật tự” sau làn sóng biểu tình rầm rộ phản đối chính quyền đặc khu năm ngoái, theo Reuters. Lâu nay, cảnh sát Hồng Kông hoạt động độc lập và Bộ Công an Trung Quốc không có quyền hạn ở đặc khu này. Mới đây, quốc hội Trung Quốc thông qua dự thảo nghị quyết về ban hành luật an ninh quốc gia mới dành riêng cho Hồng Kông. Dự kiến có hiệu lực trước tháng 9, luật an ninh quốc gia mới cho phép ngăn chặn, xử lý những hành vi, hoạt động như can thiệp của nước ngoài, ly khai, lật đổ chính quyền, khủng bố và các cơ quan an ninh Trung Quốc đại lục được quyền hoạt động công khai tại Hồng Kông.
Phản ứng trước điều luật mới của Trung Quốc, các nước Mỹ, Anh, Canada và Úc đã lên tiếng chỉ trích. Trong một tuyên bố chung cùng ngày 29.5, Anh, Canada, Mỹ và Úc nhấn mạnh việc Bắc Kinh áp dụng luật an ninh mới đối với Hồng Kông là vi phạm Tuyên bố chung Trung – Anh năm 1984, đe dọa quyền tự do của người dân Hồng Kông, theo AFP. Tuyên bố chung năm 1984 đảm bảo quyền tự trị của Hồng Kông đến năm 2047 theo nguyên tắc “một quốc gia, hai chế độ” sau khi Anh trao trả Hồng Kông cho Trung Quốc năm 1997.
Ngoại trưởng Anh Dominic Raab cảnh báo nếu Trung Quốc không từ bỏ luật an ninh mới, thì London sẽ thay đổi chính sách visa đối với người Hồng Kông sở hữu hộ chiếu hải ngoại (BNO). “Chúng tôi sẽ bỏ hạn mức 6 tháng, cho phép người Hồng Kông sở hữu hộ chiếu BNO đến Anh, tìm việc làm và học tập trong vòng 12 tháng, mở đường cho khả năng nhập tịch trong tương lai”, ông Raab nói với Đài BBC.
Đáp lại, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên hôm qua cho biết Bắc Kinh kiên quyết phản đối tuyên bố của 4 nước kể trên. Ông Triệu cảnh báo Trung Quốc có quyền đưa ra biện pháp đáp trả phù hợp trước việc Anh đề xuất cho phép người Hồng Kông nhập tịch.
Bên cạnh đó, ông Triệu cho rằng: “Hồng Kông là vấn đề nội bộ và không nước nào có quyền can thiệp vào. Chúng tôi sẽ áp dụng biện pháp đáp trả nếu Mỹ có động thái can thiệp liên quan đến luật an ninh mới ở Hồng Kông. Trung Quốc quyết không cho phép Mỹ thao túng HĐBA LHQ”. Tuần này, Trung Quốc đã ngăn chặn đề xuất của Mỹ về việc đưa vấn đề Hồng Kông vào chương trình nghị sự của HĐBA LHQ. Sau đó, Mỹ, Anh xúc tiến và đảm bảo sẽ có một cuộc thảo luận không chính thức về Hồng Kông tại HĐBA LHQ trong ngày 29.5, AFP dẫn lời các nguồn tin ngoại giao tiết lộ.
Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố rút lại quy chế đặc biệt với các ưu tiên về thương mại đối với Hồng Kông vì Trung Quốc không còn duy trì mức độ tự trị cao cho đặc khu này.
Thương chiến Mỹ – Trung cắt giảm 1.700 tỉ USD
Ngân hàng Dự trữ liên bang New York hôm qua công bố nghiên cứu mới cho thấy cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung Quốc kéo dài 2 năm đã cắt giảm 1.700 tỉ USD vốn hóa thị trường của các công ty Mỹ, theo báo Business Insider. Nghiên cứu còn phát hiện cuộc chiến tranh thương mại đã cắt giảm mức tăng trưởng đầu tư của Mỹ 0,3 điểm phần trăm vào cuối năm 2019 và sẽ cắt giảm thêm 1,6 điểm phần trăm vào cuối năm nay. Nhiều công ty Mỹ gánh hầu hết chi phí phát sinh từ thuế nhập khẩu cao hơn của Mỹ và những công ty xuất khẩu sang Trung Quốc kiếm được lợi nhuận thấp hơn do thuế quan của Trung Quốc. Cuộc chiến thương mại cũng góp phần khiến nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm trong 2 năm qua. Hồi tháng 1, Mỹ và Trung Quốc đạt được thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 để hạ nhiệt cuộc chiến thương mại, nhưng thỏa thuận này bị cho là có thể gặp rủi ro trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động mạnh tới nền kinh tế toàn cầu.
Minh Trung
PHÚC DUY
TNO