19/11/2024

Không tài khoản vẫn thanh toán không tiền mặt

Không tài khoản vẫn thanh toán không tiền mặt

Dù bày tỏ lo ngại với rủi ro do người dùng không cần có tài khoản ngân hàng, nhưng nhiều chuyên gia kỳ vọng việc thí điểm Mobile Money sẽ góp phần thúc đẩy nhanh xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt, khi hầu hết người dân đều có điện thoại.

 

Không tài khoản vẫn thanh toán không tiền mặt - Ảnh 1.

Sắp tới, người dân không cần có tài khoản ngân hàng cũng có thể thanh toán không dùng tiền mặt Ảnh: Quang Định

Trả lời Tuổi Trẻ, ông Phạm Tiến Dũng – vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước (NHNN) – cho biết NHNN đã trình Chính phủ dự thảo quyết định triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông để thanh toán cho các dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile Money). Về bản chất, Mobile Money là tiền điện tử, rất tiện lợi nhưng cũng tồn tại nhiều vấn đề nên trước mắt sẽ triển khai thí điểm.

Hạn mức nạp tối đa 10 triệu đồng/tháng

Theo ông Dũng, Mobile Money sẽ không cho phép nạp tiền từ thẻ cào mà người dùng phải nạp, rút tiền qua tài khoản ngân hàng. Nếu không có tài khoản ngân hàng, có thể nạp tiền thông qua các điểm nạp, rút tiền mặt nhưng không quá 10 triệu đồng/tháng. Khách hàng sẽ mở tài khoản tại công ty viễn thông. Cũng theo ông Dũng, NHNN đã kiến nghị Chính phủ không cho phép nạp tiền từ thẻ cào bởi sẽ phát sinh một số nguy cơ khó kiểm soát.

“Đối với dịch vụ chuyển tiền và thanh toán qua tài khoản di động (Mobile Money), chậm nhất đến tháng 6 sẽ được triển khai. Mặc dù đã chậm, song cố gắng trong tháng 6-2020, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Thông tin và truyền thông sẽ cấp phép cho các doanh nghiệp viễn thông.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng (bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông)

Trả lời câu hỏi làm sao kiểm soát được việc Mobile Money sẽ chỉ được dùng để thanh toán hàng hóa, dịch vụ mà không phục vụ cho các mục đích phi pháp, ông Dũng thừa nhận nguy cơ lớn nhất trong giao dịch không gian mạng là sự ẩn danh. Do vậy, vấn đề đầu tiên phải làm là phải xác định đúng danh tính khách hàng, phải yêu cầu xác thực.

“Không một kẻ trộm nào muốn để lộ danh tính trước khi hành nghề. Do đó, 2/3 dự thảo dành để quy định các vấn đề về quản lý rủi ro trong phòng chống tội phạm, các hành vi rửa tiền… Vấn đề còn lại là chờ quyết định chính thức từ Thủ tướng Chính phủ. Tương tự Mobile Money, ví điện tử cũng cần xác định được đúng danh tính người chủ tài khoản”, ông Dũng nói.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện MobiFone, nhà mạng sẽ cung cấp dịch vụ này, cho rằng Mobile Money có ưu thế hơn các dịch vụ thanh toán khác là người dùng chỉ cần có số điện thoại di động mà không cần phải có tài khoản ngân hàng. Mobile Money được kỳ vọng sẽ tiếp cận bộ phận lớn người dân, nhất là những người dân ở vùng sâu, vùng xa, chưa có tài khoản ngân hàng.

Ông Phạm Quang Đệ, chuyên gia công nghệ thanh toán, cũng nhận định lượng tiền mặt trong giao dịch thanh toán sẽ giảm khi Mobile Money xuất hiện, bởi hầu hết người trưởng thành ở VN đều có điện thoại. Và lợi thế của Mobile Money là khách hàng không cần có tài khoản ngân hàng vẫn có thể thanh toán được.

