23/01/2025

Thất thoát thuế ở “cổng” hải quan

Thất thoát thuế ở “cổng” hải quan

Các chuyên gia và doanh nghiệp xuất nhập khẩu đều khẳng định, hầu hết các vụ gian lận thuế trót lọt đều có sự tiếp tay, thông đồng của cán bộ hải quan.
Lực lượng hải quan nắm rất vững về chuyên môn, nên doanh nghiệp khó có thể qua mặt để gian lận thuế. Trong ảnh là vụ gỗ xẻ xuất khẩu nhưng khai viên nén mùn để trốn thuế bị phát hiện /// Ảnh: Hải quan TP.HCM cung cấp
Lực lượng hải quan nắm rất vững về chuyên môn, nên doanh nghiệp khó có thể qua mặt để gian lận thuế. Trong ảnh là vụ gỗ xẻ xuất khẩu nhưng khai viên nén mùn để trốn thuế bị phát hiện  ẢNH: HẢI QUAN TP.HCM CUNG CẤP
Mấy ngày nay, dư luận đặc biệt quan tâm về nghi vấn Công ty sản xuất nhựa Tenma VN đưa hối lộ khoảng 5 tỉ đồng cho một số quan chức ngành hải quan và thuế tỉnh Bắc Ninh để khỏi đóng 400 tỉ đồng thuế mà các hãng thông tấn Nhật đưa tin. Trong khi vụ việc vẫn đang được các cơ quan chức năng làm rõ, nhiều ý kiến cho rằng tình trạng hải quan tiếp tay cho doanh nghiệp (DN) gian lận thuế là có thật.
Thất thoát thuế ở “cổng” hải quan

Lô hàng nhôm phế liệu được doanh nghiệp khai sai mã HS nhằm trốn thuế  ẢNH: HẢI QUAN TP.HCM CUNG CẤP

Khe hở mã hàng hóa

Thực tế, có không ít vụ cộm cán mà DN trốn thuế bị cơ quan hải quan trên cả nước phát hiện, bắt giữ và truy thu thuế số tiền lớn trong thời gian qua. Năm 2019, Công ty Việt Đài nhập từ Trung Quốc vào Việt Nam qua cửa khẩu Hữu Nghị (Cục Hải quan Lạng Sơn) lô hàng gồm 3 mục: 1.000 bộ xương càng xe bằng sắt, phụ kiện dùng cho xe gắn máy 1 bánh; 750 bộ niềng xe; 1.000 bộ chân chống bằng sắt. Sau kiểm tra thực tế, hàng có 39 mục khác nhau và mã số DN tự áp là 8714.10.30 nhưng theo kết quả phân loại mã số hàng hóa là 8714.10.50. Tiền thuế trốn là 1,4 tỉ đồng.

Điều quan trọng nhất phải có sự tham gia giám sát chặt của các bộ ngành khác, kể cả tư pháp hay Bộ Công an để chống gian lận thương mại trong hoạt động xuất nhập khẩu

PGS-TS Ngô Trí Long

Mới đây tại Hải quan TP.HCM, Công ty TNHH TMDV V.Y (TP.HCM) bị truy thu gần 1,5 tỉ đồng do nhập khẩu hàng hóa khai báo sai về mã số hàng hóa, thuế suất dẫn đến thiếu số thuế phải nộp. Thông tin từ Cục Hải quan TP.HCM, công ty này nhập khẩu hàng khai báo mã HS là 8712.00.10, thuế suất thuế nhập khẩu 5%. Tuy nhiên, thực tế là hàng áp mã 8712.00.30, thuế suất thuế nhập khẩu 10%. Từ đầu năm đến nay, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 (Cục Hải quan TP.HCM) đã kiểm tra hàng hóa nhập khẩu thuộc 3 tờ khai hải quan của Công ty TNHH TM-DV-KT nông nghiệp P.N (TP.HCM), phát hiện DN khai báo mã số hàng hóa, thuế suất thiếu trên 400 triệu đồng tiền thuế. Cụ thể, công ty nhập khẩu máy móc thiết bị nông nghiệp, mã số hàng hóa 84351010, thuế suất thuế nhập khẩu 0%. Song kiểm tra thực tế, DN nhập loại “máy khác” mã HS áp là 84361010, thuế suất thuế nhập khẩu phải là 20%. Cùng với quyết định truy thu số tiền thuế còn thiếu, cơ quan hải quan đã xử phạt DN số tiền bằng 20% chênh lệch thuế khai thiếu, gần 85 triệu đồng. Tương tự, Công ty CP XNK K.L.P bị hải quan TP.HCM phát hiện, truy thu và xử phạt trên 300 triệu đồng. Hàng của công ty nhập là thép hợp kim có hàm lượng carbon dưới 0,6%, thuế suất nhập là 10%, nhưng DN áp hàng thép không hợp kim thuế 0%, trốn trên 2,1 tỉ đồng tiền thuế.

