19/11/2024

Doanh nghiệp kêu vướng, ngân hàng sẽ tiếp tục ‘tháo’

Doanh nghiệp kêu vướng, ngân hàng sẽ tiếp tục ‘tháo’

Các doanh nghiệp đưa ra nhiều kiến nghị lên Ngân hàng Nhà nước liên quan đến các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay cũng như thời gian tới tại Hội nghị kết nối ngân hàng – doanh nghiệp tại TP.HCM ngày 29.5.
Các doanh nghiệp kiến nghị những giải pháp vốn trong giai đoạn mới /// Ảnh: Ngọc Thắng
Các doanh nghiệp kiến nghị những giải pháp vốn trong giai đoạn mới  ẢNH: NGỌC THẮNG

Doanh nghiệp lớn cũng cần hỗ trợ

Theo ông Trần Việt Anh, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) TP.HCM, trước đây giá nguyên liệu nhựa 1.300 – 1.500 USD/tấn nhưng nay xuống chỉ còn 700 USD/tấn. Mua 1.000 tấn chỉ cần 700.000 USD thay vì 1,5 triệu USD như trước. Do đó các DN nhựa cần ngân hàng (NH) cho mở LC để mua nguyên liệu dự trữ và hạn mức cho vay USD nhập khẩu nguyên liệu. “Sau thời gian giãn cách chống dịch Covid-19, nhiều DN bị ảnh hưởng nhưng cơ hội cũng không ít. Do đó NH cũng nên có những chính sách đồng hành cùng những DN khỏe để chớp cơ hội”, ông Việt Anh nói.
Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM, đánh giá cao sự hỗ trợ DN của ngành NH trong giai đoạn đầu khi dịch Covid-19 vừa bùng phát. Tuy nhiên, trước tình hình dịch bệnh càng diễn biến phức tạp và kéo dài, nhiều DN trong ngành gặp khó khăn, đặc biệt là tiếp cận các chính sách hỗ trợ như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, cho vay mới.
Một số DN phản ánh các điều kiện vay vốn thậm chí còn khắt khe, chặt chẽ hơn; thủ tục thẩm định, chứng minh thiệt hại còn phức tạp, rườm rà; DN vừa, nhỏ và siêu nhỏ khó tiếp cận chính sách ưu đãi…
Đặc biệt, NH đưa ra điều kiện để được tiếp nhận hỗ trợ là DN phải chứng minh được thiệt hại trong sản xuất kinh doanh khi giảm doanh thu, lợi nhuận của quý 1.
“Nhưng doanh thu ngành lương thực, thực phẩm có yếu tố mùa vụ, thường tăng mạnh trong quý 1 do dịp Tết Nguyên đán. Do đó, sau tết, các DN không thể chứng minh được ảnh hưởng sụt giảm doanh thu, kinh doanh lỗ, hàng tồn kho tăng để đủ điều kiện hưởng các chính sách hỗ trợ. Giờ khi tình hình dịch được kiểm soát, để đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh, DN phải thu mua, nhập thêm nguồn nguyên phụ liệu nhưng chi phí tại thời điểm này đều tăng so với trước đây. Vì thế, các DN ngành lương thực thực phẩm đang thật sự rất cần được hỗ trợ ưu tiên nguồn vốn từ NH thông qua cho vay mới và giảm lãi suất vay để gia tăng, tiếp tục ổn định sản xuất”, bà Chi đề nghị.
Làm trong ngành dệt may 32 năm, ông Phạm Văn Việt, Phó chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP.HCM, cho biết chưa bao giờ chứng kiến ngành dệt may gặp phải cảnh khó khăn như hiện nay, có thể nói là khó khăn kép cả đầu vào lẫn đầu ra. Doanh thu của các DN chỉ bằng khoảng 30% cùng kỳ năm trước, đó là chưa kể các đối tác còn đề nghị giãn thời gian thanh toán hàng từ 60 lên 90 ngày…
Để hỗ trợ DN vượt qua khó khăn giai đoạn này, ông Phạm Văn Việt kiến nghị NH hỗ trợ lãi suất vay 24 tháng thay vì 12 tháng, giữ ổn định tỷ giá, giảm tỷ lệ ký quỹ… Hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, ông Thái Bá Cần, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Nguyễn Hoàng, đề xuất NH Nhà nước kiến nghị lên Chính phủ có một gói tín dụng hỗ trợ nền kinh tế như các nước. Gần đây nhất là khối Liên minh Châu Âu đã dự kiến đưa ra gói hỗ trợ lên đến hàng tỉ euro cho nền kinh tế, doanh nghiệp.

