19/11/2024

Khô hạn làm khó ngành điện

Khô hạn làm khó ngành điện

Dù ngành điện cam kết đáp ứng nhu cầu sử dụng điện cho sinh hoạt và sản xuất kinh doanh, nhưng khô hạn kéo dài khiến nhiều nhà máy thủy điện phải tạm dừng khai thác hoặc khai thác cầm chừng, trong khi nhu cầu sử dụng điện mùa nắng nóng tăng cao

 

Khô hạn làm khó ngành điện - Ảnh 1.

Một hộ dân tại quận Tân Phú, TP.HCM đầu tư điện mặt trời trên mái nhà – Ảnh: NGỌC HIỂN

Nắng nóng kéo dài cũng dẫn tới nguy cơ tiềm ẩn xảy ra sự cố lưới điện, nguy cơ gây quá tải, nhảy aptomat, thậm chí nguy cơ cháy nổ cũng sẽ tăng cao so với bình thường… Do đó, ngoài việc khuyến cáo người dân sử dụng điện tiết kiệm, đặc biệt là các thiết bị điều hòa, ngành điện cũng cho biết đang khuyến khích, tạo điều kiện cho người dân lắp đặt điện mặt trời trên mái nhà.

Nhu cầu cao, nguồn cung điện gặp khó

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, phụ tải hệ thống điện quốc gia giảm đáng kể so với kế hoạch đã được phê duyệt từ đầu năm. Cụ thể, tăng trưởng phụ tải điện 5 tháng đầu năm 2020 chỉ ước đạt mức 1,8% so với cùng kỳ năm 2019, riêng tháng 4 tăng trưởng âm. Tuy nhiên, theo một lãnh đạo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), sản lượng tiêu thụ điện vẫn có thời điểm ghi nhận mức cao kỷ lục, đặc biệt vào những ngày nắng nóng.

Số liệu từ Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia, sản lượng tiêu thụ điện toàn quốc ngày 21-5-2020 đã lên tới 789,6 triệu kWh, cao hơn cả ngày tiêu thụ điện lớn nhất của năm 2019 và cũng là mức cao kỷ lục mới. “Trong các tháng nắng nóng cao điểm của mùa hè sắp tới, để đảm bảo an toàn lưới điện khi nhu cầu sử dụng điện tăng cao, khách hàng cần sử dụng điện tiết kiệm, nhất là thiết bị điều hòa để tiết kiệm chi phí sử dụng điện” – vị này khuyến cáo.

Cũng theo vị này, công suất đỉnh của hệ thống điện toàn quốc ngày 21-5 tuy chưa vượt qua mức đỉnh của năm 2019 nhưng cũng ở mức rất cao khi lên tới gần 37.800 MW. Vào ngày 20-5, công suất đỉnh là 35.300 MW nhưng công suất đỉnh toàn quốc vào ngày 21-5 đã gia tăng thêm tới 2.500 MW, lớn hơn công suất của cả Nhà máy thủy điện Sơn La (2.400 MW).

Để đảm bảo cung cấp điện ổn định trên toàn hệ thống, EVN đã phải huy động tối đa các nguồn điện như điện than (tăng 21,3%), trong khi việc huy động nguồn nhiệt điện khí và thủy điện đều giảm tương ứng 15,9% và 30,4%. Tuy nhiên, do việc cung cấp các nguồn nguyên liệu sơ cấp như than, khí cho các nhà máy có nhiều thời điểm không ổn định, chưa đáp ứng nhu cầu, EVN phải huy động nguồn điện mặt trời tăng gấp 28 lần, huy động nguồn điện dầu đắt tiền tăng gần 1 tỉ kWh so với cùng kỳ năm ngoái.

Một lãnh đạo Bộ Công thương cho rằng dự báo nhu cầu điện toàn hệ thống năm 2020 dự kiến đạt 255,613 tỉ kWh, tăng trưởng 6,5% so với năm 2019, thấp hơn 2,56% so với kế hoạch trước. Lưu lượng nước về nhiều hồ thủy điện trên cả ba miền trong các tháng còn lại của năm 2020 đều tiếp tục được dự báo thấp hơn so với dự báo đầu năm.