Nhưng đó là “chiều” DN gian lận trong áp mã hàng hóa để trốn thuế. Còn hải quan tiếp tay, thông đồng ăn chia thì hầu như không thể kiểm soát nổi vì “đôi bên cùng có lợi”. Vụ các hãng thông tấn Nhật đưa tin về Công ty sản xuất nhựa Tenma VN đưa hối lộ khoảng 5 tỉ đồng cho một số quan chức ngành hải quan và thuế tỉnh Bắc Ninh để khỏi đóng 400 tỉ đồng thuế cho thấy đây mới là khe hở thất thoát khổng lồ của ngân sách quốc gia.
Thất thoát thuế ở “cổng” hải quan

Công ty Tenma VN, nơi xảy ra nghi vấn hối lộ hơn 5 tỉ đồng cho cán bộ thuế, hải quan của tỉnh Bắc Ninh nhằm trốn thuế  ẢNH: TENMA VN

Muốn trót lọt, phải có “thỏa thuận” ?

Thực tế, áp sai hoặc cố tình áp sai mã số HS nhập hàng để trốn thuế là chiêu được DN áp dụng nhiều nhất và theo một người trong ngành, muốn “trót lọt” phải có sự tiếp tay của cán bộ hải quan.
“Ngay cả khi hải quan sai nhưng vẫn đưa ra được yếu tố nghi ngờ, có thể chuyển phân luồng, kiểm tra trực tiếp. DN thì rất ngại hàng hóa phải chuyển kiểm tra cho dù họ đúng, thường sẽ xảy ra tranh cãi giữa cán bộ hải quan và nhân viên làm thủ tục khai báo. Còn lại, 80 – 90% vụ cố ý trốn thuế xuất nhập khẩu của DN thành công nhờ có sự thỏa hiệp với cán bộ hải quan”.
Một chuyên gia trong lĩnh vực xuất nhập khẩu tại TP.HCM

Chẳng hạn, DN nhập màn hình màu dùng cho máy chụp tia X, nhưng theo quy định không thể áp nhóm mã HS 9022 (thuế suất nhập khẩu 0%) mà phải áp mã HS 8528.59.10, với thuế suất nhập khẩu 10 – 12%. Hay DN nhập khẩu mặt hàng vải sợi để sản xuất, nếu sợi có độ bền cao làm từ polyester, đã hoặc chưa làm dún sẽ được áp mã HS 54022000, thuế suất nhập khẩu 0%. Nhưng chỉ khâu bằng sợi filament tổng hợp nhân tạo lại được áp HS 54011090 có thuế nhập 5%, hoặc loại sợi khác đơn, không xoắn mã 54024410 có thuế nhập 3%.