Mở ra cơ hội hợp tác nhà mạng – ngân hàng

Ông Trần Quốc Anh, giám đốc khối khách hàng cá nhân HDBank, cho biết đề án Mobile Money khi được triển khai thí điểm sẽ giúp các giao dịch tài chính phi ngân hàng đến với người dân nhiều hơn, nhất là các dịch vụ như ví điện tử, ứng dụng thanh toán (app).

“Mobile Money cũng sẽ góp phần quan trọng đối với các quyết định của Chính phủ về việc phát triển môi trường thanh toán không tiền mặt tại Việt Nam”, ông Quốc Anh nhận xét. Đồng thời kỳ vọng việc thí điểm Mobile Money sẽ mở ra cơ hội hợp tác của các ngân hàng với các nhà mạng, các tổ chức, doanh nghiệp.

Bởi sau khi đã có đồng tiền, phải có môi trường thanh toán cho đồng tiền đó như việc bảo đảm giá trị cho đồng tiền, thanh quyết toán của đồng tiền khi được sử dụng để giao dịch… Và hệ thống của ngân hàng vẫn luôn là hạ tầng thích hợp nhất để đóng vai trò bảo đảm cho giá trị đồng tiền, thực hiện thanh quyết toán sau khi đồng tiền được giao dịch.

Nếu các tổ chức không phải ngân hàng phải đầu tư những hệ thống như vậy vừa gây rủi ro, lãng phí nguồn lực đầu tư của xã hội, chưa kể khả năng kiểm soát giá trị của đồng tiền Mobile Money.

Ông Nguyễn Minh Tâm, phó tổng giám đốc Sacombank, cũng cho rằng Mobile Money ra đời sẽ góp phần làm đa dạng, phong phú hoạt động thanh toán. Người dân sẽ có cơ hội tiếp cận nhanh và quen với phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. Các ngân hàng cũng có ứng dụng thanh toán đáp ứng nhu cầu mọi cá nhân, nên việc cạnh tranh là điều khó tránh khỏi.

Tuy nhiên, theo ông Tâm, thị trường vẫn còn lớn, tỉ lệ người dân chưa sử dụng các phương thức thanh toán ngoài tiền mặt còn cao. “Hi vọng với sự ra đời của Mobile Money, cùng với ví điện tử và dịch vụ ngân hàng sẽ thúc đẩy nhanh việc phát triển thị trường tiêu dùng nói chung và thanh toán không dùng tiền mặt nói riêng. Từ sử dụng Mobile Money, biết đâu người dùng sẽ quen dần giao dịch với tổ chức tài chính, từ đó thuận tiện sử dụng dịch vụ ngân hàng?”, ông Tâm kỳ vọng.

Cần công cụ kiểm soát chặt – hạn chế rủi ro

Theo đại diện MobiFone, rủi ro khi triển khai Mobile Money cũng như các dịch vụ tài chính, thanh toán là có. Tuy nhiên, khi xem xét thí điểm Mobile Money, các cơ quan quản lý đã đề xuất Chính phủ các quy định như tài khoản đảm bảo, hạn mức giao dịch… để hạn chế rủi ro.

TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng, cho rằng các cơ quan quản lý phải có công cụ kiểm soát được tiền của người dân trong tài khoản này để không bị thất thoát. “Nguyên tắc là tiền của khách hàng để trong tài khoản Mobile Money chỉ để thanh toán cho việc mua sắm, sử dụng dịch vụ của họ”, ông Hiếu nói.

Đại diện Vụ Tài chính ngân hàng, Bộ Tài chính, cho biết khi xây dựng dự thảo quyết định của Thủ tướng liên quan đến việc thí điểm Mobile Money, các bộ cùng đồng thuận với nội dung là phải giới hạn số tiền để trong tài khoản này. “Khi tiền của khách hàng đưa vào Mobile Money, công ty viễn thông phải chuyển cho ngân hàng. Ngân hàng phải giữ tiền này và đảm bảo công ty viễn thông không dùng tiền này để đi đầu tư”, vị này cho biết thêm.

ÁNH HỒNG – LÊ THANH
TTO