Khô hạn làm khó ngành điện - Ảnh 2.

Ông VÕ TĂNG LÝ – giám đốc Công ty thủy điện Đại Ninh

Với thời tiết khô hạn kéo dài và lưu lượng về hồ rất kém như hiện nay, việc đảm bảo chạy máy phát điện cao điểm mùa khô cho hệ thống điện quốc gia và đảm bảo cấp nước phục vụ chống hạn là rất khó khăn.

Ông VÕ TĂNG LÝ (giám đốc Công ty thủy điện Đại Ninh, Lâm Đồng)

Thủy điện hoạt động cầm chừng do thiếu nước

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Đoàn Tiến Cường – giám đốc Công ty thủy điện Ialy (Gia Lai) – cho biết Nhà máy thủy điện Ialy đang gặp khó khăn do lượng nước xuống thấp, gần bằng mức thấp nhất vào năm 2005. Mực nước hồ của Nhà máy thủy điện Ialy hiện chỉ đạt 499m, còn 9m nữa là đến mực nước chết. Lưu lượng trung bình các tháng mùa khô năm nay cũng rất thấp, chỉ đạt 27m³/s, bằng 1/3 so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo ông Cường, từ nay đến cuối mùa khô, công ty vẫn cố gắng đảm bảo cung ứng điện cho khu vực phía Nam với mực nước này. Tuy vậy, các tổ máy hiện vẫn phải giảm công suất phát xuống 175 MW mỗi tổ máy so với công suất 180 MW (giảm 20 MW của 4 tổ máy) để tránh mực nước xuống quá thấp. “Nếu mùa mưa kéo dài từ tháng 7 đến tháng 11, chúng tôi hi vọng sẽ đạt sản lượng. Nhưng nếu mùa khô kéo dài, sẽ khó khăn cho vận hành không chỉ năm nay mà còn năm sau” – ông Cường nói.

Tương tự, ông Võ Tăng Lý – giám đốc Công ty thủy điện Đại Ninh (Lâm Đồng) – cho biết: nhà máy thủy điện Đại Ninh đang thiếu nước trầm trọng, lượng nước thấp nhất trong suốt 13 năm vận hành của công ty này. Trong năm 2020, doanh nghiệp đặt mục tiêu đạt sản lượng 495 triệu kWh điện nhưng đến cuối tháng 5 chỉ đạt 138 triệu kWh điện, chỉ đạt 28% kế hoạch cả năm, trong khi mùa khô hạn vẫn tiếp tục kéo dài.

Ngay từ cuối năm 2019 lượng mưa đã rất ít, rồi hạn hán kéo dài cho đến mùa khô năm nay. Ngay từ đầu năm 2020, mực nước hồ của thủy điện này đã thiếu trên 10m nước, trong khi khoảng cách từ mực nước chết đến mực nước bình thường chỉ 20m.

Chưa hết, do Ninh Thuận bị hạn hán mức độ 2, thiếu nước đặc biệt nghiêm trọng, công ty này phải phối hợp với EVN và Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia để phát điện và cung cấp nước theo nhu cầu của vùng hạ du địa phương này. Nhà máy phải vận hành cầm chừng theo chu kỳ cấp nước cho người dân địa phương. Có những chu kỳ phải dừng máy 9 ngày, thậm chí dừng máy đến 21 ngày bởi nếu nhà máy chạy liên tục, vùng hạ du sẽ thiếu nước.

“Chúng tôi ưu tiên để cấp nước cho người dân, đảm bảo sinh hoạt đang nguy cấp cho dân địa phương hơn là đảm bảo vận hành hệ thống điện” – ông Lý nói. Đồng thời cho biết nếu tình hình hạn hán bất thường kéo dài và mùa mưa ngắn, lượng nước tích trữ các tháng cuối năm thấp, việc vận hành thủy điện sẽ còn gặp nhiều khó khăn, có nguy cơ ảnh hưởng đến sản lượng điện của nhà máy.

Khô hạn làm khó ngành điện - Ảnh 4.

Công nhân điện lực bảo trì đường dây điện – Ảnh: T.B.D.