Do vậy, “Nếu DN muốn nhập các mặt hàng trên áp thuế 0% một cách cố ý, bắt buộc phải thỏa thuận với cán bộ hải quan. Vì thực tế, chuyên môn của cán bộ hải quan rất xuất sắc, họ nắm vững và khó qua mặt được họ, trừ khi… họ muốn”, anh H. – người có hơn 20 năm kinh nghiệm làm thủ tục hải quan tại cảng khu vực TP.HCM, nói thẳng.
Chưa hết, nếu DN khai gian (hoặc sai) bị phát hiện, cũng sẽ thỏa thuận với cán bộ hải quan để khỏi đóng thuế phát sinh thêm. Chẳng hạn, DN làm thủ tục xuất khẩu lát cắt gốc cây, hoàn thiện cơ bản như mặt bàn, được dùng phổ biến tại quán cà phê, trang trí nhà vườn… gọi chung là mặt bàn, áp HS 94036090 có thuế xuất khẩu 0%. “Hàng được xuất đi thời gian dài. Sau đó, cán bộ hải quan thay đổi, yêu cầu coi mặt hàng đó là miếng gỗ, hay gỗ áp mã HS 4407 và thuế xuất khẩu là 25%, yêu cầu truy thu số thuế còn lại. Tuy nhiên, DN không muốn hồ sơ bị “phết phẩy”, phải thỏa thuận với hải quan để được giữ lại mức thuế cũ theo cách hiểu cũ”, anh H. tiết lộ.
Một lãnh đạo công ty xuất nhập khẩu tại TP.HCM kể, trước năm 2018, công ty của ông từng nhận một đề nghị đi thỏa thuận với hải quan thuế xuất khẩu gỗ sang Trung Quốc từ mức 10 – 20% (trước 2018), nay là 20 – 25%, xuống 0% nhưng từ chối vì “trước hết là phạm luật, thứ hai, điều chúng tôi nhìn thấy nguy hiểm nhất là xuất lậu tài nguyên rừng là tội ác và khó dung thứ”. Trong thực tế, đã có DN xuất khẩu gỗ xẻ, mã HS 4407, thuế suất xuất khẩu 25% nhưng khai gian là viên nén gỗ để áp mã HS 44013100 có thuế suất 0% đi Trung Quốc và bị hải quan phát hiện, bắt giữ.

Làm xấu môi trường đầu tư

Theo quy định của luật Hải quan, DN được trao quyền tự khai và tự chịu trách nhiệm đối với hàng xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, nếu không có sự tiếp tay cố ý của cán bộ hải quan, DN – đặc biệt là DN nước ngoài, xuất nhập khẩu lượng hàng hóa lớn khó lọt lưới. Nhưng vì đôi bên cùng có lợi nên rất khó phát hiện. Thế nên, các vụ trốn thuế lớn bị phanh phui lại đến từ DN tự khai ở… nước ngoài.
Chuyên gia logistics Nguyễn Lý Trường An phân tích: “Việc DN áp sai mã HS để trốn thuế nay khó qua mắt hải quan. 6 nguyên tắc để phân tích áp mã HS trong xuất nhập khẩu hàng hóa, cả DN và cán bộ hải quan phải nắm rất rõ 6 quy tắc về xác định mã hàng hóa được ban hành kèm Thông tư 65/2017 của Bộ Tài chính. Trong đó, cán bộ hải quan ít nhất hiểu sâu sắc các nguyên tắc 1, 2a, 2b, 3a, 3b… khi định mã HS. Thế nên, vai trò kiểm tra sau thông quan, kiểm soát hải quan rất quan trọng”.
PGS-TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), nhận định nhiều DN sẵn sàng tìm mọi chiêu trò để lách, trốn thuế và không loại trừ có nhiều trường hợp phải có bắt tay với cán bộ hải quan. Đặc biệt những vụ như buôn lậu, hàng quốc cấm nếu không có thỏa thuận ngầm thì cá nhân hay tổ chức khó lòng chuyển hàng trót lọt qua các cửa khẩu có kiểm soát. Hoạt động gian lận thương mại nói chung, trốn thuế nói riêng khiến nhà nước thất thu thuế, sản xuất trong nước bị trì trệ do cạnh tranh không được… Hơn nữa, những vụ việc như trường hợp Công ty Tenma VN đã làm xấu đi môi trường kinh doanh của Việt Nam nói chung. Từ đó sẽ làm chùn chân các tập đoàn nước ngoài khi muốn tham gia vào thị trường Việt Nam vì họ luôn đặt tiêu chí minh bạch, công khai hay chống tham nhũng là quan trọng nhất. PGS-TS Ngô Trí Long nhấn mạnh: “Đây không phải là tham nhũng vặt mà tạo ra môi trường xấu. Điều quan trọng nhất phải có sự tham gia giám sát chặt của các bộ ngành khác, kể cả tư pháp hay Bộ Công an để chống gian lận thương mại trong hoạt động xuất nhập khẩu”.
NGUYÊN NGA – MAI PHƯƠNG
TNO