Biểu tình, bạo lực vì vấn đề sắc tộc lại bùng lên ở Mỹ
Biểu tình, bạo lực vì vấn đề sắc tộc lại bùng lên ở Mỹ
Thống đốc bang Minnesota (Mỹ) đã phải huy động lực lượng vệ binh quốc gia khi những cuộc biểu tình kéo dài sang đêm thứ 3 liên tiếp sau cái chết của một người da đen đã bùng phát thành bạo lực.
Theo báo Guardian, Thống đốc bang Minnesota, ông Tim Walz, ngày 28-5 đã phải huy động lực lượng vệ binh quốc gia can thiệp trong bối cảnh Minneapolis, thành phố lớn nhất của tiểu bang này, trải qua đêm thứ 3 liên tiếp với các cuộc biểu tình quy mô lớn phản đối sau cái chết của ông George Floyd, một người da đen 46 tuổi.
Lần gần nhất Minnesota phải huy động lực lượng vệ binh quốc gia để giải quyết một bất ổn dân sự như thế này là năm 2008 ở thành phố St Paul.
Ông George Floyd đã chết sau khi bị một cảnh sát da trắng dùng đầu gối siết chặt cổ ông xuống mặt đường trong gần 8 phút bất chấp những tiếng kêu xin “tôi không thở được” của nạn nhân.
Trong đêm 27-5, hàng ngàn người biểu tình đã đổ ra các con phố ở Minneapolis. Mặc dù phần lớn những người tham gia đều tuần hành hòa bình song tình trạng bạo loạn cũng đã xảy ra ở khu vực Longfellow.
Tại đó một số tòa nhà đã bị đốt, các cửa hàng bị cướp và nhiều bức tường bị bôi bẩn bằng những hình vẽ graffiti mang theo thông điệp đòi công lý.
Đã có một người đàn ông bị bắn chết ở gần một cửa tiệm cầm đồ. Giới chức trách cho biết có khả năng người này đã bị chủ tiệm bắn.
Ba đêm biểu tình liên tiếp đã diễn ra sau cái chết ngày 25-5 của ông Floyd. Dư luận phẫn nộ trước tình huống người da đen này bị giết chết trong video do một người qua đường ghi lại bằng điện thoại di động.
Trong đó, nạn nhân bị một cảnh sát dùng đầu gối siết nghẹt cổ, chà mặt xuống đường cho tới khi không còn nói được nữa và tắt thở.
Trước đó cảnh sát đã bắt giữ ông Floyd ở bên ngoài một cửa hàng tiện lợi sau khi nhận được tin báo về một tờ hóa đơn giả.
Một số cửa hàng ở Minneapolis và vùng ngoại ô thành phố đã phải lên kế hoạch đóng cửa sớm để tránh thiệt hại do hoạt động biểu tình.
Minneapolis cũng đã phải tạm dừng hoạt động của hệ thống đường sắt đô thị (light-rail) và đã dự kiến dừng toàn bộ dịch vụ xe buýt “vì lo ngại cho sự an toàn của cả hành khách lẫn nhân viên công ty vận tải”.
Khoảng trưa 28-5, bạo lực đã lan tới một cửa hàng thuộc chuỗi Target. Cảnh sát cho biết khoảng 50-60 người đã xông vào cửa hàng và cướp hàng hóa.
Văn phòng luật sư Mỹ và văn phòng Cục điều tra liên bang (FBI) tại Minneapolis ngày 28-5 cho biết đang tiến hành “cuộc điều tra hình sự quy mô lớn” về cái chết của ông Floyd và coi đây là vụ việc được ưu tiên xem xét.
Trước đó một ngày, Tổng thống Donald Trump cho biết trên Twitter là ông đã yêu cầu xúc tiến điều tra vụ việc.
Viên cảnh sát đã dùng chân siết cổ ông Floyd và 3 cộng sự khác đi cùng nhóm của ông này đã bị sa thải ngày 26-5. Ngày sau đó thị trưởng thành phố Minneapolis yêu cầu buộc tội hình sự với viên cảnh sát này.
Không dừng lại ở phạm vi bang Minnesota, phong trào biểu tình phản đối sau cái chết của ông Floyd cũng đã lan sang các thành phố khác ở Mỹ.
Tại California, hàng trăm người biểu tình vì sự việc này đã phong tỏa một tuyến đường ở Los Angeles và đập vỡ cửa sổ xe của các xe thuộc đội tuần tra đường cao tốc California (California Highway Patrol).