Khuyến khích lắp điện mặt trời trên mái nhà

Trao đổi với chúng tôi, một lãnh đạo Bộ Công thương cho biết các nguồn thủy điện tiếp tục được huy động theo tình hình thủy văn thực tế nhằm đảm bảo đáp ứng nhu cầu sử dụng nước vùng hạ du. Đối với các nguồn nhiệt điện than, tuôcbin khí sẽ được huy động tối đa theo công suất và khả năng cấp khí.

Các nguồn điện năng lượng tái tạo (chủ yếu là điện gió và mặt trời) sẽ được huy động hợp lý theo khả năng giải tỏa của lưới điện. Các nguồn nhiệt điện chạy dầu có giá thành cao dự kiến được huy động tùy theo yêu cầu vận hành của hệ thống điện quốc gia và nhu cầu phụ tải điện.

“Nhìn chung, việc cung ứng điện năm 2020 của toàn hệ thống điện quốc gia về cơ bản được đảm bảo và không phải thực hiện tiết giảm điện nếu không có các diễn biến quá bất thường xảy ra. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, hệ thống điện quốc gia phải được đảm bảo đáp ứng đủ điện cho nhu cầu thiết yếu của đời sống nhân dân và sản xuất, kinh doanh” – vị này nhấn mạnh.

Lãnh đạo Bộ Công thương cũng cho biết sẽ yêu cầu các đơn vị cung cấp nhiên liệu than, khí ưu tiên cung cấp đủ cho phát điện, vận hành xả nước từng hồ chứa, đảm bảo cung cấp nước. EVN và các nhà máy điện đảm bảo tiến độ sẵn sàng các tổ máy phát, cập nhật thường xuyên kế hoạch cung cấp điện tùy tình hình thủy văn, quản lý nhu cầu phụ tải, đẩy nhanh tiến độ đảm bảo đưa các công trình nguồn và lưới điện, giải tỏa công suất các dự án nguồn điện, đặc biệt điện mặt trời…

Lãnh đạo EVN cho hay sẽ tích cực vận động khách hàng sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả, tạo mọi điều kiện và khuyến khích khách hàng lắp đặt điện mặt trời trên mái nhà. Dự kiến đến cuối năm 2020, EVN kỳ vọng các khách hàng lắp đặt điện mặt trời áp mái có thể vào khoảng 1.000 MW.

EVN cũng đã giao Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia thường xuyên cập nhật các thông số đầu vào (tình hình phụ tải, thủy văn, tiến độ nguồn…) tính toán cân bằng cung – cầu, điều hành tối ưu hệ thống điện, chuẩn bị sẵn sàng các phương án cung ứng và xử lý khi có sự cố. Điều tiết các hồ thủy điện đảm bảo khả dụng nguồn cao nhất cho mùa khô năm 2020, đặc biệt là các nguồn thủy điện miền Nam và nam miền Trung, bảo dưỡng tổ máy.

Tọa đàm “Cung cấp điện năm 2020: có đáp ứng đủ nhu cầu?”

Nhằm mang đến cho bạn đọc cái nhìn toàn cảnh về tình hình sản xuất và cung ứng điện, định hướng các giải pháp khắc phục khả năng thiếu điện, báo Tuổi Trẻ tổ chức tọa đàm “Cung cấp điện năm 2020: có đáp ứng đủ nhu cầu?” lúc 14h ngày 29-5-2020 tại Trung tâm hội nghị 37 Hùng Vương (Ba Đình, Hà Nội).

Tại buổi tọa đàm, nhiều vấn đề sẽ được đại diện các cơ quan chức năng cùng chuyên gia thảo luận, đề xuất các giải pháp như thực trạng sản xuất và cung ứng điện cho đến khắc phục nguy cơ thiếu điện trong dài hạn; tiết kiệm điện, phát triển năng lượng tái tạo, giải tỏa công suất các dự án điện mặt trời, chính sách cho phép tư nhân tham gia đầu tư truyền tải…

Tham dự tọa đàm có đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Cục Điều tiết điện lực, Cục Điện lực và năng lượng tái tạo (Bộ Công thương), Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia, Tổng công ty Điện lực miền Nam cùng một số chuyên gia về ngành điện.

QUANG ĐỈNH

NGỌC AN – NGỌC HIỂN
TTO