Miễn, giảm lãi suất gần 1,14 triệu tỉ đồng

Tính đến ngày 25.5, theo NH Nhà nước, sau 2 tháng triển khai các biện pháp hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn do dịch Covid-19, các NH đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho trên 223.000 khách hàng với dư nợ hơn 151.000 tỉ đồng; miễn, giảm lãi suất cho hơn 320.000 khách hàng với dư nợ gần 1,14 triệu tỉ đồng; cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế từ 23.1 đến nay đạt trên 767.000 tỉ đồng cho hơn 196.000 khách hàng, lãi suất thấp hơn phổ biến từ 0,5 – 2,5% so với trước dịch.
Ông Nguyễn Hoàng Dũng, Phó tổng giám đốc VietinBank, cho biết hệ thống NH thương mại cắt giảm hàng ngàn tỉ đồng lợi nhuận để hỗ trợ DN vượt qua khó khăn này bởi cứu DN cũng là cứu mình. Dù vậy, NH hỗ trợ khách hàng nhưng không có nghĩa hạ tiêu chuẩn tín dụng. “Có nhiều khách hàng cho rằng thủ tục chứng minh bị ảnh hưởng dịch Covid-19 khó. DN muốn vay mới để nhập nguyên liệu sản xuất kinh doanh nhưng không chứng minh được bán cho ai, tiêu thụ như thế nào, dòng tiền ra sao… thì sao NH có thể hỗ trợ?”, ông Dũng đặt vấn đề.
Sau khi lắng nghe hơn 30 kiến nghị từ phía DN, ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc thường trực NH Nhà nước, cho biết NH Nhà nước sẽ tiếp thu những ý kiến phía cộng đồng DN để có những điều chỉnh sao cho phù hợp, thông thoáng hơn nhằm hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
“Điều tôi thấy tâm đắc, cần được quan tâm ở đây chính là những DN mà chỉ cần hỗ trợ một chút là có thể khắc phục, vượt qua được khó khăn hiện nay. Chúng ta không phải chỉ quan tâm đến những DN khó khăn, yếu kém mà ngay cả những DN khỏe có khả năng bứt phá để phát triển nhưng vướng mắc trong vấn đề thị trường, tiêu thụ sản phẩm, chưa có dòng tiền. Đây là những nội dung cũng nằm trong chủ trương, chính sách của nhà nước làm sao để khôi phục kinh tế một cách nhanh nhất. Không chỉ những DN yếu mà cả những DN khỏe, lớn cũng cần phải có hỗ trợ để sớm bứt phá”, ông Tú nói.
Trên địa bàn TP. HCM, các NH đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 158.726 khách hàng với dư nợ 48.325 tỉ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho 17.448 khách hàng với dư nợ 45.096 tỉ đồng; cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế từ 23.1 đến nay đạt 166.082 tỉ đồng.

Giảm, gia hạn nhiều loại phí, giá để hỗ trợ doanh nghiệp

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 84/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
Trong đó, Chính phủ đưa ra 3 nhiệm vụ, giải pháp thuộc thẩm quyền của Chính phủ. Một là tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Cụ thể, giảm 15% tiền thuê đất phải nộp của năm 2020 đối với các đối tượng được nhà nước cho thuê đất trực tiếp dưới hình thức trả tiền thuê đất hằng năm phải ngừng sản xuất kinh doanh do ảnh hưởng của dịch.
Bên cạnh đó, miễn phí bảo lãnh phát sinh trong năm 2020 đối với các khoản vay được Chính phủ bảo lãnh cho các DN hàng không còn dư nợ đến ngày 31.12.2019; giảm 50% giá cất cánh, hạ cánh tàu bay và giá dịch vụ điều hành bay đi, đến đối với các chuyến bay nội địa từ tháng 3 cho đến hết tháng 9.2020; áp dụng mức giá tối thiểu 0 đồng đối với các dịch vụ chuyên ngành hàng không thuộc danh mục nhà nước quy định khung giá từ tháng 3 cho đến hết tháng 9.2020.
Giảm 2% lãi suất cho vay trực tiếp, cho vay gián tiếp đối với DN nhỏ và vừa từ Quỹ phát triển DN nhỏ và vừa; giảm 50% lệ phí trước bạ khi đăng ký ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước tới hết năm 2020 nhằm kích thích tiêu dùng trong nước. Gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước đối với các khoản phải nộp phát sinh từ tháng 3.2020; thời gian gia hạn không muộn hơn thời điểm ngày 31.12.2020.
Chính phủ cho phép các chuyên gia, nhà quản lý DN, nhà đầu tư, lao động kỹ thuật cao là người nước ngoài làm việc trong các dự án đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, được nhập cảnh vào Việt Nam để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh của DN.
Gia hạn giấy phép lao động cho các chuyên gia, nhà quản lý DN, lao động kỹ thuật là người nước ngoài đang làm việc tại các DN; cấp giấy phép lao động mới cho các chuyên gia, nhà quản lý DN, lao động kỹ thuật là người nước ngoài để thay thế cho những người không được nhập cảnh hoặc không nhập cảnh trở lại Việt Nam.
Chính phủ cho phép các khoản đóng góp, ủng hộ trong các hoạt động chống dịch Covid-19 là khoản chi phí hợp lý được trừ khi tính thuế thu nhập DN…
Chí Hiếu
THANH XUÂN
TNO